Nước mắt nghề biển

'Nằm bờ' chắc chắn là nỗi buồn lớn nhất với 'nghề đi biển'. Bởi lẽ, để ra khơi, rất cần lao động biển. Công việc cực nhọc nhưng chẳng có trường lớp nào đào tạo, cũng chưa có dịch vụ cung ứng lượng lao động đi biển. Chính vì vậy, nhiều chủ tàu gom ngư phủ thông qua 'cò' lao động. Từ đây, qua những giọt nước mắt, có khi là máu, những góc khuất của nghề biển đã được lộ rõ.

Những ngày này, hàng trăm chiếc tàu cá neo đậu kín hai bên bờ khu vực Cảng cá Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.

Tàu thì nhiều, tuy nhiên, khu vực làm thủ tục đăng ký biên phòng ra khơi lại chẳng có mấy. Do không đủ ngư phủ nên nhiều chủ tàu phải để tàu nằm bờ, cho dù mọi thứ chuẩn bị cho chuyến ra khơi đã đâu vào đó.

Chuyện chủ tàu cá bị ngư phủ nhận tạm ứng rồi bỏ trốn xảy ra như cơm bữa, và gần như chủ tàu nào ở Cà Mau cũng gặp phải. Nghề đi biển vốn dĩ chưa bao giờ là dễ dàng. Giờ đây lại càng khó hơn, khi mỗi ngày, những chủ tàu như ông Hùng phải đối mặt với hàng loạt rủi ro không hề biết trước.

Do thiếu ngư phủ nên khi được giới thiệu có người đồng ý lên tàu là các chủ tàu cá rất mừng. Tuy nhiên, không phải ai lên tàu cũng biết cách sử dụng ngư cụ. Và khi đã ra khơi, số phận những lao động biển này phụ thuộc hoàn toàn vào thuyền trưởng, máy trưởng và các ngư phủ có kinh nghiệm.

Hầu hết các đối tượng cò ngư phủ đều phủ nhận việc giam giữ người. Thế nhưng, những lao động bị rơi vào tay cò đều khai rằng, vừa tới nơi là bị buộc phải viết giấy nhận nợ. Và họ bị biến thành những lao động không công trên biển mà không hề hay biết.

Việc thiếu lao động nghề biển đã kéo theo hàng loạt hệ lụy. Chủ tàu thì thiếu ngư phủ, còn nhiều người lao động phổ thông có nhu cầu tìm kiếm việc làm thì lại bị những kẻ bất lương lừa bán. Và từ đây, một đường dây mua bán người đưa lên tàu cá đã được Bộ đội Biên Phòng tỉnh Cà Mau triệt phá; đồng thời, giải cứu nhiều lao động trên biển.

Theo lãnh đạo Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh Cà Mau, lực lượng chức năng đã phát hiện một số lao động làm việc trên tàu cá đang khai thác ở vùng biển Cà Mau có dấu hiệu bị lừa đảo, bị ép buộc lao động nên đã điều tra, xác minh; đồng thời yêu cầu chủ tàu cá bị phản ánh đến làm việc và áp giải các tàu cá này vào đất liền.

Bằng các giải pháp, chỉ từ đầu năm đến nay, lực lượng Biên Phòng Cà Mau đã giải cứu hàng chục nạn nhân bị lừa bán dưới hình thức cò ngư phủ; đồng thời, cứu sống hàng chục nạn nhân khác do bị ép lao động quá sức, bị đánh mà phải nhảy xuống biển.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Thực hiện : Nguyễn Điền

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/nuoc-mat-nghe-bien