Nước NATO muốn có lá chắn tên lửa 'bắt chước' Iron Dome của Israel
Quốc gia thành viên NATO nằm bên bờ Địa Trung Hải đang nỗ lực đầu tư vào hệ thống phòng thủ của mình để theo kịp cả các đồng minh cũng như đối thủ.
Trong nỗ lực hiện đại hóa các lực lượng vũ trang của mình, Hy Lạp đang đàm phán với Israel để phát triển một hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không trị giá 2 tỷ Euro, các quan chức của quốc gia thành viên NATO nằm bên bờ Địa Trung Hải cho biết hôm 14/11.
Đáng chú ý, hệ thống phòng thủ này có thể sẽ "bắt chước" lá chắn tên lửa Iron Dome (Vòm sắt) trứ danh của Israel hoặc các hệ thống khác đã phát huy sức mạnh trong việc đánh chặn tên lửa tầm ngắn và tầm xa được phóng trong các cuộc tấn công từ các nước láng giềng trong bối cảnh xung đột đang diễn ra ở Gaza và Lebanon.
Hy Lạp rất muốn đầu tư vào hệ thống phòng thủ của mình để theo kịp đồng minh NATO và đối thủ truyền thống Thổ Nhĩ Kỳ – quốc gia láng giềng cũng đang phát triển hệ thống phòng không của riêng mình, mặc dù quan hệ giữa Athens và Ankara đã có một số cải thiện.
"Kế hoạch là tạo ra một hệ thống phòng không nhiều lớp và có thể chống lại mối đe dọa từ các máy bay không người lái", một nguồn tin hiểu biết về vấn đề này cho biết sau cuộc họp kín với Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp Nikos Dendias.
"Chúng tôi đang thảo luận với Israel", nguồn tin cho biết.
Một quan chức thứ hai xác nhận quy mô của thỏa thuận tiềm năng, đồng thời nói thêm rằng Hy Lạp cần chi 12,8 tỷ Euro vào năm 2035 để hiện đại hóa các lực lượng vũ trang của mình.
Hệ thống phòng không là một phần trong kế hoạch mua sắm quân sự kéo dài 10 năm của Athens, bao gồm việc mua tới 40 tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 F-35 và máy bay không người lái mới từ Mỹ, cùng 4 khinh hạm Belharra và máy bay phản lực Rafale từ Pháp.
"Nỗ lực của chúng tôi là chuyển đổi nhanh chóng các lực lượng vũ trang của chúng tôi sang thời đại của thế kỷ 21", Bộ trưởng Quốc phòng Dendias cho biết trước cuộc họp báo hôm 14/11.
Hy Lạp hiện đang sử dụng hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất và hệ thống phòng không S-300 của Nga để bảo vệ không phận của mình.
Là một phần trong mục tiêu hiện đại hóa và tăng cường các lực lượng vũ trang của mình, quốc gia thành viên NATO này có kế hoạch đóng cửa 137 trại huấn luyện quân sự trên toàn quốc.
Trình bày về cơ cấu mới của các lực lượng vũ trang trước Ủy ban Thường trực về Quốc phòng và Ngoại giao của Quốc hội Hy Lạp, Bộ trưởng Quốc phòng Dendias đã bảo vệ kế hoạch đóng cửa số trại huấn luyện trên vào năm 2025.
"Không có lý do gì chúng ta phải có nhiều trại huấn luyện hơn cả Mỹ", hãng thông tấn AMNA của Hy Lạp dẫn lời ông Dendias nói. "Chúng tôi sẽ xóa bỏ hơn 30 đội hình và hợp nhất các đơn vị để tăng cường hỏa lực".
Trong bối cảnh máy bay không người lái (UAV/drone) đóng vai trò ngày càng tăng trong chiến tranh hiện đại, ông Dendias cũng tiết lộ rằng mọi đơn vị của Quân đội Hy Lạp sẽ có khả năng chống máy bay không người lái và khả năng điều khiển máy bay không người lái.
Ngoài ra, ông còn nhấn mạnh tầm quan trọng của khả năng tấn công và phòng thủ trên không gian mạng, cũng như việc duy trì sức mạnh của các nhánh hải quân và không quân.
Minh Đức (Theo The Independent, Anadolu)