Nước Mỹ và các thương vụ bỏ tiền mua lãnh thổ
Nhiều vùng đất thuộc nước Mỹ ngày nay đến sau những tấm séc hay những thỏa thuận mua đất được trả bằng tiền mặt.
Tấm séc trị giá 7,2 triệu USD mà Mỹ trả cho Nga để mua Alaska. (Nguồn: Wikipedia)
Tổng thống Donald Trump không phải là ông chủ đầu tiên của Nhà Trắng muốn mua một vùng lãnh thổ của quốc gia khác khi ông tỏ rõ ý định đối với đảo Greenland thuộc Đan Mạch hôm 15/8 vừa qua. Lịch sử Mỹ thế kỷ XIX cho thấy, quốc gia này từng mua các vùng đất rộng lớn với giá được cho là rẻ mạt so với những lợi ích về chính trị, an ninh, kinh tế… mà chúng mang lại cho Washington.
Louisiana - mở đầu quá trình Tây tiến
Năm 1801, thấy rằng không thể kiểm soát Louisiana một cách hiệu quả, Tây Ban Nha đã nhượng khu vực rộng lớn ở phía Tây sông Mississippi này cho Pháp - quốc gia mạnh nhất ở châu Âu thời đó.
Trong khi ấy, tại Mỹ, Tổng thống Thomas Jefferson mong muốn mở rộng quốc gia về hướng Tây, vượt ra khỏi Mississippi, nhưng nước cộng hòa trẻ tuổi không có đủ sức mạnh quân sự để thách thức Pháp và giành lấy Louisiana. Ông Jefferson mong muốn Hoàng đế Pháp Napoleon Bonaparte cho Mỹ kiểm soát New Orleans, cửa ngõ vào sông Mississippi. Tuy nhiên, những nỗ lực đàm phán ban đầu của Công sứ Mỹ tại Pháp Robert Livingston đều thất bại cho đến năm 1803 khi tình hình quân đội Pháp tại châu Âu chuyển biến theo hướng xấu. Để tránh khả năng quân Anh chiếm Louisiana, đồng thời kiếm tiền cho cuộc chiến, Napoleon Bonaparte quyết định bán toàn bộ Louisiana cho Mỹ với giá 15 triệu USD. Bán Louisiana, Napoleon chấp nhận từ bỏ tham vọng thành lập Đế chế Pháp mới hùng mạnh ở châu Mỹ, nhưng ông đã đạt được mục tiêu: cho Anh một đối thủ cạnh tranh - “những người sớm hay muộn cũng sẽ làm tiêu tan niềm tự hào của Anh”.
Ngày 2/5/1803, hiệp ước Louisiana được ký kết giữa Pháp và Mỹ. Dù còn nghi ngại về tính hợp hiến của vụ mua bán, nhưng Tổng thống Jefferson vẫn đưa hiệp ước này cho Thượng viện phê chuẩn với lưu ý: “càng ít nhắc tới Hiến pháp càng tốt”. Thương vụ Louisiana làm tăng gấp đôi diện tích nước Mỹ, đồng thời mở đầu quá trình mở rộng lãnh thổ Mỹ về phía Tây, là thành tựu lớn nhất trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Jefferson.
Thị trấn Kulusuk, Greenland. (Nguồn: AFP)
7,2 triệu USD đổi lấy vùng đất “vô dụng”
Alaska - lãnh thổ chủ quyền của Nga từ thế kỷ XVII - có lẽ là vùng đất nổi tiếng nhất được san nhượng thông qua mua bán với Mỹ. Cuối thế kỷ XIX, người Nga nhận thấy vùng đất nằm ở vị trí biệt lập và dân cư thưa thớt này rất khó phòng thủ, đặc biệt trong bối cảnh các nước châu Âu ngày càng mạnh đang nung nấu ý định mở rộng lãnh thổ. Cộng thêm khó khăn về tài chính, Sa hoàng Alexander II quyết định bán Alaska cho đồng minh Mỹ.
