'Nước mắt' rừng xanh
Mùa mưa, những khu rừng luôn tiềm ẩn vô vàn mối nguy hại. Cây đổ, đất lở, đá lăn, nước lũ... nhưng 'thợ rừng' không có bất kỳ một công cụ bảo hộ nào mà chỉ dựa vào kỹ năng cùng kinh nghiệm từng trải. Họ đi bằng đôi chân trần, đôi tay trắng, có chăng chỉ giắt theo con dao để hái lộc rừng. Thế nên, khi tai nạn xảy ra, người đi rừng chỉ biết phó thác vào vận may rủi. Bao đời nay, nước mắt sơn tràng chưa bao giờ ngừng rơi trong các cánh rừng...
1. Những ngày này, không khí tang thương bao trùm xóm nhỏ của người Mông dưới chân dãy núi Chư Yang Sin hùng vĩ. Đó là một ngày định mệnh đầy nước mắt. Sáng 15/11, một nhóm khoảng 10 người dân ở thôn Ea Bar, xã Cư Pui (Krông Bông, Đắk Lắk) vào rừng hái nấm tại khu vực đồi núi thuộc địa phận xã Yang Mao (Krông Bông). Đến khoảng 11 giờ, trong lúc trời mưa, mọi người đang tạm nghỉ ngơi tại một gốc cây lớn thì bất ngờ cây đổ, đè chết 3 người và 1 người bị thương. Các nạn nhân tử vong gồm: Ông G.S.C. (46 tuổi), chị M.T.M. (19 tuổi), chị V.T.M. (29 tuổi) đều cư trú tại thôn Ea Bar. Nạn nhân bị thương là bà S.T.D. (45 tuổi), vợ của ông G.S.C, hiện đã qua cơn nguy kịch nhưng tinh thần vẫn rất hoảng loạn.
Cơn mưa dầm của Tây Nguyên mấy ngày nay như tiếng khóc thương cho những con người xấu số. Căn nhà của gia đình chị V.T.M. xung quanh được che chắn bởi vách phên tre nứa, 4 đứa con của chị còn bé, chưa hiểu được chuyện gì đang xảy ra với người mẹ của mình. Chúng ngơ ngác, dáo dác trước hình hài thương tâm của mẹ. Cách nhà chị M. không xa là nhà của ông C., nỗi đau ai oán từ những tiếng khóc của con cháu. Ngày định mệnh ấy, ông C. cùng vợ và những người hàng xóm rủ nhau vào rừng. Mặc dù trời mưa suốt mấy ngày nhưng họ vẫn đi vì nghĩ đất ẩm ướt trong rừng sẽ có nhiều nấm cùng các đặc sản khác. Đoàn người không thể ngờ, “tử thần” đã chờ họ bên dưới gốc cây cổ thụ. Khi cây đổ, ông C. tử vong tại chỗ, vợ ông bị thương, nhưng đó vẫn còn là sự may mắn với gia đình ông, khi các con còn có mẹ làm chỗ dựa tinh thần cho quãng đời sau này.
Sống với rừng là phải chấp nhận những thử thách của rừng, dù tang thương hôm nay nhưng ngày mai, khi mặt trời ló dạng trên đỉnh núi, con dân của làng Ea Bar vẫn đi vào rừng, vẫn sống với rừng. Anh Ma Seo Nhà - trưởng thôn Ea Bar chia sẻ, bà con trong thôn từ ngày lập làng đã có thói quen đi rừng kiếm ăn. Mùa mưa thì hái măng, hái nấm, mùa khô lên rừng chặt đót, kiếm củi. “Đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, đi rừng là cách kiếm sống nhưng cũng là truyền thống từ thời cha ông để lại, bà con chúng tôi mang theo từ quê hương Tây Bắc vào đây”.
Biết là nguy hiểm nhưng đó là cuộc sống của bà con. “Chính quyền xã cùng ngành chức năng thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân trong mùa mưa bão không đi ra rừng, rẫy, ruộng, sông suối nhất là khi trời mưa to, nguy cơ xảy ra lũ. Tuy nhiên, sự việc đáng tiếc vẫn xảy ra. Các nạn nhân đều có hoàn cảnh khó khăn. Chúng tôi đã thăm hỏi, động viên các gia đình, chung tay lo hậu sự cho các nạn nhân tử vong”, ông Nguyễn Minh Nghiệp - Chủ tịch UBND xã Cư Pui cho biết.
