Nước Mỹ trải qua một mùa hè nắng nóng bất thường
'Nóng không chịu nổi' là cụm từ mà người dân Mỹ liên tục nói trong suốt mùa hè năm nay.
Theo hãng CNN, biến đổi khí hậu do con người gây ra đang làm gia tăng nhiệt độ trên khắp nước Mỹ. Nhiệt độ cao tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn là vì các tòa nhà, đường sá và vỉa hè tạo ra nhiều nhiệt hơn, gây ra hiệu ứng đảo nhiệt đô thị.
Theo phân tích dữ liệu của Viện Môi trường và Phát triển Quốc tế, những thành phố đông dân ở Mỹ đều đang trở nên nóng hơn trong nửa thế kỷ qua.
Mùa hè 2024 thật sự nóng nực
Mùa hè năm 2024 đã phá vỡ kỷ lục bởi nhiệt độ cao, mất điện và tàu hỏa bị chậm trễ do đường ray quá nóng, cong vênh và có nguy cơ trật bánh. Tại một khu vực ở Arizona, hàng trăm người được cho là đã tử vong do các nguyên nhân liên quan đến nhiệt độ. Các nhân viên y tế ở Phoenix thường phải mang theo túi đựng đá giúp làm mát cho những người bị kiệt sức vì nhiệt hoặc say nắng.
Hai thành phố Las Vegas và Phoenix đều đã trải qua hơn 80 ngày trên 35 độ C vào mùa hè năm nay, trong khi các thành phố ven biển ở California, như Los Angeles và San Fransisco, đã hoàn toàn thoát khỏi tình trạng này.
Trong khi đó, hai thành phố Washington và Baltimore cũng đang trải qua mùa hè nóng nhất trong khoảng một thập kỷ. Mỗi nơi đã ghi nhận ít nhất 18 ngày cực kỳ nóng trong năm 2024. Mùa hè năm ngoái, hai thành phố này chỉ ghi nhận 3-5 ngày nóng nhất, tương ứng vào cuối tháng 7.
Las Vegas đứng đầu danh sách những thành phố ghi nhận nhiệt cao nhất về số ngày trên 35 độ C. Thành phố này đã trải qua nắng nóng thiêu đốt lên tới 83 ngày - nhiều hơn 18 ngày so với mức trung bình trong thập kỷ qua. Trong khi đó, hầu hết các ngày trong tháng 7 tại đây đều trên 40 độ C, thậm chí lập đỉnh 49 độ C.
Các thành phố như San Antoni (Texas) ghi nhận 54 ngày cực kỳ nóng, nhiều hơn 16 ngày so với mức trung bình từ năm 2013 đến năm 2023, trong khi thành phố Nashville ở Tennessee xác lập 23 ngày nắng nóng, cao hơn 16 ngày so với mức trung bình.
Không chỉ vào mùa hè này
Số ngày cực nóng đã tăng vọt trong 5 thập kỷ qua: từ 1.064 lên 1.857 ngày ở 50 thành phố đông dân nhất nước Mỹ, đẩy mức tăng trung bình từ 21 ngày lên 37 ngày cho mỗi thành phố.
"Xu hướng chung rất rõ ràng: các thành phố lớn của Mỹ đã trải qua sự gia tăng đáng kể về số ngày cực nóng", ông Tucker Landesman, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Môi trường và Phát triển Quốc tế cho biết.
Nhiều ngày nắng nóng khắc nghiệt có thể làm tăng nguy cơ xảy ra các trường hợp khẩn cấp nghiêm trọng về sức khỏe, như kiệt sức vì nóng và thậm chí là say nắng, có thể gây tử vong. Và những tác động đó đang ảnh hưởng đến các nhóm dễ bị tổn thương.
"Nhiệt độ cao trong những năm gần đây khiến nhiều người đã ví nắng nóng là kẻ giết người thầm lặng. Điều này đặc biệt đúng đối với trẻ em, người cao tuổi và những người có thu nhập thấp hoặc sống trong ngôi nhà ở kém chất lượng. Nhiệt độ cao cũng liên quan đến tình trạng sinh non và chết lưu, cũng như các vấn đề sức khỏe khác trong thời kỳ mang thai", chuyên gia Tucker Landesman nói thêm.
Nắng nóng lan rộng hơn khắp nước
Về lâu dài, các thành phố lớn ở Texas, Arizona và vùng nội địa California sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, xét về sự gia tăng của những ngày cực nóng gần đây.
Trong số 10 thành phố ghi nhận mức tăng nhiệt độ lớn nhất kể từ giữa thập niên 1970, có 7 thành phố ở Texas.
Năm 1976, thành phố San Antonio đã trải qua một tuần nắng nóng khắc nghiệt. Đến năm 2023, con số này đã tăng lên gần 13 tuần, ước tính tăng 1.276%.
Số tuần nắng nóng ở thành phố Austin cũng tăng từ 3 tuần lên hơn 12 tuần, trong khi thành phố Houston tăng từ khoảng 1 tuần lên hơn 7 tuần nắng nóng.
Ngoài biến đổi khí hậu, một số khu vực của bang Texas đã trở nên dễ bị ảnh hưởng bởi nắng nóng khắc nghiệt hơn trong 5 thập kỷ qua vì các thành phố này đã phát triển nhanh chóng các trung tâm đô thị nhiều nhà cao tầng. Dân số ở đây cũng đang tăng nhanh. Năm 2023, dân số San Antonio đã tăng thêm 22.000 người, nhiều hơn bất kỳ thành phố nào khác, tiếp theo là Fort Worth đã tăng thêm hơn 21.000 người.
Tại Austin, các quan chức đang đặt mục tiêu phủ xanh 50% diện tích thành phố vào năm 2050 để làm mát phần nhiệt đô thị bị giữ lại trong bê tông và nhựa đường.
"Thông thường, nhiệt độ chỉ được xem là hiện tượng thời tiết. Khi chúng ta đã xây dựng các thành phố trở thành khu đô thị cao tầng đã làm trầm trọng thêm tác động của biến đổi khí hậu. Tác động này có thể đặc biệt nghiêm trọng ở những khu vực thu nhập thấp thiếu không gian xanh chất lượng", ông Landesman nhấn mạnh./.