Nước Mỹ bắt đầu 'đóng cửa' khi COVID-19 thành đại dịch
Đóng cửa trường học, hủy bỏ sự kiện công cộng, cho nhân viên làm việc tại nhà… là những phản ứng đầu tiên của Mỹ khi COVID-19 thành đại dịch toàn cầu.
Theo tờ The Guardian ngày 11-3, Mỹ đã bắt đầu có những phản ứng khi COVID-19 thành đại dịch toàn cầu.
Trường học đóng cửa
Các trường cao đẳng và đại học đã có sự chuẩn bị một khi dịch bùng phát trong cộng đồng sinh viên, đặc biệt là trong bộ phận những người sống trong ký túc xá của trường.
Đại học Harvard khuyến cáo sinh viên không nên quay lại trường sau kỳ nghỉ xuân vào cuối tuần này. Thay vào đó, tất cả họ sẽ tham gia các lớp học trực tuyến.
Nhiều trường như ĐH New York hay ĐH Maryland vẫn đang trong kỳ nghỉ xuân cũng lên kế hoạch chuyển đổi sang học trực tuyến.
TP Seattle (bang Washington) tuyên bố sẽ đóng cửa tất cả trường công lập trong hai tuần, bắt đầu từ ngày 12-3. Seattle là TP lớn đầu tiên ở Mỹ đóng cửa hệ thống trường học, việc này sẽ ảnh hưởng đến gần 50.000 trẻ em tại hơn 100 ngôi trường.
Nhân viên làm việc tại nhà
Công ty công nghệ hàng đầu Google đã yêu cầu nhân viên của mình ở các khu vực trên thế giới như Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Đông và châu Phi làm việc tại nhà cho đến ngày 10-4, theo The Guardian.
Starbucks hôm 11-3 thông báo họ sẽ vẫn trả lương cho nhân viên do dịch bệnh, gọi là “trả lương do thảm họa”. Sự hỗ trợ sẽ bao gồm nghỉ phép có lương và các hỗ trợ khám sức khỏe khi dịch bệnh còn kéo dài.
Hủy các cuộc diễu hành Ngày thánh Patrick
Ngày lễ thánh Patrick là một sự kiện hằng năm với những đoàn diễu hành trong trang phục màu xanh lá - màu đại diện cho thánh Patrick. Có nguồn gốc từ Ireland nhưng ngày lễ thánh Patrick được người Mỹ - đặc biệt ở New York và Boston - hưởng ứng nhiệt thành bởi gốc gác của họ là từ Ireland.
Hãng tin AP dẫn lời Thống đốc bang New York Andrew Cuomo cho biết cuộc diễu hành nhân Ngày thánh Patrick (ngày 17-3) sẽ bị hủy do những lo ngại về COVID-19.
Đây là lần đầu tiên mà lễ hội có lịch sử 258 năm tại New York bị hủy bỏ, theo AP. TP New York cũng triển khai 200 lính cảnh vệ quốc gia tại New Rochelle (vùng ngoại ô New York) bắt đầu từ ngày 12-3 để ngay chặn sự lây lan COVID-19 tại đây.
Bên cạnh hủy bỏ diễu hành Ngày thánh Patrick, TP Chicago cũng hủy bỏ các sự kiện thu hút ngàn người vui chơi trên đường và đóng cửa các quán rượu.
“Giống như các thành phố trên toàn nước Mỹ, chúng tôi thấy rằng cuộc diễu hành vào thời điểm này tạo ra nhiều nguy cơ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng” - Thị trưởng TP Chicago Lori Lightfoot nói với phóng viên ngày 11-3.
Các TP khác của Mỹ như Boston, Philadelphia Denver, Dallas, San Francisco, Sioux Falls đều yêu cầu hủy bỏ cuộc diễu hành mừng Ngày thánh Patrick.
Thêm vào đó, các rạp chiếu phim, sự kiện thể thao, địa điểm tổ chức buổi hòa nhạc và nhiều công ty giải trí khác cũng đóng cửa hoặc hạn chế hoạt động do COVID-19.
Du lịch bị ảnh hưởng
Sự bùng phát dịch bệnh đã giáng đòn nặng đến du lịch Mỹ. Tại bang Floria, loại hình du lịch đóng góp nhiều nhất là du thuyền bị ảnh hưởng nặng nề.
Một số tàu du lịch đã công bố kế hoạch kéo giảm hoạt động, thắt chặt các hạn chế đi lại hoặc hoàn tiền cho khách hàng đã đặt chuyến.
Thế nhưng một hiện tượng xuất hiện từ sự chậm lại của du lịch là việc gia tăng việc mua tour du lịch. Theo The Guardian, đó là nhờ những người Mỹ trẻ tuổi tận dụng cơ hội giảm giá du lịch.
Trước đó, như tin đã đưa, Tổng thống My Donald Trump tuyên bố sẽ ban hành lệnh cấm nhập cảnh đối với các du khách từ châu Âu (trừ Anh), bắt đầu từ ngày 13-3.
Tuy nhiên, theo The Guardian, vẫn còn nhiều thắc mắc về lệnh cấm nhập cảnh này từ chính phủ Mỹ. Theo đó, việc đình chỉ các hoạt động đi lại sẽ được thực hiện ra sao, sẽ chỉ cấm các chuyến bay từ châu Âu hay là với tất cả du khách châu Âu. Ngoài ra, lệnh cấm không áp dụng đối với Anh, vậy nếu du khách Anh có đi đến châu Âu thì nước Mỹ sẽ giải quyết như thế nào?
Theo The Guardian, Bộ An ninh Nội địa Mỹ sẽ đưa ra những hướng dẫn chi tiết trong thời gian sớm nhất.