Nước Mỹ bất đồng trong chuyện giải ngân 10 tỷ USD cho Taliban
Chia rẽ chính trị đang hiện hữu tại Washington về cách Mỹ sử dụng đòn bẩy tài chính với chính quyền Taliban, trong bối cảnh Afghanistan phải đối mặt với thảm họa kinh tế và nhân đạo.
Quan điểm đối lập
Trong khi nhiều nghị sĩ cho rằng cần bỏ việc đóng băng tài chính, ngăn chặn Taliban tiếp cận viện trợ quốc tế vì việc này khiến người dân Afghanistan chịu thiệt thòi thì các nhà lập pháp đảng Cộng hòa lại suy nghĩ không nên từ bỏ áp lực về mặt tài chính đối với nhóm này, theo Nikkei Asian Review.
Nước Mỹ gặp bất đồng trong chuyện giải ngân 10 tỷ USD cho Taliban. Ảnh: Getty Images.
Trong số hơn 9 tỷ USD Ngân hàng Trung ương Afghanistan nắm dự trữ ngoại hối, khoảng 7 tỷ USD nằm trong Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, theo Thống đốc ngân hàng trung ương ông Ajmal Ahmady vào giữa tháng 8.
Hồi tuần trước, các nghị sĩ bảo thủ đã kêu gọi chính quyền không nới lỏng bất kỳ biện pháp trong chính sách đóng băng tài chính đối với chính phủ của Taliban.
“Chúng ta đang có thể và nên có các biện pháp thay thế hỗ trợ người dân Afghanistan. Tuy nhiên, chúng ta không thể cho phép việc sử dụng bất kỳ nguồn lực nào để thúc đẩy chế độ áp bức của Taliban”, ông Marco Rubio và Rob Portman thuộc đảng Cộng hòa viết trong thư gửi Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen.
Trong thư, hai nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa cho rằng không nên giải phóng số tài sản dự trữ của ngân hàng trung ương Afghanistan. Ngoài ra, Mỹ nên “can thiệp” vào IMF để đảm bảo 450 triệu USD dự trữ trong Quyền rút vốn đặc biệt sử dụng phục hồi sau đại dịch vẫn đang bị phong tỏa hoàn toàn.
“Taliban là Nhóm Khủng bố Toàn cầu được Chỉ định Đặc biệt (SDGT) kể từ năm 2002”, một nhóm các thượng nghị sĩ Dân chủ viết trong thư gửi bà Yellen vào tuần trước. “Giờ đây, khi Taliban lên nắm quyền, các hạn chế pháp lý đi kèm với sự chỉ định này đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến lĩnh vực nhân đạo, bao gồm cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân Afghanistan trong thời điểm quan trọng này”.
Bộ Tài chính Mỹ đã phát tín hiệu rằng, các nhóm viện trợ có thể hoạt động ở Afghanistan khi được cấp phép miễn trừ. Tuy nhiên, một số nhà lập pháp đảng Dân chủ đã kêu gọi Bộ Tài chính Mỹ đưa ra một thông điệp rõ ràng hơn về vấn đề này.
Cuộc tranh luận chính trị càng leo thang trong tuần trước sau khi Taliban công bố nội các toàn nam giới, mang nặng tư tưởng Hồi giáo. Trong số đó có nhiều thành viên đang chịu lệnh trừng pháp của Liên hợp quốc. Một bộ trưởng nội vụ bị truy nã ở Mỹ do liên quan tới vụ tấn công chết người năm 2008 vào một khách sạn ở Kabul.
Sức ảnh hưởng của Mỹ
Cuộc “khẩu chiến” có khả năng ảnh hưởng sâu rộng vì Mỹ đang đóng vai trò quan trọng là “người gác cổng” hiệu quả của hệ thống tài chính toàn cầu. Nước này có quyền thực thi quyết liệt nhất các lệnh trừng phạt đối với Taliban và là cổ đông có quyền lực nhất tại Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), hai định chế tài chính hiện đều đã ngừng hỗ trợ Afghanistan sau khi Taliban lên nắm quyền.
