Nước Mỹ của Biden cần Australia nhiều như Australia cần nước Mỹ
Australia đang nổi lên như một trung tâm hợp tác và đối tác quan trọng của Mỹ ở châu Á khi chính quyền Biden định hình lại và củng cố quân đội để đối phó với thách thức ngày càng tăng của Trung Quốc.
Bản đánh giá tư thế lực lượng toàn cầu do Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin chỉ đạo thực hiện có thể dẫn đến sự tái điều chỉnh đáng kể lực lượng của Mỹ và gia tăng nguồn lực cho khu vực Thái Bình Dương.
Với bản đánh giá này, Australia được nâng tầm quan trọng với tư cách là bên cung cấp dịch vụ hậu cần, bảo dưỡng và huấn luyện, từ đó có thể mở ra cánh cửa để thắt chặt hơn quan hệ quốc phòng giữa Mỹ và Australia.
Điều này chắc chắn sẽ khiến Bắc Kinh tức giận và gia tăng căng thẳng thương mại và chính trị, vốn đưa quan hệ Australia-Trung Quốc xuống mức thấp nhất.
Sự lựa chọn chiến lược
Tổng thống Biden ra tín hiệu rằng sẽ tiếp tục đường lối cứng rắn của cựu Tổng thống Trump trước Trung Quốc, mặc dù theo một phương thức có chừng mực hơn.
Các đồng minh và đối tác sẽ được yêu cầu đóng góp nhiều hơn để đổi lại sự hợp tác và đầu tư cùng có lợi.
Điều đó có nghĩa là các đồng minh và đối tác như Australia có khả năng tiếp cận nhiều hơn tới công nghệ cao cấp và lĩnh vực công nghiệp quốc phòng của Mỹ, các dự án phát triển chung năng lực quân sự mới và đầu tư trực tiếp của Mỹ vào cơ sở hạ tầng.
Từ năm 2000 đến nay, Washington đã sa lầy vào các cuộc xung đột trên bộ kéo dài và các hoạt động chống nổi dậy ở Trung Đông. Để ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc, Mỹ sẽ phải quay trở lại vai trò truyền thống là cân bằng từ xa trên biển.
Vấn đề của Biden là mặc dù đồng minh đáng tin cậy là điều then chốt trong chiến lược này nhưng Mỹ lại không có nhiều đồng minh như vậy.
Không có nhiều quốc gia như Australia với vị trí chiến lược và có thể triển khai các hệ thống phòng thủ cao cấp, tương thích với hệ thống của Mỹ và hỗ trợ lực lượng được phân tán theo nhóm nhỏ hơn và linh hoạt hơn như Australia.
Khó khăn trong việc duy trì các căn cứ quân sự nước ngoài tốn kém và gây tranh cãi về mặt chính trị đã đem lại giá trị cao hơn cho các vị trí cho phép quân đội Mỹ luân phiên lực lượng cho huấn luyện và tiếp tế, đồng thời can thiệp từ vị trí ẩn náu an toàn trong bối cảnh xảy ra khủng hoảng đòi hỏi các phản ứng quân sự.
Nhìn qua lăng kính này, Australia là một điểm đến ngày càng hấp dẫn. Đó là lý do chính quyền Biden đang tăng cường các chuyến thăm của tàu chiến và máy bay, đồng thời cân nhắc chi tiêu nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng quốc phòng, đặc biệt là tại khu vực phía Bắc Australia.
Mỹ đã cam kết xây dựng một kho dự trữ nhiên liệu quân sự chiến lược vận trị giá hàng triệu USD ở Darwin (phía Bắc Australia) để các lực lượng Mỹ và Australia cùng sử dụng.
Mỹ cũng đang tài trợ cho một cơ sở chế biến đất hiếm ở bang Texas do công ty Lynas của Australia xây dựng và vận hành. Cơ sở ở Texas sẽ sản xuất các loại đất hiếm chuyên dụng cho mục đích quân sự.
Tăng khả năng đối đầu
Đô đốc Philip Davidson, người đứng đầu Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ đã đệ trình một báo cáo mới lên Quốc hội Mỹ nhằm gợi ý về kết quả đánh giá lực lượng Mỹ trên toàn cầu, cho thấy nhiều khả năng Mỹ sẽ chi tiêu nhiều hơn cho các thiết bị và cơ sở vật chất mà Australia có đủ khả năng cung cấp và hỗ trợ.