Mưa tháng 11 vẫn còn rả rích, dòng suối Yang Mao vẫn xẻ núi đổ về, khi róc rách, lúc cuồn cuộn chảy như gầm thét.
“Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, đó là câu nói ám chỉ sự đánh đổi và trả giá của nghề rừng. Và, nước mắt sơn nhân chưa bao giờ ngừng rơi trên khắp các cánh rừng, đặc biệt là tai họa vào mùa mưa bão. Chỉ cách nay hơn 2 tháng, chị H.D.L (29 tuổi) cùng cháu gái H.V.L (7 tuổi, gọi chị L. bằng dì, cùng trú buôn Năm, xã Đắk Phơi, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) vào rừng hái măng ngày mưa bão mù trời. Trên đường đi, hai dì cháu băng qua dòng suối nước lũ đang tràn về và cả hai bị lũ cuốn trôi, 2 ngày sau mới tìm thấy xác. Dòng suối oan nghiệt cướp đi sự sống của 2 sơn tràng tội nghiệp chỉ cách khu rừng cây đổ đè chết 3 người tại xã Cư Pui một đoạn ngắn. Nghề rừng thật sự phiêu lưu và nguy hiểm, nhưng tại sao người ta vẫn chọn dấn thân vào chốn thâm u, trắc trở ấy chỉ để kiếm vài cây măng, ít tai nấm hoặc đơn giản hái mớ rau về ăn. Ngẫm lời trưởng thôn Vàng Seo Nhà nói, thì họ đi rừng vì ở nhà không có việc để làm... Đi rừng, còn bởi tập quán “sống nhờ rừng, thác gửi rừng” của người miền núi từ bao đời nay.
2. Ngồi tựa lưng vào ghế đá trong khuôn viên Bệnh viện Phục hồi chức năng (Q 8, TP Hồ Chí Minh), Nông Văn Thắng (32 tuổi, ngụ huyện Đăk Glong, Đắk Nông) bần thần cúi xuống, hai tay vân vê chiếc nạng gỗ. Cứ 3 tháng một lần, Thắng từ Đắk Nông bắt xe khách xuống bệnh viện tập vật lý trị liệu 2 tuần hoặc nhiều hơn tùy vào chỉ định của bác sĩ.
Thắng yêu cầu tôi đừng chụp ảnh cậu trong tình thế này, vì ở quê chúng bạn thấy được sẽ thương hại. Rồi 2 đứa con nhỏ của Thắng nữa, sợ chúng tổn thương. Nhắc đến tai nạn, chợt đôi tay của Thắng run lên, gai ốc rần rần. Dù sự việc đã được tròn một năm, nhưng nó thực sự ám ảnh người đàn ông này. Thắng kể, cũng vào thời điểm này của năm trước, anh và em vợ vào khu vực Suối Phèn (thôn 12, xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) tìm măng rừng và đánh cá suối. Hai anh em đào được một bao măng rừng để trên bờ rồi lần theo con suối tìm nơi trú ngụ của cá. Nghe nói suối có nhiều loài cá niên (có nơi gọi cá mác hoặc cá sỉnh cao) đang trở thành đặc sản cho khách du lịch, được bán với giá vài trăm ngàn/kg.
Trước sự mê hoặc của lợi nhuận, những sơn nhân như anh em Thắng không quản gian khổ, khó khăn và hiểm nguy chốn rừng thiêng nước độc để có được những lộc rừng đắt đỏ. Dù trời mưa rất to, mưa từ vài hôm trước nữa, con suối Phèn đỏ au màu nước, cuồn cuộn dòng chảy nhưng Thắng không sợ. Tìm được đoạn nghi có cá, anh em Thắng sắm đồ nghề và nhảy xuống suối. Họ giăng lưới giữa dòng nước rồi chạy lên phía trên khua khoắng cho động để cá từ các hang đá chạy ra, lọt vào tấm lưới chờ sẵn. Thắng đang ngụp lặn trong dòng nước thì bất thình lình một phiến đá lở ra ập vào người anh. Thắng chỉ kịp ú ớ vài tiếng, rồi cơn đau làm cho bất tỉnh. Cậu em vợ chạy lại đấu vật một lúc mới lôi được Thắng lên bờ, gọi người ứng cứu đưa Thắng đi bệnh viện. Thắng bị gãy nhiều mảnh đốt sống, tổn thương tủy, liệt gần hoàn toàn 2 chân và bí tiểu. Các bác sĩ mổ kết hợp xương cố định từ phía sau, bảo tồn và tạo hình lại thân đốt gãy, giải ép triệt để chèn ép từ mảnh xương gãy vào tủy sống.
