Nước Nga 30 năm sau khi Liên Xô sụp đổ - Kỳ 1: Nước Nga dưới thời Boris Yeltsin
Do sai lầm của Tổng thống Boris Yeltsin trong những năm cầm quyền sau khi Liên Xô sụp đổ, nước Nga đã lâm vào cuộc khủng hoảng toàn diện về kinh tế-xã hội, chính trị và an ninh.
LTS: Sau khi Liên Xô sụp đổ, nước Nga đã trải quá trình phát triển đầy sóng gió, phục hưng và trở thành cường quốc mới có tầm ảnh hưởng ngày càng lớn và vị thế ngày càng cao trên thế giới. Con đường mà nước Nga đang đi cũng như tương lai của quốc gia này luôn thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế. Nhân dịp tròn 30 kể từ khi Liên Xô sụp đổ (12/1991-12/2021),VietTimes xin giới thiệu loạt bài với chủ đề chung "Nước Nga 30 năm sau khi Liên Xô sụp đổ” của Đại tá Lê Thế Mẫu về con đường phát triển của nước cũng như ảnh hưởng của nước Nga mới đối với cục diện chính trị thế giới.
Sau khi Liên bang Xô Viết tự giải thể, Liên bang Nga được kế thừa vị thế của Liên Xô trong tất các các hiệp ước, hiệp định đã ký với các nước và trong quan hệ quốc tế, trong đó có vị thế của thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Với ảo vọng đưa nước Nga phát triển tăng tốc theo con đường của chủ nghĩa tư bản, Tổng thống đầu tiên của Liên bang Nga, ông B.Yeltsin, chủ trương tiến hành chương trình cải cách theo “liệu pháp sốc” nhằm đưa nước Nga hội nhập về kinh tế và chính trị với phương Tây.
Theo chủ trương đó, ngày 17/6/1992 trong chuyến thăm chính thức và phát biểu trước cả hai viện của Quốc hội Mỹ, Tổng thống B. Yeltsin tuyên bố: “Nước Nga đã lựa chọn con đường phát triển tự do và dân chủ, thời kỳ mà Mỹ và Nga đưa lãnh thổ của nhau vào tầm ngắm trước họng súng có thể sẵn sàng xả đạn bất cứ lúc nào, đã kết thúc. Giờ đây, thế giới trở nên bình yên hơn. Tôi tới đây còn là để đảm bảo với các quý vị rằng chủ nghĩa cộng sản sẽ không bao giờ hồi sinh trên đất nước chúng tôi”[1].Thực hiện chủ trương này, B.Yelsin đã mời các cố vấn kinh tế và pháp luật của Mỹ tới Moscow giúp Nga thực hiện chương trình cải cách. Về sau này, Tổng thống Nga V.Putin cho biết, trong số các cố vấn Mỹ có nhiều nhân viên của Cục tình báo trung ương Mỹ. Theo chỉ dẫn của các cố vấn Mỹ, Chính phủ Nga đã thực hiện chương trình cải toàn diện được gọi là “liệu pháp sốc”, theo đó sẽ thực hiện quá trình tư nhân hóa ồ ạt nền kinh tế và cải cách toàn bộ hệ thống chính trị, quân sự, an ninh, giáo dục, văn hóa và khoa học-công nghệ với hy vọng quá trình này sẽ tạo ra “sự phát triển thần kỳ” cho nước Nga[2].
Ngày 21/9/1993, Tổng thống B. Yeltsin ký sắc lệnh số 1400 “Từng bước cải cách Hiến pháp Liên bang Nga”. Theo đó, với sự tư vấn của các cố vấn pháp lý Mỹ, Nga tổ chức soạn thảo bản Hiến pháp mới với tốc độ “chóng mặt”. Chỉ vẻn vẹn trong khoảng 3 tháng, bản hiến pháp này được soạn thảo và thông qua và có hiệu lực từ ngày 25/12/1993. Hiến pháp năm 1993 hình thành hệ thống chính trị tam quyền phân lập (gồm lập pháp, hành pháp và tư pháp), theo thể chế cộng hòa-tổng thống, trong đó kết hợp cơ chế tổng thống và cơ chế nghị viện.