Sau thời gian dài thương thuyết, ngày 30/3/1867, hai Ngoại trưởng Eduard de Stoeckl và William Henry Seward chính thức ký thỏa thuận chuyển nhượng vùng Alaska với giá 7,2 triệu USD. Sau khi lễ ký kết được loan báo rộng rãi, sóng gió ngay lập tức nổi lên trong dư luận Mỹ. Dân chúng Mỹ cho rằng trong khi đất nước mới trải qua chiến tranh Nam-Bắc, kẻ thù Anh, Pháp thường xuyên đe dọa, thì việc bỏ ra khoản tiền 7,2 triệu USD để mua một vùng đất “vô dụng” là thật khó chấp nhận. Báo New York Tribune gay gắt: “Chúng ta phải còng lưng gánh vác những lãnh thổ không có dân cư sinh sống... Cái giá phải trả có thể là nhỏ nhưng chi phí hành chính hàng năm cả về quân sự lẫn dân sự sẽ lớn hơn nhiều và kéo dài mãi”. Ngay cả Tổng thống Andrew Johnson và Ngoại trưởng Seward cũng bị chỉ trích dữ dội. Người ta gọi vụ mua bán là “sự điên rồ của Seward” hay “chuồng gấu Bắc Cực của Johnson”.
Mặt khác, vẫn có nhóm người tin rằng Alaska mang lại cho nước Mỹ cả lợi ích kinh tế lẫn ngoại giao, bởi mối quan hệ với Nga rất quan trọng. Cuối cùng, ngày 9/4/1867, Thượng viện Mỹ phê chuẩn hiệp ước, tới tháng 6/1868 thì Hạ viện thông qua. Đến nay, người Nga vẫn nhắc tới Alaska đầy tiếc nuối. Tổng thống Vladimir Putin thậm chí đã nhận được câu hỏi: “Bao giờ nước Nga lấy lại Alaska?”. Còn tại Mỹ, dư luận bắt đầu ủng hộ chính quyền hơn khi người ta tìm thấy vàng trên một nhánh sông vào năm 1896. Sáu mươi ba năm sau, ngày 3/1, Alaska trở thành bang thứ 49 của Mỹ. Ngoài lợi nhuận khổng lồ từ nguồn tài nguyên thiên nhiên, vùng đất này còn tạo vành đai bảo vệ Mỹ khỏi sự tấn công của các nước phương Tây, tạo bàn đạp hạn chế dần sự hiện diện của Anh ở Bắc Mỹ…
Gian nan với Virgin
Khác với Alaska và Louisiana, việc Mỹ mua quần đảo Virgin gồm ba đảo Saint Thomas, Saint John và Saint Croix, mà Đan Mạch gọi là Tây Ấn, gian nan hơn nhiều. Hai bên đã đàm phán suốt 50 năm trước khi chính thức chuyển giao vào tháng 3/1917 với giá 25 triệu USD bằng đồng vàng.
Nhà sử học Isaac Dookhan (1935-1990) đã cho rằng dù Washington và Copenhagen đều có những động cơ phức tạp của riêng mình trong vụ trao đổi này, nhưng nó diễn ra khi Đan Mạch đang suy yếu, còn Mỹ lại mạnh dần lên. Từ những năm 1830, chính quyền Đan Mạch đã nhận thấy việc quản lý, điều hành Tây Ấn ngày càng tốn kém, nhất là khi quần đảo này bước vào thời kỳ suy thoái kinh tế. Còn tại Mỹ, trong kế hoạch mở rộng lãnh thổ của mình, Ngoại trưởng Seward muốn thâu tóm quần đảo Tây Ấn. Ngoại trưởng Seward đã đàm phán thành công với Đan Mạch về hiệp ước nhượng các hòn đảo cho Mỹ. Tuy nhiên, Thương viện Mỹ vì tức giận trước sự ủng hộ của ông đối với Tổng thống Johnson trong phiên luận tội năm 1968 mà bác bỏ hiệp ước này.
John Hay, Ngoại trưởng Mỹ giai đoạn 1898-1905, cũng quan tâm tới việc mua lại Tây Ấn như một phần trong kế hoạch mở rộng lãnh thổ và bảo đảm lộ trình cho kênh đào Panama tương lai. Giới chức Mỹ thì nhận định các hòn đảo sẽ mang lại lợi ích kinh tế cho đất nước. Mặt khác, họ lo ngại các thế lực thù địch sẽ kiểm soát chúng trước khi Mỹ có thể làm. Theo nhà sử học Isaac Dookhan, trong những năm 1880 và 1890, sự nghi ngờ chủ yếu dồn vào Đức khi đó cũng quan tâm đến Mỹ Latinh. Năm 1902, Thượng viện Mỹ thông qua hiệp ước mua Tây Ấn, song Quốc hội Đan Mạch lại bác bỏ.
