Nước Mỹ ở 'ngã ba đường'
Nước Mỹ đang rối loạn với những cuộc biểu tình bạo loạn và một nền kinh tế suy thoái nghiêm trọng trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy 5 tháng nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử quan trọng. Những thảm họa liên tiếp “từ trên trời rơi xuống” đang dần dần “giết chết” tham vọng tái đắc cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong khi đó, đối thủ của đảng Dân chủ Joe Biden đang cho thấy sự lấn lướt hơn khi luôn thể hiện những quan điểm đối lập với đương kim tổng thống.
Sự đối lập Trump và Biden
Kể từ khi lên nắm quyền, có lẽ đây là giai đoạn khó khăn nhất mà Tổng thống Trump phải đối mặt.
Không kể những tuyên bố gây tranh cãi về dịch Covid-19, khi các cuộc biểu tình gia tăng, ông Trump đăng tải lại lời bình luận viên bảo thủ Buck Sexton, người đã kêu gọi triển khai lực lượng áp đảo chống lại những người biểu tình bạo lực. Thậm chí, ông chủ Nhà Trắng còn cảnh báo sẽ điều quân đội chống dòng người biểu tình bạo lực đang kẹp chặt nước Mỹ, nói rằng, ông đang điều hàng ngàn binh sĩ xuống đường phố ở thủ đô Washington và đe dọa sẽ triển khai binh lính đến các bang không thể kiểm soát tình hình.
Ông cũng không ngừng chỉ trích thống đốc các bang cho rằng, tình trạng bất ổn lần này như một “sự ô nhục” và kêu gọi các thống đốc hãy “thống trị đường phố”. “Nếu một thành phố hoặc tiểu bang từ chối thực hiện các hành động cần thiết để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân, thì tôi sẽ triển khai quân đội và nhanh chóng giải quyết vấn đề”, ông nhấn mạnh. Động thái này càng như “đổ thêm dầu vào chảo lửa” đang căng thẳng ở Mỹ. Những người theo đảng Dân chủ gọi đó là ngôn ngữ của một “nhà độc tài” và “phát xít”. Việc cảnh sát bắn hơi cay giải tán dòng người biểu tình để ông Trump đã đến thăm Đền thờ thánh John Paul II ở Washington sau khi đe dọa sẽ huy động quân đội Mỹ chống lại người biểu tình cũng vấp phải nhiều chỉ trích. Thậm chí, những người đứng đầu nhà thờ lên án tổng thống vì sử dụng Kinh thánh như một công cụ chính trị.
Trong khi đó, ông Biden “ghi điểm” với cách tiếp cận ôn hòa hơn rất nhiều. Ứng viên đảng Dân chủ đã đến thăm địa điểm biểu tình ở quê nhà Wilmington và nói chuyện với một số người biểu tình. Ông cũng đã viết một bài đăng trên Medium thể hiện sự đồng cảm với những người biểu tình. Ông cũng có một bài phát biểu ảm đạm tại tòa thị chính thành phố Philadelphia, ở đó ông cho rằng nước Mỹ đang đứng trước một trong những ngã ba đường quan trọng nhất trong lịch sử. Ông Biden cam kết sẽ cải cách lực lượng cảnh sát để đối phó với hiện tượng phân biệt chủng tộc có hệ thống và lên án mạnh mẽ ông Trump, người từ lâu đã nổi tiếng với việc reo rắc sự chia rẽ chủng tộc. “Chúng ta có thể được tha thứ vì tin rằng tổng thống quan tâm đến quyền lực nhiều hơn là nguyên tắc”, ông nói, và nhận định thêm rằng Trump “là một phần của vấn đề, và là nhân tố thúc đẩy nó trở nên nghiêm trọng hơn”.
Nằm biểu tình trên cầu Burnside.
Các cuộc biểu tình vẫn bùng nổ trên khắp nước Mỹ nhưng có phần nào lắng dịu do lễ tưởng niệm dành cho nạn nhân George Floyd.Các cuộc biểu tình ôn hòa hơn khi các công tố viên buộc tội thêm 3 sĩ quan cảnh sát và đệ trình một cáo buộc mới, cứng rắn hơn đối với những người liên quan. Trong khi đó, hàng chục nghìn người biểu tình đã tập trung tại Portland, nằm úp mặt trên cầu Burnside và im lặng trong 9 phút để tưởng nhớ những thời khắc cuối cùng của George Floyd trước khi chết. Nhiều nơi khác cũng diễn ra hình thức biểu tình tương tự. Vào khuya 3-6 (sáng 4-6, giờ Việt Nam), một cảnh sát ở New York đã bị một thanh niên dùng dao đâm vào cổ. Theo thông tin ban đầu của cảnh sát, đây là vụ tấn công vô cớ. Hai cảnh sát khác cũng bị thương liên quan đến tấn công bằng súng.
Cơ hội vẫn chia đều?
Thách thức mà Tổng thống Trump đang đối mặt ngày càng nhân lên theo những tuyên bố cảnh báo mạnh mẽ nhằm vào người biểu tình, đặc biệt là khi dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát. Kéo theo đó là kế hoạch mở cửa trở lại đất nước nhằm vực dậy nền kinh tế đang trên đà suy thoái gặp nhiều khó khăn với tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục chưa từng có kể từ cuộc Đại suy thoái những năm 1930.
Tất cả những điều này đang gây bất lợi lớn cho con đường ở lại Nhà Trắng của ông Trump. Điều đó được thể hiện rõ nét qua kết quả các cuộc thăm dò dư luận gần đây. Trong khi tỷ lệ ủng hộ ông Trump rơi xuống mức thấp kỷ lục, đối thủ của ông, ông Biden tiếp tục thắng lớn trong bầu cử sơ bộ tại hàng loạt tiểu bang. Hôm 2-6, tiếp nối chiến thắng tại tiểu bang Indiana, ông Biden tiếp tục giành được sự ủng hộ của các cử tri trong cuộc bầu cử sơ bộ tại các tiểu bang Pennsylvania, Rhode Island, Maryland và Nam Dakota.
Tất nhiên, trong một “cuộc đua song mã”, khó khăn của người này chính là cơ hội của người kia. Và rõ ràng, ông Biden đang đứng trước những cơ hội rất lớn để đặt chân vào Nhà Trắng vào đầu năm 2021. Tuy nhiên, cơ hội vẫn còn ở phía trước đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump khi ông cùng với chính quyền đang nỗ lực tập trung vào việc hồi sinh nền kinh tế Mỹ và hiện đã có nhiều dấu hiệu khả quan cho thấy nền kinh tế sẽ phục hồi trở lại vào cuối năm nay. Các cuộc khảo sát cũng cho thấy, Tổng thống Trump vẫn được tín nhiệm hơn đối thủ Biden về khả năng chèo lái nền kinh tế Mỹ. Trong khi đó, dù gây nhiều tranh cãi, tỷ lệ ủng hộ của những cử tri đảng Cộng hòa dành cho ông Trump gần như không thay đổi. Và có thể thấy, cơ hội vẫn chia đều cho cả hai.
KHẢ ANH
>> Hơn 1 tuần bạo loạn của nước Mỹ
>> Nước Mỹ với “thảm họa kép”
>> Biểu tình Mỹ lúc này: Hòa bình ban ngày, bạo động ban đêm
Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/92_225964_nuoc-my-o-nga-ba-duong-.aspx