Nước Mỹ chia rẽ trước bầu cử

Trước mỗi kỳ bầu cử tổng thống, người dân Mỹ lại được chứng kiến sự đấu đá giữa các đảng phái, đặc biệt giữa 2 chính đảng lớn nhất Dân chủ và Cộng hòa. Điều này đã trở thành thâm căn cố đế và ngày càng nặng nề hơn. Nó không chỉ là vấn đề khác biệt về chính sách, mà mỗi người hầu như đã chọn phe này và ghét phe còn lại.

Quốc gia bị rạn nứt

Khảo sát mang tên "Quốc gia bị rạn nứt: Mở rộng phân cực đảng phái và các vấn đề chính trong bầu cử tổng thống năm 2020" của PRRI, cho thấy gần một nửa nước Mỹ (48%) tin đảng Cộng hòa đã bị những kẻ phân biệt chủng tộc chiếm giữ. Đây cũng là quan điểm của 80% đảng Dân chủ. Trong khi đó, 44% người Mỹ tin rằng đảng Dân chủ ngày nay chính là các nhà xã hội chủ nghĩa. Có 82% đảng Cộng hòa đồng tình ý kiến đó.

Vài thập niên trước, đảng phái là thứ mọi người Mỹ chỉ thể hiện ở thùng phiếu. Ngày nay, đó là thứ họ mang về nhà cả khi đi ngủ. Nó rất cá nhân và rất trực quan.
Robert Jones, CEO của PRRI

Theo ông Robert Jones, CEO của PRRI (tổ chức phi đảng phái chuyên nghiên cứu về chính trị, văn hóa và tôn giáo), 2 đảng lớn của Mỹ hiện nay phản ánh 2 phần khác biệt của nước Mỹ, với những người Cộng hòa bao gồm các Kitô hữu da trắng, những người tin họ là nạn nhân của những thay đổi văn hóa-xã hội, và đảng Dân chủ, với người Mỹ gốc Phi, Mỹ Latin và phụ nữ, những người đang tạo ra những thay đổi đó.

Các nhà truyền giáo da trắng đổ xô đến đảng Cộng hòa sau khi phong trào dân quyền diễn ra vào cuối những năm 1960. Trong khi đó, đảng Dân chủ được xác định với các phong trào dân quyền. Như vậy, ngay từ đầu 2 đảng lớn này đã tập hợp những khác biệt về chủng tộc và tôn giáo. “Điều này đã đạt đến mức cực đoan. Sự phân cực đảng phái bị thúc đẩy bởi thực tế mọi người yêu đảng của họ nhiều như họ ghét đảng kia. Họ thực sự coi nhau là kẻ thù” - ông Jones nói.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (đảng Dân chủ) và Tổng thống Donald Trump (đảng Cộng hòa).

Theo PRRI, hơn 2/3 (69%) đảng Cộng hòa tin rằng sự phân biệt đối xử với người da trắng đã trở thành vấn đề lớn như sự phân biệt đối xử với người da đen, trong khi chỉ 21% đảng Dân chủ cảm thấy như vậy. Khi được hỏi liệu "người nhập cư đang xâm chiếm đất nước và thay đổi văn hóa Mỹ", 63% đảng Cộng hòa và 20% đảng Dân chủ trả lời “có”. Khi nói đến vai trò giới và phong trào MeToo (phong trào tố cáo nạn tấn công tình dục), đa số đảng Cộng hòa (53%) tin rằng đàn ông bị trừng phạt "chỉ vì là đàn ông", 65% nghĩ rằng toàn bộ xã hội đã trở nên "quá mềm yếu và nữ tính". Trong khi đó, chỉ 23% đảng Dân chủ đồng ý đàn ông bị trừng phạt “vì là đàn ông”, 26% tin nước Mỹ đang trở nên "quá mềm yếu và nữ tính". Hơn một nửa đảng Cộng hòa (55%) tin rằng cần phải tin vào Chúa để trở thành người có đạo đức, so với 35% đảng Dân chủ nghĩ như vậy.