Đến năm 1915, lo sợ người Đức thôn tính các hòn đảo đã thúc đẩy Mỹ nỗ lực thêm lần nữa. Ngoại trưởng Mỹ khi đó là Robert Lansing tuyên bố nếu Đan Mạch không chịu bán Tây Ấn cho Mỹ, họ có thể sẽ tự thâu tóm chúng. Lo ngại phải đối mặt với một cuộc tấn công quân sự, Đan Mạch chấp nhận ký kết hiệp ước vào ngày 16/1/1917.
Gadsden và các vụ sáp nhập
Theo History.com, sau chiến tranh Mỹ - Mexico (1846 - 1848), Mexico rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng: kho bạc trống rỗng, quân đội hỗn loạn, các thế lực bên ngoài lăm le xâm lược. Những vấn đề của Mexico là mối lo ngại đối với Mỹ vì có thể đe dọa trực tiếp tới nước này. Song, điều đó cũng tạo thuận lợi cho Washington trong giải quyết các tranh chấp lãnh thổ. Khi đó, Tổng thống Franklin Pierce đã cử Công sứ Mỹ tại Mexico James Gadsden đứng ra đàm phán để mua lại khoảng 30.000 dặm vuông đất, vốn được các nhà lãnh đạo chính trị và công nghiệp Mỹ đánh giá là địa điểm chiến lược để xây dựng tuyến đường sắt xuyên lục địa phía Nam. Kết quả là tháng 12/1853, Mỹ trả cho Mexico 10 triệu USD để mua lại vùng đất ngày nay là các bang New Mexico và Arizona. Ngoài ý nghĩa giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa Mỹ và Mexico, hiệp ước còn giúp hoàn chỉnh biên giới Tây Nam của Mỹ.
Sau khi mua thành công nhiều vùng đất rộng lớn, nước Mỹ tiếp tục thực hiện kế hoạch mở rộng lãnh thổ với việc sáp nhập Floria (1819), Oregon (1818-1846), Texas (1845), Hawaii (1898)… Quá trình mở rộng lãnh thổ trong thế kỷ XIX đã tạo cho Mỹ vị thế chiến lược trên bản đồ địa chính trị quốc tế so với nước Mỹ thuở ban đầu, đồng thời tác động mạnh mẽ tới sự phát triển của nền kinh tế, tính đa dạng văn hóa cũng như việc thực hiện chính sách đối ngoại Mỹ...
Trở lại nước Mỹ ngày nay, Tổng thống Trump muốn mua vùng đất Greenland quan trọng về kinh tế, quân sự và an ninh để ghi dấu ấn trong nhiệm kỳ lãnh đạo của mình, song chắc hẳn chính quyền Mỹ cũng có những mưu tính tới lợi ích chiến lược lâu dài của quốc gia như các Tổng thống Mỹ trước đây.
Trên thực tế, có những nước đã lựa chọn giải pháp nhượng đất để giải quyết vấn đề chính trị trước mắt, như Trung Quốc hơn một lần nhượng đất để đổi lấy hòa bình. Hong Kong được nhượng lại cho đế quốc Anh (1841), sau khi nhà Thanh thua trận trong Chiến tranh nha phiến lần thứ nhất, nối tiếp là Cửu Long (1860) và Tân Giới (1898), tạo thành đặc khu kinh tế Hong Kong ngày nay. Hong Kong trở về với Trung Quốc sau Tuyên bố Anh - Trung 1984, và London trả lại vùng đất này cho Bắc Kinh vào năm 1997.
Sau Thế chiến II, các vùng lãnh thổ thường được sang tên đổi chủ vì mục tiêu chính trị nhiều hơn kinh tế. Tháng 4/1975, người dân Vương quốc Sikkim chấp nhận trở thành một phần của Ấn Độ sau trưng cầu ý dân.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nuoc-my-va-cac-thuong-vu-bo-tien-mua-lanh-tho-100210.html