Báo cáo kêu gọi khoản đầu tư lên đến 27 tỷ USD trong 5 năm tới cho các tên lửa di động, hệ thống radar, khu vực huấn luyện, trung tâm chia sẻ thông tin tình báo, kho tiếp nhiên liệu, khu thử nghiệm và các cuộc tập trận với các đồng minh và đối tác.
Theo báo cáo, số tiền đầu tư này là cần thiết để thuyết phục các đối thủ tiềm năng rằng bất kỳ hành động quân sự phủ đầu nào sẽ là quá tốn kém và có khả năng thất bại cao, ngầm nhắc đến ý đồ của Trung Quốc đối với Đài Loan.
Một yêu cầu trước đó từ Đô đốc Davidson đã dẫn đến việc thành lập Sáng kiến phòng thủ Thái Bình Dương (PDI), được cả hai đảng tại Mỹ ủng hộ trong năm 2020.
PDI có thể là một nhân tố làm thay đổi cuộc chơi nếu Mỹ có đủ kinh phí để thực hiện đề xuất về việc phát triển “các cảng và sân bay viễn chinh”, ám chỉ các cơ sở cho phép Mỹ triển khai sức mạnh ở Tây Thái Bình Dương từ những địa điểm ít bị tấn công bởi tên lửa và hạm đội đang phát triển nhanh chóng của Trung Quốc.
Thành phố Darwin của Australia là một ứng cử viên tiềm năng nhất khi có vị trí gần châu Á, mặc dù cơ sở hạ tầng quốc phòng tại đây sẽ cần được nâng cấp đáng kể để đáp ứng nhu cầu mới.
Liệu ông Biden có thể tiếp tục chiến lược xoay trục sang châu Á của cựu Tổng thống Barack Obama? Chiến lược xoay trục hứa hẹn nhiều điều nhưng không đem lại kết quả thực sự, trong khi lại tạo khoảng thời gian quý báu để Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình củng cố quyền kiểm soát Biển Đông và đưa Trung Quốc trở thành một siêu cường quân sự.
Nhiều nhà phân tích quốc phòng có kinh nghiệm tin rằng cán cân lực lượng ở Tây Thái Bình Dương đang thay đổi theo hướng có lợi cho Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA).
Kể từ năm 2015, PLA đã tăng gấp đôi số lượng tàu vận tải và máy bay trong biên chế, mở rộng phạm vi chiến lược tới các khu vực xa xôi nhất của Đông Nam Á.
Trung Quốc cũng tiếp tục sản xuất nhiều vũ khí hiện đại hơn Mỹ và dự kiến tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 6,8%/năm.
Rõ ràng là Mỹ sẽ cần dùng toàn lực chỉ để đối phó với Trung Quốc.
Thực tế này, cùng với điều kiện tài chính khó khăn hơn, đã nâng cao giá trị kinh tế và chiến lược của liên minh với Australia, mà gần đây được Biden mô tả là “mỏ neo của hòa bình và ổn định trong khu vực”.
Quan hệ đối tác bình đẳng hơn
Trong lịch sử, Australia là một đồng minh trung thành nhưng lại ít có tiếng nói, phản ánh sự mất cân bằng quyền lực rõ ràng với Mỹ. Những người phản đối liên minh coi đây là sự lệ thuộc chính sách quốc phòng và đối ngoại của Australia vào Mỹ.
Nhưng những lời chỉ trích như vậy đã bỏ qua sự thay đổi rõ ràng trong mối quan hệ chiến lược giữa Australia và Mỹ theo hướng bình đẳng hơn, dựa trên nhu cầu chung và quyết tâm của chính quyền Morrison hành động mạnh mẽ hơn để khẳng định lợi ích quốc gia.
Sự thay đổi này được thúc đẩy bởi chủ nghĩa đơn phương “Nước Mỹ trước tiên” của cựu Tổng thống Trump, ảnh hưởng kinh tế và quân sự gia tăng của Australia và lo ngại về môi trường an ninh khu vực đang xấu đi.
Sự thay đổi quan trọng là nước Mỹ của Biden cần Australia nhiều như Australia cần nước Mỹ, mặt kia của sự phụ thuộc truyền thống vào “những người bạn vĩ đại và mạnh mẽ”.
Đây là bằng chứng cho sự suy thoái tương đối của Mỹ và sự trỗi dậy của Australia với tư cách là một cường quốc hạng trung.