Trong số hàng chục vấn đề được nêu ra, chỉ có 2 vấn đề chăm sóc sức khỏe (65%) và khủng bố (54%) được xem là quan trọng bởi đa số người Mỹ. Với đảng Dân chủ, các vấn đề quan trọng nhất lần lượt là chăm sóc sức khỏe (77%), biến đổi khí hậu (72%) và can thiệp nước ngoài trong cuộc bầu cử tổng thống (63%). Trong khi với đảng Cộng hòa khủng bố (63%), nhập cư (60%) và tội phạm (50%) là những vấn đề quan trọng nhất. Việc làm và thất nghiệp, vốn được coi là thế mạnh để tái bầu cử của một tổng thống, được đánh giá ít quan trọng hơn, với chỉ 45% người Mỹ xác định quan trọng. Đảng Cộng hòa coi nền kinh tế quốc gia mạnh mẽ và tỷ lệ thất nghiệp thấp là điểm cộng rất lớn, trong khi đảng Dân chủ cho rằng lợi ích kinh tế chủ yếu chỉ làm lợi cho những người giàu có và các tập đoàn.

Tổng thống gây tranh cãi

Khi nói đến Tổng thống Donald Trump, sự khác biệt giữa 2 đảng trở nên mạnh mẽ. Khảo sát mới đây PRRI cho biết khoảng một nửa (51%) người Mỹ hiện nay ủng hộ luận tội ông, so với 47% người cảm thấy như vậy trong cuộc khảo sát trước. Tuy nhiên, sự gia tăng (sau 1 tháng) gần như hoàn toàn vì sự ủng hộ của đảng Dân chủ đối với luận tội: 93% đảng Cộng hòa phản đối luận tội (so với 94% vào giữa tháng 9), trong khi 88% đảng Dân chủ ủng hộ luận tội, tăng từ 78% vào giữa tháng 9.

Ông Trump bị xếp hạng thấp trong nghiên cứu của PRRI, khi 64% người Mỹ có quan điểm không thuận lợi về tổng thống, so với 35% người có quan điểm tích cực về ông, một tỷ lệ ủng hộ thấp nhất từ khi ông vào Nhà Trắng. Nhưng cũng có sự phân chia đảng phái: 82% đảng Cộng hòa ủng hộ ông Trump, so với tỷ lệ 6% của đảng Dân chủ. 42% người Cộng hòa hoàn toàn ủng hộ ông Trump và cho biết dù ông có làm gì họ cũng bầu cho ông. Trong khi đó, 2/3 người Mỹ nói họ đánh giá cao những công việc của Tổng thống Trump, nhưng ông vẫn có thể mất phiếu bầu của họ nếu mắc sai lầm.

Thực sự, vị tổng thống xuất thân tỷ phú Donald Trump đã gây ra không ít làn sóng tranh cãi trong nước Mỹ và cả thế giới. Trong nước, ông không ngại chỉ trích những người tiền nhiệm ở cả 2 đảng là các cựu Tổng thống Obama và Bush về những chính sách "sai lầm" của họ. Ông đặc biệt muốn đảo ngược các chính sách của ông Obama về bảo hiểm y tế, nhập cư… Ông gọi các hãng truyền thông như CNN, New York Times, Washington Post là "tin giả", "kẻ thù của nhân dân"; nắn gân Facebook và Twitter là vi phạm tự do ngôn luận khi ngăn chặn và tháo gỡ những bài viết của các thuê bao được cho là vi phạm...

Ông Trump đã thất bại trong nỗ lực bãi bỏ Đạo luật Chăm sóc giá cả phải chăng, nhưng đã ký luật loại bỏ quy định ủy thác cá nhân. Ông bãi bỏ một phần Đạo luật Dodd-Frank trước đây đã áp đặt nhiều ràng buộc đối với các ngân hàng sau hậu quả cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Ông Trump còn rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); ký Đạo luật cắt giảm thuế và việc làm năm 2017, trong đó hạ thuế doanh nghiệp và bất động sản vĩnh viễn, tạm thời giảm hầu hết thuế suất thuế thu nhập cá nhân. Ông cũng gây tranh cãi khi bãi bỏ các biện pháp bảo vệ môi trường nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, như chấm dứt Kế hoạch Năng lượng sạch, kêu gọi trợ cấp để tăng sản lượng nhiên liệu hóa thạch, gọi biến đổi khí hậu nhân tạo là "trò lừa bịp".

Trên bình diện quốc tế, ông gây không ít sóng gió khi tuyên bố Jerusalem là thủ đô của Israel; rút Mỹ khỏi hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu và Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc, Hiệp ước kiểm soát vũ khí INF; chỉ trích WTO và Liên hiệp quốc. Ông cũng đảo ngược chính sách ngoại giao của người tiền nhiệm khi rút hiệp ước hạt nhân Iran và tăng cường cấm vận Cuba...

