Nước Mỹ lo lắng trước số phận của cá voi do biến đổi khí hậu
Theo một đánh giá sơ bộ, các động vật có vú ở biển như cá voi, cá heo và hải cẩu... sống ở hải phận Mỹ phải đối mặt với các mối đe dọa lớn do nhiệt độ đại dương ấm lên, mực nước biển dâng cao và lượng băng biển sụt giảm bởi biến đổi khí hậu.
Các nhà nghiên cứu của Cơ quan Khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ đã khảo sát hơn 100 loài động vật có vú ở biển nước Mỹ và nhận thấy hơn 70% trong số đó dễ bị đe dọa, chẳng hạn như mất môi trường sống và nguồn thức ăn, do hậu quả từ nước ấm lên. Các tác động cũng gồm cả việc mất oxy hòa tan và thay đổi thành phần hóa học của đại dương.
Các nhà khoa học nhận thấy những loài cá voi lớn như cá voi lưng gù và cá voi đầu bò Bắc Đại Tây Dương nằm trong số những loài dễ bị tổn thương nhất trước sự biến đổi khí hậu, đồng thời các loài cá voi và cá heo có răng khác cũng có nguy cơ cao.
Nghiên cứu được công bố vào tháng trước trên tạp chí PLOS ONE là bằng chứng cho thấy cách quản lý cá voi và cá heo của Mỹ cần phải thích ứng trong thời biến đổi khí hậu.
Matthew Lettrich, nhà sinh vật học và tác giả chính của nghiên cứu, cho biết đây là tin tức đáng buồn, nhưng đây mới là đánh giá sơ bộ chỉ xem xét các quần thể động vật có vú ở biển thuộc Mỹ. Dù sao thì kết quả có thể giúp cung cấp thông tin cho các nhà quản lý đại dương về cách bảo vệ các loài động vật dễ bị tổn thương.
Lettrich cho biết: “Khi khí hậu thay đổi, chúng ta đã thấy một số tác động và một số quần thể động vật có vú ở biển dễ bị tổn thương hơn so với những quần thể khác trước những thay đổi. Dựa trên nghiên cứu này, chúng ta thấy những loài dễ bị tổn thương ở mức độ cao và rất cao chiếm tỷ lệ lớn”.
Giới nghiên cứu đã khảo sát các loài động vật có vú sống ở biển phía tây bắc Đại Tây Dương, vịnh Mexico và biển Caribbean. Họ đã xem xét mức độ tiếp xúc của động vật với biến đổi khí hậu, độ nhạy cảm và khả năng thích ứng với biến đổi. Các nhà khoa học nhận thấy 72% có mức độ dễ bị tổn thương cao, trong đó có gần một nửa rơi vào nguy cơ “rất cao”.
Nghiên cứu cho biết đại dương ấm lên chủ yếu gây hại cho các loài động vật có vú ở biển do hiện tượng này hạn chế khả năng tìm kiếm thức ăn và làm giảm môi trường sống thích hợp với chúng.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết những thay đổi về nhiệt độ và thành phần hóa học của đại dương cũng có thể làm thay đổi khả năng truyền sóng âm. Điều đó có thể ảnh hưởng đến khả năng định vị bằng sóng siêu âm mà các loài động vật có vú ở biển như cá heo sử dụng để liên lạc và săn mồi. Nghiên cứu cho biết biến đổi khí hậu “phải được xem xét để quản lý các loài một cách thỏa đáng”.
Regina Asmutis-Silvia, nhà sinh vật học thuộc Cơ quan Bảo tồn cá voi và cá heo có trụ sở tại Massachusetts, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết công trình của NOAA rất có ý nghĩa vì đây là nghiên cứu đầu tiên xem xét rộng rãi các loài động vật có vú ở biển thuộc Mỹ và cố gắng dự đoán khả năng phục hồi của chúng trước biến đổi khí hậu.
Asmutis-Silvia cho biết cá voi sẽ được hưởng lợi từ nghiên cứu nếu thông tin được sử dụng để thực thi luật bảo vệ chúng. Bà nói: “Mỹ là một trong những quốc gia giàu dữ liệu nhất về động vật có vú ở biển và dữ liệu đó sẽ thúc đẩy các luật hữu hiệu nhất thế giới trong việc bảo vệ động vật có vú ở biển”.
Tác động của biến đổi khí hậu đối với cá voi trên khắp thế giới đã trở thành chủ đề nghiên cứu khoa học trong những năm gần đây. Laura Ganley, nhà khoa học nghiên cứu của Trung tâm Sự sống đại dương Anderson Cabot tại Thủy cung New England ở Boston, cho biết nhiều nghiên cứu trước đây về cá voi và biến đổi khí hậu chỉ xem xét một loài duy nhất hoặc một khu vực địa lý hẹp hơn. Nhưng cách biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến các loài động vật khổng lồ có tính chất toàn cầu, vì vậy cách tiếp cận rộng hơn sẽ rất hữu ích.
Nhiều nhà khoa học cho biết loài cá voi đầu bò đang biến mất ngoài khơi New England vào mùa hè do dễ bị tổn thương hơn khi nguồn thức ăn giảm do nước ấm lên. Nhưng biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng rõ ràng đến các loài ít được nghiên cứu. Nghiên cứu cho biết biến đổi khí hậu cũng có thể ảnh hưởng đến sự phân bố và hành vi của động vật có vú ở biển.
Chính phủ liên bang đã thử nhiều phương pháp trong những năm gần đây để bảo vệ các loài cá voi đang bị suy giảm, gồm cả việc thực hiện các hạn chế mới đối với hoạt động đánh bắt cá và hạn chế tốc độ tàu thuyền. Cá voi dễ bị vướng vào lưới và va chạm với tàu lớn. Các nhà khoa học cho biết cả hai mối đe dọa này đều trở nên nghiêm trọng hơn do nước ấm lên vì sự thay đổi của đại dương khiến cá voi di chuyển ra ngoài khu vực được bảo vệ.
Những cá voi như loài lộ tích kình, di cư về phía bắc hằng năm từ vùng biển ngoài khơi Georgia và Florida theo hành trình hàng trăm dặm để sinh sản và kiếm ăn. Nhiều loài cũng di cư qua biên giới biển các nước, điều này đòi hỏi hình thức hợp tác mới giữa các quốc gia.
Gib Brogan, giám đốc chiến dịch của tổ chức môi trường Oceana, cho biết việc bảo vệ cá voi trong thời kỳ biến đổi khí hậu sẽ đòi hỏi các nhà quản lý đại dương lên kế hoạch sớm cho tương lai, trong đó môi trường sống của cá voi chịu tác động mạnh do nước ấm lên.
Brogan cho biết: “Nghiên cứu giúp các nhà quản lý biết cách phân loại các loài dễ bị tổn thương nhất trước tác động của khí hậu và dành cho những loài này sự quan tâm cần thiết. Nếu chúng ta muốn bảo tồn đa dạng sinh học, gồm cả động vật có vú ở biển, các nhà quản lý đại dương cần tính toán rõ ràng những thay đổi hiện tại và tương lai của đại dương khi xem xét các cách để bảo tồn sinh vật biển”.