Trải qua nhiều ca mổ, Thắng chuyển sang tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng. Tại đây, Thắng phải chiến đấu với các cơn đau mức độ nặng hơn, cơn đau dữ dội hơn khiến toàn thân anh luôn tê cứng, nhói buốt và cảm giác như kim châm. Phải gánh chịu những cơn đau đớn, khó chịu dai dẳng và thường không có điểm dừng, đã nhiều lần Thắng tuyệt vọng, bất lực, cáu gắt với người mẹ già 70 tuổi đang chăm mình. “Suốt 3 tháng đầu tiên tập phục hồi chức năng, em không thể nào ngủ được vì quá đau đớn. Mẹ phải động viên nhiều lắm, bảo em còn may mắn vì vẫn giữ được mạng sống, ngoài kia nhiều người đi rừng phải bỏ mạng thì sao”, Thắng bộc bạch.
Thắng đang cố gắng từng ngày tập những bước đi ngay ngắn, tập duỗi thẳng chân, co tay... và điều quan trọng nhất, anh phải tập chấp nhận thực tế, quên đi quá khứ để bắt đầu cuộc đời mới ở phía trước.
Mưu sinh trong các cánh rừng, nhặt những đồng tiền từ màu xanh của rừng chưa bao giờ là điều dễ dàng. Có mấy ai làm nghề thợ rừng chân chính mà giàu có được, may mắn chỉ đủ ăn, đủ tiêu trong những tháng ngày giáp hạt. Nhưng, ở các bản làng nơi bìa rừng, ven suối, kiếm ăn từ rừng là một sự lựa chọn quen thuộc. Nếu không, chỉ có thể thoát ly xuống đồng bằng, thành phố làm thuê làm mướn hoặc làm công nhân, cửu vạn, thợ hồ...
Không tai nạn nào giống nhau, cũng không cái chết nào giống nhau cả. Kẻ uống rượu say ngã suối chết, người trúng gió chết, gỗ đè chết, có người về cách nhà một quãng thì bị con suối lũ nhấn chìm, vài ngày sau mới tìm ra xác... Những “thợ rừng” chúng tôi gặp dù đã trải qua nhiều thương đau nhưng khi nhắc đến nghề, họ vẫn dành một tình yêu nồng cháy. Họ lý giải rằng, ở đâu, nghề nào cũng có tai nạn nghề nghiệp và chúng ta phải chấp nhận sự thật đó.
Là một người dành trọn phần đời còn lại cho các cánh rừng và những loài muông thú, “hiệp sĩ rừng xanh” Tăng A Pẩu (70 tuổi, TP Hồ Chí Minh) cho rằng, con người bảo vệ rừng, yêu các loài động vật thì rừng sẽ che chở và không để họ đói, rừng sẽ cho họ thứ cần tìm như hạt dổi, hạt mắc khén, nấm, măng, cua cá, cho cơm ăn, áo mặc...
“Đã là thợ rừng thì ai cũng sở hữu những kỹ năng sinh tồn nhất định, nhưng theo tôi không nên đi rừng một mình mà cần có ít nhất hai người trở lên, được trang bị những dụng cụ sơ, cấp cứu cần thiết trong trường hợp gặp người đuối nước, sơ cứu vết thương hở, xử lý vết bỏng và cách băng bó gãy xương ở những vị trí khác nhau trên cơ thể. Điều quan trọng nhất để tránh được tai nạn là phải xem thời tiết, đừng đi rừng khi trời mưa to, gió lớn, khi có bão đổ về...”, ông Tăng A Pẩu chia sẻ.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/nuoc-mat-rung-xanh-i714572/