Với các nước đối đầu, ông Trump tiếp tục cấm vận Nga, cấm vận quyết liệt Venezuela và Iran; gặp gỡ lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un; tiến hành thương chiến với Trung Quốc; ủng hộ Đài Loan, Hồng Kông. Với đồng minh, ông Trump ban hành thuế quan hàng nhập khẩu thép và nhôm và các hàng hóa khác từ Canada, Mexico và Liên minh châu Âu; gây sức ép để NATO, Hàn Quốc, Nhật Bản... phải đóng thêm kinh phí cho quân đội Mỹ bảo vệ.

Cơ hội cho đảng Dân chủ?

Với rất nhiều phát ngôn, hành động và chính sách gây tranh cãi, ông Trump đang trở thành vị tổng thống bị chỉ trích dữ dội từ truyền thông và đảng Dân chủ. Các hãng tin lớn như CNN, Washington Post, NYT hầu như ngày nào cũng có bài báo tiêu cực về ông Trump, trong khi đảng Dân chủ hô hào luận tội tổng thống. Liệu tất cả những điều này có khiến ông Trump thất bại trong cuộc bầu cử đang đến gần?

Thực tế, kinh tế chính là thành tựu lớn nhất của ông Trump cho đến nay. Các chính sách của chính quyền Trump đang tạo ra tăng trưởng kinh tế và đem về nhiều việc làm cho người dân Mỹ. Tăng trưởng GDP trên thực tế của Mỹ đã vượt 3% trong cả 4 quý năm 2018, với 3,4% trong quý III và 4,2% trong quý II. Hơn 5 triệu việc làm đã được tạo ra, tỷ lệ thất nghiệp vẫn được duy trì ở mức dưới 4% kể từ khi ông Trump làm chủ Nhà Trắng.

Năm 2018 có 8 tháng tỷ lệ thất nghiệp Mỹ mức dưới 4%. Năm 2017, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống dưới 4%. Tính từ năm 1970 tới nay chỉ có 5 lần tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đạt ở mức này. Tỷ lệ thất nghiệp của người Mỹ gốc Phi, Á và Tây Ban Nha đều đạt mức thấp kỷ lục trong năm 2018.

Thành tựu thứ 2 là chống khủng bố. Vào thời ông Obama, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã chiếm đóng lãnh thổ rộng lớn ngang với vương quốc Anh ở Syria và Iraq. Nhưng chỉ sau hơn 1 năm lên cầm quyền, Mỹ và đồng minh đã hoàn toàn đẩy lui IS ra khỏi lãnh thổ của chúng. Mới đây nhất, Mỹ đã tiêu diệt thành công thủ lĩnh tối cao của tổ chức này.

Thành tựu nổi bật nữa là cuộc chiến chống Trung Quốc của ông Trump. Lần đầu tiên, Mỹ thẳng thắn phê phán Bắc Kinh là gian lận thương mại, thao túng tiền tệ, ăn cắp bản quyền, vi phạm nhân quyền, đàn áp tự do tôn giáo, gây hấn ở biển Đông… Bằng cuộc thương chiến đang tiến hành, ông Trump thực sự khiến Trung Quốc "lên bờ xuống ruộng", phải "tuân thủ luật chơi". Vẫn có người lo ngại thương chiến sẽ làm kinh tế Mỹ bị ảnh hưởng, nhưng phần đông vẫn ủng hộ ông Trump trong cuộc đối đầu này.

Dù vậy, ông Trump bị chỉ trích mạnh vì chính sách nhập cư khó khăn, cũng như bác bỏ những nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Các nội dung này đều được đảng Dân chủ ủng hộ. Cuộc luận tội đang diễn ra cũng làm tổn hại uy tín của ông Trump. Vì vậy, đây có thể là cơ hội của đảng Dân chủ để lật đổ ông Trump trong cuộc bầu cử sắp tới. Khảo sát của PRRI cho biết 37% người Mỹ nói sẽ ủng hộ đảng Dân chủ, bất kể đó là ai; trong khi 28% cho biết họ sẽ bỏ phiếu cho ông Trump, bất kể đảng Dân chủ đề cử ai.

Nhưng 33% cử tri đã đăng ký cho biết quyết định thùng phiếu của họ sẽ phụ thuộc vào người đảng Dân chủ chọn làm ứng cử viên. Đặc biệt, 3 ứng cử viên hàng đầu có thể lôi kéo cử tri khỏi ông Trump là Thượng nghị sĩ Bernie Sanders ở Vermont (được 32% ủng hộ), cựu Phó Tổng thống Joe Biden (31%) và Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren ở Massachusetts (24%).

Văn Cường

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/the-gioi/nuoc-my-chia-re-truoc-bau-cu-74285.html