Đó cũng là hệ quả tất yếu của việc Biden tập trung trở lại vào châu Á và mong muốn có được những đồng minh đáng tin cậy, có năng lực trong cuộc đối đầu với Trung Quốc, đối thủ cạnh tranh đáng gờm nhất của Mỹ.
Nhu cầu chung tạo nên mối quan hệ đối tác bình đẳng hơn, giúp Australia có thêm đòn bẩy đối với chính sách của Mỹ về các vấn đề trọng tâm đối với lợi ích và an ninh của Australia.
Australia nên sử dụng động lực này để định hình quá trình đánh giá tư thế lực lượng Mỹ trên toàn cầu, PDI, chính sách đối với Trung Quốc của Mỹ và ưu tiên của Biden đoàn kết các nền dân chủ.
Đây là một nhiệm vụ cao cả mặc dù đầy thách thức, đòi hỏi Australia cần có khả năng ngăn chặn hoặc buộc bất kỳ quốc gia nào muốn làm tổn hại Australia phải trả giá lớn cho hành động này.
Điều này sẽ đòi hỏi một mức độ quyền lực cứng vượt quá khả năng của Australia, với tư cách là một quốc gia 25 triệu dân, mà không cần tăng gấp đôi hoặc gấp ba ngân sách quốc phòng vốn đã tiêu tốn 42 tỷ AUD/năm (khoảng 32,5 tỷ USD).
Hợp tác với Mỹ để cùng huấn luyện, xây dựng cơ sở hạ tầng quốc phòng ở Australia, chia sẻ chi phí trang thiết bị đắt tiền, đầu tư vào các năng lực chung và hợp tác tình báo hiện nay có tầm quan trọng hơn bao giờ hết trong lịch sử liên minh hai nước.
Rủi ro vẫn còn
Hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ không phải là không có rủi ro. Sự liên kết giữa hai nước càng chặt chẽ, thì Australia càng có khả năng trở thành mục tiêu cho những bất bình và trừng phạt thương mại ngày càng tăng của Trung Quốc.
Căng thẳng có thể leo thang lên một cấp độ mới nếu Australia tham gia các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông và tàu chiến của nước này tiếp cận gần các đảo tranh chấp mà Trung Quốc chiếm đóng và quân sự hóa.
Rủi ro lớn nhất sẽ là cùng Mỹ hỗ trợ quân sự cho Đài Loan nếu Tập Cận Bình quyết định giành lấy hòn đảo này bằng vũ lực. Bắc Kinh có thể trả đũa bằng cách đe dọa nhắm vào các cảng, sân bay và cơ sở quốc phòng ở phía Bắc Australia.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, đã có lập luận rằng nên đóng cửa cơ sở quốc phòng cho liên minh tại Pine Gap thuộc lãnh thổ Bắc Australia vì cơ sở này khiến Australia trở thành mục tiêu trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân giữa Mỹ và Liên Xô.
Đề xuất này đã bỏ qua thông tin tình báo có giá trị mà cơ sở này cung cấp và vai trò quan trọng của nó trong việc kiểm soát vũ khí và cảnh báo sớm về một cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo.
Những lựa chọn chiến lược về sức mạnh cứng hiếm khi không có rủi ro. Việc Australia có thể trở thành mục tiêu không phải là lý do để không bảo vệ đất nước.
Ngược lại, đó là lý do đầy sức thuyết phục để khiến Australia trở nên mạnh mẽ hơn chứ không phải yếu hơn - một logic chiến lược thúc đẩy chính sách quốc phòng của hầu hết các quốc gia.
Điều này chắc chắn thúc đẩy Trung Quốc của ông Tập Cận Bình, vốn tôn trọng sức mạnh chứ không phải sự yếu ớt.
Chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất, trong khi hy vọng điều tốt nhất, đã là nguyên tắc chỉ đạo cho hoạch định quốc phòng của Australia kể từ khi đất nước thành lập và là chính sách được tất cả các đảng phái chính trị chính ủng hộ.
Các quốc gia không tự bảo vệ lợi ích và nhượng bộ trước các mối đe dọa sẽ chỉ có hai lựa chọn: thất bại hoặc không có khả năng hành động.
Nhưng việc để các lợi ích chiến lược của Australia phụ thuộc vào chính sách của Mỹ cũng nguy hiểm như việc phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường xuất khẩu là Trung Quốc.
Điều này chỉ khuyến khích sự tự mãn và phụ thuộc vào một nhà cung cấp an ninh duy nhất. Như trong thương mại, đa dạng hóa là chìa khóa cho khả năng chống chịu về mặt quốc phòng.
