Nước Mỹ 'tách đôi' vì một viên thuốc
Hai bản án được tuyên cuối tuần qua cho thấy hệ thống tư pháp đã trở thành chiến trường trong cuộc đối đầu giữa phe ủng hộ và phản đối phá thai tại Mỹ.
Tối 7/4, hai sự kiện xảy ra gần như đồng thời - cùng liên quan đến quyền nạo phá thai - khiến người Mỹ đặt ra câu hỏi liệu đây có phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay không.
Tại bang Texas, thẩm phán Matthew Kacsmaryk - người được bổ nhiệm dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump - ra phán quyết đảo ngược quyết định công nhận mifepristone, một loại dược phẩm dùng để phá thai, của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) trên toàn nước Mỹ, theo Washington Post.
Chưa đầy một giờ sau, thẩm phán Thomas Rice, người được cựu Tổng thống Barack Obama đề cử, yêu cầu FDA giữ nguyên tình hình và vẫn cho phép người dân tiếp cận loại thuốc trên ở 17 bang và thủ đô Washington, D.C.
Hai sự kiện trên cho thấy cả phe bảo thủ lẫn phe tự do tại Mỹ đều muốn sử dụng các công cụ tư pháp để thúc đẩy chính sách mà mình mong muốn liên quan đến quyền nạo phá thai. Tuy nhiên, biện pháp này cũng gây ra tranh cãi trong giới chuyên gia pháp lý và y tế.
Hai phiên tòa đối lập
Phiên tòa tại Texas được tổ chức dựa trên đơn kiện của các nhóm bảo thủ tại Mỹ. Các nhóm này bị phe Dân chủ cáo buộc cố tình lợi dụng đặc điểm của hệ thống tòa án Mỹ để lựa chọn đưa vụ việc vào tay thẩm phán Kascmaryk, người được biết đến với quan điểm bảo thủ và không ủng hộ quyền nạo phá thai.
Để đáp trả, một liên minh bao gồm các tổng chưởng lý thuộc đảng Dân chủ thực hiện động thái hiếm gặp: Kiện chính quyền của Tổng thống Biden. Mục tiêu của họ là ngăn FDA đưa ra hạn chế với quyền tiếp cận thuốc phá thai tại bang mình.
“Tôi không thể đặt quyền sinh sản của phụ nữ tại bang Washington vào tay một thẩm phán duy nhất tại Texas, người được ông Donald Trump bổ nhiệm với quan điểm về quyền tự do sinh sản đã được mọi người biết rõ”, ông Bob Ferguson, Tổng chưởng lý bang Washington, nói.
Thẩm phán Rice từ chối ra lệnh bảo vệ mifepristone trên phạm vi toàn quốc như đề nghị của các tổng chưởng lý. Thay vào đó, lệnh của ông chỉ áp dụng cho các bang khởi kiện.
Trong khi đó, thẩm phán Kacsmaryk mong muốn đảo ngược quyết định phê chuẩn mifepristone trên khắp nước Mỹ. Tuy nhiên, quyết định này chỉ có hiệu lực sau bảy ngày, cho phép Bộ Tư pháp Mỹ có thời gian kháng cáo.
Các chuyên gia pháp lý nhận định nếu tòa phúc thẩm Mỹ không cho phép FDA duy trì quyết định phê duyệt mifepristone trong thời gian kháng án, chưa rõ xung đột giữa hai phán quyết sẽ được giải quyết thế nào. Chính quyền Biden có thể chịu thêm áp lực yêu cầu FDA “ngó lơ” phán quyết tại Texas.
Trong khi đó, nếu trường hợp này xảy ra, ông Ferguson và các tổng chưởng lý đảng Dân chủ mong muốn FDA giữ quyết định phê chuẩn mifepristone trong các bang của họ, kể cả khi loại thuốc này bị cấm ở các bang khác.
“Tôi quan ngại về vụ việc tại Texas”, Tổng chưởng lý bang Maryland Anthony Brown nói. “Sự quan tâm tới việc bảo vệ quyền tự do sinh đẻ tại bang Maryland vượt qua bất cứ quan ngại nào về khả năng khởi kiện FDA của Tổng thống Biden”.