Theo Ngân hàng Thế giới, dòng viện trợ quốc tế chiếm hơn 40% tổng GDP (tổng sản phẩm quốc nội) của Afghanistan vào năm 2020. Việc Taliban lên nắm chính quyền đánh dấu bởi lạm phát, ngừng hoạt động các dịch vụ cơ bản, người tị nạn di cư và việc giải thể Lực lượng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Afghanistan – một trong những nơi sử dụng lao động lớn nhất quốc gia này.
“Chúng ta đang chứng kiến một cuộc khủng hoảng tiền tệ phủ bóng Afghanistan vào thời điểm nước này có ít khả năng chi trả nhất”, bà Elizabeth Threlkeld, thành viên cấp cao và là Phó giám đốc Chương trình Nam Á tại Trung tâm Stimson, một tổ chức tư vấn của Washington, cho biết.
Người dân Afghanistan xếp hàng dài chờ rút tiền mặt hôm 4/9 tại thủ đô Kabul. Ảnh: Getty Images.
Theo bà Threlkeld, đây là một thách thức đối với chính quyền Taliban trong tương lai, và đối với các nhà hoạch định chính sách ở Washington và nhiều nơi khác. Bà cũng cho rằng việc cắt đứt khả năng tiếp cận hỗ trợ phát triển và dự trữ ngoại hối là “con dao hai lưỡi” khi bất kỳ đòn bẩy nào mà Washington đạt được trước Taliban cũng “đánh vào túi tiền của người dân Afghanistan vào thời điểm vốn đã đầy thách thức như hiện nay”.
Hồi cuối tháng 8 vừa qua, Nga kêu gọi Mỹ giải phóng khoản dự trữ của Ngân hàng Trung ương Afghanistan mà Washington phong tỏa khi Taliban giành quyền kiểm soát.
“Nếu các nước phương Tây thực sự lo lắng về số phận người dân Afghanistan thì không nên gây thêm rắc rối cho họ bằng cách đóng băng dự trữ vàng và ngoại hối”, ông Zamir Kabulov, đặc phái viên của Điện Kremlin về Afghanistan, cho biết hôm 30/8.
Vị đặc phái viên của Điện Kremlin nhấn mạnh Mỹ cần khẩn trương giải phóng những tài sản này để hỗ trợ “đồng nội tệ đang sụp đổ” của Afghanistan, cảnh báo rằng chính quyền dưới thời Taliban có thể chuyển sang buôn bán thuốc phiện, cũng như tung vũ khí thu được của quân đội Mỹ và Afghanistan ra chợ đen.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tổng kho dự trữ của Ngân hàng Trung ương Afghanistan đạt 9,4 tỷ USD tính đến tháng 4/2021. Song, theo nguồn tin của AFP, phần lớn số tiền này đều đã được chuyển ra nước ngoài.
Washington tuyên bố Taliban không có quyền tiếp cận số tài sản gửi ở Mỹ và không nói rõ cụ thể số tiền. “Bất kỳ tài sản nào thuộc Ngân hàng Trung ương mà chính phủ Afghanistan sở hữu tại Mỹ sẽ không được cung cấp cho Taliban”, một quan chức trong chính quyền Mỹ nói với AFP vào hôm 16/8.
Trước đó, theo hãng tin Quartz, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đóng băng một số tài sản do chính phủ Afghanistan gửi tại các ngân hàng ở Mỹ, nhằm ngăn lực lượng Taliban tiếp cận khối tài sản trị giá hàng tỷ USD – một phần trong số này được cho là dự trữ ngoại hối của Afghanistan.
Trong khối tài sản bị đóng băng lần này của Afghanistan có một kho vàng miếng đang được niêm phong ở Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York. Theo số liệu do Ngân hàng Trung ương Afghanistan công bố, tính đến tháng 12/2020, khối tài sản được gửi tại đây bao gồm 22 tấn vàng. Theo tỷ giá hiện tại của Hiệp hội Thị trường Vàng thỏi London (LBMA), số vàng này trị giá ước tính khoảng 1,25 tỷ USD.