Nước Mỹ có 1.223 ứng cử viên độc lập chạy đua vào Nhà Trắng
Ngày 3-11, theo giờ Washington, là ngày bầu cử chính thức tổng thống Mỹ. Ngoài hai ứng viên của đảng Cộng hòa và Dân chủ là đương kim Tổng thống Donald Trump và Thượng nghị sĩ Joe Biden còn có 1.216 ứng viên độc lập khác tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay. Dù không có cơ hội được bầu nhưng các ứng viên độc lập lại có ảnh hưởng đến những lá phiếu.
Cơ hội cực ít cho các ứng viên độc lập
Hai đảng Cộng hòa và Dân chủ gần như thống trị toàn bộ chính trường Mỹ và chiếm sóng trên các phương tiện truyền thông. Vì vậy, cơ hội chiến thắng trong mùa bầu cử của các ứng viên độc lập gần như bằng không. Lần gần đây nhất ứng viên độc lập trở thành Tổng thống Mỹ là vào… năm 1848.
Điều đó không có nghĩa là họ không có ảnh hưởng. Nếu ứng cử viên độc lập tiếp tục chạy đua để thỏa mãn đam mê, đương nhiên họ sẽ có một bộ phận nhỏ cử tri ủng hộ, điều này sẽ làm mất phiếu bầu của các ứng cử viên tiềm năng của đảng Dân chủ hoặc Cộng hòa. Ví dụ như năm 1992, ứng cử viên độc lập Ross Perot giành tới 19% số phiếu bầu, góp phần gây nên thất bại của ứng cử viên George H. W. Bush (Bush cha) trước đối thủ Bill Clinton. Năm 2000, George W. Bush (Bush con) đánh bại đối thủ Al Gore với 537 phiếu bầu ở Florida, nơi ứng cử viên môi trường Ralph Nader nhận được hơn 97.000 phiếu bầu. Năm 2016, hơn 7,6 triệu cử tri đã bỏ phiếu cho một ứng cử viên khác ngoài Donald Trump hoặc Hillary Clinton, được cho là vì cả hai đều không được ưa chuộng.
Năm nay, cuộc đua vào Nhà Trắng là sự so kè giữa hai ứng viên Joe Biden và Donald Trump. Tuy nhiên, vẫn có một đám đông muốn thử vận may với tỷ lệ thành công siêu nhỏ này để chạy đua vào Nhà Trắng năm nay. Theo thống kê, tổng cộng 1.223 người đã đăng ký với Ủy ban Bầu cử liên bang, trong đó có 9 người đủ điều kiện để có tên trong lá phiếu ở ít nhất 5 tiểu bang.
Mỗi người một chiến lược
Trong số 1.223 ứng viên độc lập tham gia cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, có người là cựu diễn viên, ca sĩ, giám đốc công ty than… Khác với những ứng cử viên do các đảng lớn đề cử có những chiến lược cụ thể, các ứng cử viên độc lập thường đưa ra chiến lược không rõ ràng và chỉ đáp ứng yêu cầu của một bộ phận người dân. Thậm chí, có người tham gia chạy đua vào Nhà Trắng chủ yếu để đánh bóng tên tuổi.
Trong số những ứng viên được nhiều người biết đến là Jo Jorgensen, 63 tuổi, thuộc Đảng Tự do. Là giáo sư tâm lý ở trường Đại học Clemson, bà Jo Jorgensen ủng hộ việc hạn chế vai trò của nhà nước, giảm thuế, đưa binh lính ở nước ngoài hồi hương và biến nước Mỹ thành “một Thụy Sĩ khổng lồ”, có quân đội nhưng trung lập. Trong khi đó, ứng viên Howie Hawkins, 67 tuổi, đại diện của Đảng Xanh lại muốn quốc hữu hóa các ngân hàng và các ngành công nghiệp lớn, thiết lập mức lương tối thiểu 20 USD/giờ, cắt giảm ¾ ngân sách quân sự và sử dụng số tiền này cho “Thỏa thuận xanh mới”-một cuộc cách mạng sinh thái.
Vào đầu tháng 7-2020, nghệ sỹ nhạc rap (rapper) Kanye West đã đáp ứng đủ điều kiện để có tên xuất hiện trên lá phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 ở bang Ohio với tư cách là một ứng cử viên độc lập. Kanye West luôn hô hào khẩu hiệu “Tiệc sinh nhật” bởi “khi chúng ta chiến thắng, đó sẽ là sinh nhật của mọi người”. Chiến lược tranh cử của nam ca sĩ này tập trung vào những chủ đề như: Khôi phục việc cầu nguyện trong trường học, bảo vệ tự do tôn giáo và các giá trị gia đình. Ông cũng quan tâm đến cải tổ ngành cảnh sát, các biện pháp môi trường và phát triển năng lượng tái tạo…
Đáng chú ý là từ trước đến nay, nam ca sĩ 43 tuổi này chưa từng đi bầu cử và hầu như không đi vận động. Trong một cuộc phỏng vấn, Kanye West nói rằng, nếu được bầu, anh đã hình dung ra một mô hình xây dựng đất nước dựa theo Wakanda-quốc gia bí mật trong bộ phim Black Panther. Vì thế, nhiều người đặt ra câu hỏi về ý đồ của Kanye West. Tại sao nam ca sĩ lại xuất hiện vào giai đoạn cuối của cuộc bầu cử? Điều đó chỉ để quảng cáo hay nhằm ngăn ứng cử viên Joe Biden có được phiếu ủng hộ của người da đen?
Don Blankenship khá nổi tiếng trên thương trường ở Mỹ nhưng lại kém may mắn. Cựu giám đốc điều hành của công ty than Massey Energy này đã phải ngồi tù một năm vì vi phạm quy định an toàn dẫn đến vụ nổ mỏ than làm 29 người thiệt mạng hồi năm 2010. Được một số người mệnh danh là “người đàn ông bị ghét nhất ở Tây Virginia”, Don Blankenship bảo vệ ngành công nghiệp than, chấm dứt phá thai, xây dựng bức tường biên giới, bãi bỏ quy định về môi trường…
Brock Pierce là một cựu diễn viên nhí từng xuất hiện trong Mighty Ducks, bộ phim khúc côn cầu của kênh truyền hình Disney. Sau đó, Brock đầu tư vào công nghệ và trở thành tỷ phú tiền điện tử. Ở tuổi 39, ông vận động cho an sinh xã hội kiểu Pháp, hợp pháp hóa cần sa, loại bỏ khí thải carbon dioxide trong 20 năm...
Ngoài những người trên, phần lớn các ứng cử viên còn lại ít được biết đến. Dù số lượng ứng cử viên độc lập lên tới 1223 người nhưng cơ hội chiến thắng trong mùa bầu cử của họ vẫn cực ít, nhất là khi những dự báo cho thấy, đa số phiếu đều đổ dồn cho ông Donald Trump và ông Joe Biden.
VŨ PHƯƠNG LINH (theo Le Point)