Mở rộng tầm ngắm
Các quốc gia không tự bảo vệ lợi ích và nhượng bộ trước các mối đe dọa sẽ chỉ có hai lựa chọn: thất bại hoặc không có khả năng hành động.
Để trở thành một trung tâm liên minh thực sự, Australia cần phải hợp tác nhiều hơn với Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời đưa Australia trở thành một đối tác đáng tin cậy, có khả năng cung cấp vị trí thuận lợi và dịch vụ quốc phòng cho các đối tác chiến lược khác, trong đó có Ấn Độ, Pháp, Đức, Anh, Indonesia và Singapore.
Mỗi quốc gia này có quan điểm địa chính trị, năng lực và nhu cầu quốc phòng khác nhau nhưng hầu hết đều hoan nghênh cơ hội đào tạo và huấn luyện thường xuyên hơn trên các khu vực đào tạo độc đáo của Australia - đặc biệt nếu những khu vực này được nâng cấp về mặt kỹ thuật để đạt tiêu chuẩn thế giới.
Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã bị hạn chế trong khả năng tiếp cận các khu vực huấn luyện do mật độ dân số cao và không gian dành cho huấn luyện quốc phòng bị thu hẹp.
Một nửa trong số 13 phi đội máy bay chiến đấu của Nhật Bản sử dụng máy bay F-35 giống như của Australia, nhưng Nhật Bản thiếu khu vực để thực hành huấn luyện chiến đấu nâng cao.
Hầu hết các quốc gia khác đều phải đối mặt với những hạn chế tương tự, không giống như Australia.
Sự nổi lên của Bộ tứ (Quad) và việc nâng tầm quan hệ Australia-Ấn Độ thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện có nghĩa là đã đến lúc xem xét các quan hệ quốc phòng chặt chẽ hơn với Ấn Độ.
Pháp đang đóng các tàu ngầm cho Australia, đồng thời có sự hiện diện quân sự đáng kể trong khu vực và trước đó đã điều một tàu sân bay đến khu vực Thái Bình Dương.
Đức cũng muốn triển khai một tàu khu trục nhỏ tới khu vực để tham gia huấn luyện và thể hiện sự quan tâm đối với khu vực.
Anh đã tăng đáng kể ngân sách quốc phòng và hiện là nước có chi tiêu quốc phòng lớn thứ tư thế giới.
Về chi tiêu quốc phòng, Ấn Độ đứng thứ 3 thế giới, Pháp thứ 6, Đức thứ 7 và Nhật Bản thứ 8. Khi tập hợp sức mạnh, các nước này đại diện cho một liên minh hùng mạnh gồm các quốc gia chung chí hướng.
Thủ tướng Anh Boris Johnson muốn “mở rộng ảnh hưởng của Anh” trên toàn cầu, bao gồm cả châu Á. Ông dự định sẽ điều tàu sân bay Nữ hoàng Elizabeth mới đến Thái Bình Dương vào cuối năm 2021 để cùng Australia tham gia các cuộc tập trận đa quốc gia nhằm thể hiện quyết tâm của các nền dân chủ cùng nhau đẩy lùi việc Trung Quốc dần thôn tính Biển Đông và biển Hoa Đông.
Tàu sân bay Nữ hoàng Elizabeth sẽ mang theo phiên bản sử dụng trên biển của máy bay chiến đấu F-35 mà Australia cũng sở hữu, cùng với một phi đội máy bay và trực thăng tuần tra hàng hải.
Tất cả các tàu chiến và máy bay này đều cần phải được tiếp nhiên liệu, tiếp tế và bảo trì. Nếu Tổng thống Biden tán thành quyết định của cựu Tổng thống Trump về việc khôi phục Hạm đội 1 của Mỹ để giúp đảm bảo an ninh cho vùng biển Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Australia sẽ là quốc gia có vị trí lý tưởng tại châu Á cho 6 trong số 8 lực lượng hải quân lớn nhất thế giới.
Điều đó sẽ củng cố vị thế của Australia, cũng như ngành công nghiệp quốc phòng và an ninh quốc gia của nước này.
* Bài viết của giáo sư chuyên ngành an ninh quốc tế Alan Dupont, Đại học New South Wales về tiềm năng quan hệ và hợp tác Mỹ-Australia trong thời gian tới, đăng trên tờ The Australian ngày 12/3/2021.