Trong khi đó, Tổng chưởng lý bang Michigan Dana Nessel tuyên bố bà ký vào đơn kiện vì không cho rằng hệ thống tư pháp Mỹ được thiết kế để một thẩm phán liên bang có thể thay đổi chính sách của cả đất nước.
Bà tin rằng thẩm phán Kascmaryk “sẽ làm mọi thứ để gây tổn hại tới quyền nạo phá thai”. “Chúng tôi cảm thấy mình phải làm điều gì đó”, bà nói.
Cách giải quyết vẫn mù mờ
Cùng với misoprostol, mifepristone là một trong hai loại thuốc được sử dụng trong quá trình phá thai nội khoa (phá thai bằng thuốc).
Các chuyên gia cho biết họ vẫn có thể phá thai an toàn chỉ với misoprostol, nhưng sẽ gặp khó khăn hơn và gây chảy máu nhiều hơn cho thai phụ so với việc sử dụng cả hai loại thuốc.
Theo những tổ chức bảo thủ đã nộp đơn kiện tại Texas - FDA đáng lẽ ra không nên phê duyệt mifepristone từ đầu. Trong khi đó, FDA thường xuyên khẳng định loại thuốc này vừa an toàn, vừa hiệu quả.
Các thẩm phán tại Mỹ thường không bình luận về các vụ án ngoài thẩm quyền của mình. Do đó, khó có thể nhận định chính xác tại sao hai phán quyết hôm 7/4 được đưa ra gần nhau đến vậy.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng đây khó có thể là sự trùng hợp. Điều này càng tạo cơ sở cho nhận định rằng các phán quyết được thúc đẩy bởi động cơ chính trị.
Trong tuyên bố của mình, thẩm phán Rice có nhắc đến vụ kiện tại Texas. Ông cho biết bản thân không đồng ý áp đặt phán quyết của mình ở quy mô toàn quốc một phần vì vụ việc trên.
Washington Post nhận định vấn đề nhiều khả năng sẽ được đưa lên Tòa án Tối cao Mỹ. Khi đó, nhân vật được quan tâm nhất sẽ là thẩm phán Brett Kavanaugh - người bỏ phiếu theo đa số để đảo ngược bản án Roe v. Wade hồi tháng 6/2022 nhưng tuyên bố thêm rằng phán quyết không nên hạn chế quyền phá thai ở những bang sẵn sàng cho phép điều này.
Trong khi đó, giáo sư luật hiến pháp Aziz Huq tại Đại học Chicago chỉ ra giới hành pháp Mỹ đã quen với các phán quyết mâu thuẫn khi nhiều chính trị gia và nhà vận động có xu hướng đưa các vụ việc gây tranh cãi ra tòa. Theo vị giáo sư, đây là điều không thể tránh khỏi ở một quốc gia có nền chính trị chia rẽ như Mỹ.
Theo ông Lawrence Gostin, giáo sư về pháp luật y tế tại Đại học Georgetown (Mỹ), cả hai vụ kiện sẽ gây tổn hại tới thẩm quyền của FDA trong công tác đánh giá và phê duyệt dược phẩm.
Ông Gostin đặc biệt quan ngại với vụ kiện tại bang Texas khi các bên liên quan muốn đảo ngược quyết định phê duyệt một loại thuốc đã lưu hành hơn hai thập niên trên thị trường. Tuy nhiên, ông cho rằng cả hai vụ kiện đều có nguy cơ “chính trị hóa” FDA, gây ra tác động lâu dài.
“Chủ nghĩa bè phái đang ‘vũ khí hóa’ hệ thống tòa án, trong khi khoa học và y tế là nạn nhân”, ông Gostin nói. “Tôi không đồng ý với cả hai quyết định của tòa, nhưng tôi nghĩ quyết định tại Texas gây ra thay đổi lớn hơn và có phạm vi rộng hơn nhiều”.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nuoc-my-tach-doi-vi-mot-vien-thuoc-post1420617.html