Đáng chú ý là Hiến pháp năm 1993 đã tước bỏ chủ quyền của nước Nga. Trong đó, không có điều khoản nào hiến định Liên bang Nga có quyền kế thừa vị thế của Liên Xô. Hoặc, Khoản 4 Điều 15 của bản Hiến pháp 1993 quy định: “Nếu các hiệp ước quốc tế do Liên bang Nga ký kết quy định những điều luật khác với luật pháp Nga thì sẽ áp dụng các điều luật của hiệp ước quốc tế”. Nghĩa ra, đặt hiệp ước quốc tế lên trên Hiến pháp Nga. Khoản 1 Điều 62 quy định:“Theo luật pháp liên bang hoặc hiệp ước quốc tế, công dân Liên bang Nga có thể có quốc tịch nước ngoài”[3]. Lợi dụng điều khoản này, hàng loạt quan chức Chính phủ Nga từ trung ương tới địa phương cũng như trong Quốc hội Nga có hai quốc tịch và được mở tài khoản cá nhân tại các ngân hàng nước ngoài [4]. Đây chính là “gót chân Achilles” trong nền chính trị của Nga mà sau này Mỹ và các nước phương Tây ra sức lợi dụng để thực hiện các biện pháp cấm vận chống phá Nga.
Về cải cách kinh tế, từ tháng 1/1992 Nga tiến hành tư nhân hóa ồ ạt quyền sở hữu; tự do hóa giá và hoạt động thương mại để thiết lập giá thị trường hàng hóa và dịch vụ; nhập khẩu ồ ạt hàng hóa từ các nước phương Tây…Biện pháp tự do hóa đã tạo ra thị trường hỗn loạn, trong đó tràn ngập hàng hóa nhập từ phương Tây với giá “cắt cổ”, đẩy nền sản xuất trong nước lâm vào tình trạng chết yểu.
Từ tháng 7/1991, Nga tiến hành chương trình tư nhân hóa các xí nghiệp thuộc sở hữu nhà nước và công cộng theo 3 giai đoạn. Trong giai đoạn 1, tiến hành tư nhân hóa nhà ở công cộng, xí nghiệp nhỏ, các cơ sở thương mại và dịch vụ với giá “rẻ như cho không”, thậm chí tư nhân hóa miễn phí một số khu vực nhà ở công cộng của thành phố. Cách làm này đã tạo cơ hội vàng để cho các quan chức lãnh đạo và bộ máy hành chính làm giàu. Trong giai đoạn 2, tư nhân hóa phần lớn các bất động sản lớn nhất của nhà nước, gồm các nhà máy và xí nghiệp lớn, các khu liên hợp công nghiệp và nông nghiệp. Theo đó, nhiều tài sản lớn của nhà nước được chuyển vào túi của một số ít quan chức cầm quyền trong chế độ cũ cũng như chế độ mới và các nhà đầu cơ tranh thủ cơ hội có một không hai này để chiếm đoạt nguồn tài nguyên khổng lồ của nhà nước. Trong giai đoạn 3, tư nhân hóa những tài sản nhà nước đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế quốc gia như các doanh nghiệp lớn hàng đầu trong các ngành công nghiệp nặng và khai khoáng, tổ hợp năng lượng và nguyên liệu như dầu khí, điện, công nghiệp hạt nhân.
Tính đến năm 1994, có 112.600 xí nghiệp công nghiệp, 85.000 xí nghiệp dịch vụ bị tư nhân hóa và thuộc quyền sở hữu tư nhân, trong đó có cả người nước ngoài. Do không có cơ quan giám sát của nhà nước đối với quá trình tư nhân hóa theo thông lệ quốc tế, nhà nước Nga đã bị thất thoát khủng khiếp tài sản quốc gia[5]. Thiệt hại kinh tế của Nga trong những năm cải cách dưới thời Tổng thống B. Yeltsin lớn gấp 2,5 lần thiệt hại của Liên Xô trong Chiến tranh thế giới thứ hai[6].
Trong lĩnh vực quân sự, thực hiện sắc lệnh của Tổng thống B. Yeltsin về việc rút Các lực lượng vũ trang Liên Xô ra khỏi lãnh thổ các nước Đông Âu, Nga phải xây dựng 126.700 căn hộ, 580 cơ sở văn hóa - xã hội, 460 doanh trại và 2300 kho chứa vũ khí trang bị, với dự chi ngân sách phí 427,8 tỷ Ruble. Tuy nhiên, phần lớn ngân sách đó rơi vào tay các trùm mafia, hoặc được chi không hiệu quả. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng khủng hoảng trong quân đội Nga. Thực hiện sắc lệnh về việc chuyển chế độ tuyển quân đội, Nga chính thức áp dụng chế độ tuyển quân theo cơ chế hợp đồng. Đồng thời, quân số của Các lực lượng vũ trang Nga được cắt giảm từ 2.341.000 người xuống còn 1.200.000 người vào năm 2000.
Một trong những biện pháp cải cách quân sự đáng chú ý là chủ trương từng bước đưa Nga gia nhập Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO). Theo hướng đó, ngày 20/12/1991, Tổng thống B. Yeltsin tuyên bố Nga sẵn sàng gia nhập NATO. Trên cơ sở đó, ngày 22/6/1994, Nga và NATO ký Chương trình đối tác vì hòa bình. Ngày 27/5/1997, Tổng thống B. Yeltsin và Tổng thư ký NATO Javier Solana cùng với đại diện của 16 nước thành viên NATO ký Định ước cơ bản về quan hệ Nga-NATO. Theo đó, Nga và NATO không còn coi nhau là kẻ thù, cùng nhau xây dựng nền hòa bình toàn diện và bền vững trong khu vực châu Âu - Đại Tây Dương dựa trên nguyên tắc dân chủ, an ninh trên cơ sở hợp tác[7]. Trong khi đó, NATO không ngừng mở rộng và đưa căn cứ quân sự tới bố trí sát biên giới Nga.
Tháng 3/1999, lần đầu tiên NATO phát động chiến tranh xâm lược ngay giữa lòng châu Âu nhằm vào Liên bang Nam Tư với danh nghĩa “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, chà đạp thô bạo luật pháp quốc tế và là thách thức nghiệt ngã nhất của NATO đối với Nga sau Chiến tranh lạnh, làm tan biến hoàn toàn mọi ảo vọng của B.Yeltsin về cái gọi là “các giá trị văn minh” của phương Tây. Tại lễ kỷ niệm 50 năm thành lập, NATO tuyên bố chiến lược toàn cầu của liên minh này trong thế kỷ XXI, theo đó sẽ đóng vai trò cảnh sát toàn cầu[8]. Trong khi đó, cải cách quân sự đã đưa Các lực lượng vũ trang Nga lâm vào tình trạng bất ổn và bất định do mất định hướng chính trị và khủng hoảng kinh tế.
Những biện pháp cải cách nóng vội, thiếu cơ sở và định hướng sai lầm của Tổng thống B.Yeltsin đã đưa nước Nga lâm vào cuộc khủng hoảng toàn diện. Năm 1996, uy tín của B.Yeltsin giảm xuống mức 3%. Ngày 21/8/1998, Hạ viện Nga với 248 phiếu thuận trong tổng số 450 nghị sĩ đề nghị Tổng thống B.Yeltsin từ chức. Thất bại của B.Yelsin trong những năm cầm quyền không chỉ đặt toàn bộ sự nghiệp chính trị của ông trước nguy cơ đổ vỡ hoàn toàn mà còn đặt nước Nga trước nguy cơ tan rã như toan tính của Mỹ.
Ngày 15/5/1999, Duma quốc gia Nga tiến hành cuộc họp luận tội Tổng thống B.Yelsin với những tội danh như ký kết Hiệp định Belovezhsky dẫn tới sự tan rã Liên Xô, gây ra các biến cố bi thảm năm 1993 và cuộc chiến tranh Cheshnya, làm tan rã quân đội Nga và gây ra thảm họa giảm dân số Nga[9]. Trong bối cảnh ấy, ngày 08/8/1999, Tổng thống B.Yelsin ký quyết định bổ nhiệm V.Putin-Cục trưởng Cục An ninh liên bang, làm Thủ tướng Nga, chính thức đưa V. Putin bước lên vũ đài chính trị trong điện Kremlin.
Chỉ bốn tháng sau, ngày 31/12/1999, Tổng thống B.Yelsin tự nguyện trao quyền lãnh đạo tối cao của quốc gia cho Thủ tướng Nga Vladimir Putin theo quy định của Hiến pháp Nga. Đáp lại, văn kiện đầu tiên mà quyền Tổng thống V.Putin ký là sắc lệnh bảo đảm chế độ nghỉ hưu trọn đời an toàn cho cựu Tổng thống B.Yeltsin. Theo đó, B.Yeltsin cũng như toàn bộ các thành viên trong bộ máy kiểu “gia đình trị" của ông sẽ không bị truy tố trước pháp luật vì tội sử dụng quân đội trái Hiến pháp Nga, tham nhũng, hối lộ và biển thủ của công./.
(Kỳ 2. V.Putin-người cứu nước Nga thoát khỏi thảm họa địa-chính trị)