Nước Nga đứng trước khả năng 'vỡ nợ' nước ngoài đến 150 tỉ đô la

Các loại trái phiếu do chính phủ và doanh nghiệp Nga phát hành lên đến 150 tỉ đô la. Chiếc đồng hồ báo động khả năng vỡ nợ của nước Nga bắt đầu được kích hoạt từ hôm nay 16-3 khi nước Nga phải thanh toán khoản lãi trái phiếu chính phủ bằng đô la Mỹ đầu tiên kể từ khi cuộc chiến Ukraine bùng nổ.

Nga phải trả 117,2 triệu đô la tiền lãi đến hạn cho hai loại trái phiểu do chính phủ phát hành. Khoản thời gian ân hạn trả lãi cho hai loại trái phiếu trên là 30 ngày. Nước Nga sẽ rơi vào nguy cơ vỡ nợ nếu không thanh toán trước ngày 15-4. Tiếp đến là các khoản lãi đến 615 triệu đô la phải thanh toán trong tháng 3 này. Theo Reuters và Nikkei Asia, các khoản thanh toán nợ gốc cũng dồn dập ập đến với 300 triệu đô la phải trả vào ngày 31-3 và 2 tỉ đô la vào ngày 4-4.

Giá trái phiểu chính phủ giảm 90%

Bế tắc ngoại giao của nước Nga và các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây đã đặt câu hỏi về khả năng thanh toán và phương thức thanh toán của Nga. Chính phủ Nga phát hành 15 loại trái phiếu quốc tế đang lưu hành với mệnh giá khoảng 40 tỉ đô la, khoảng một nửa trong số này do các nhà đầu tư quốc tế nắm giữ.

Bản thân các loại trái phiếu đã được phát hành với các hợp đồng và điều khoản khác nhau. Trái phiếu được bán sau khi Nga bị trừng phạt vì sáp nhập Crimea năm 2014 có điều khoản thanh toán bằng các loại tiền tệ thay thế. Đối với các trái phiếu được bán sau năm 2018, đồng rúp được liệt kê là một lựa chọn tiền tệ thay thế.

Hai loại trái phiếu liên quan đến khoản thanh toán lợi suất hôm nay 16-3 đã được phát hành từ năm 2013 và phải được thanh toán bằng đô la Mỹ, với Citibank làm đại lý thanh toán.

Các hãng xếp hạn tín dụng đã “không nương tay” xuống hạng các loại trái phiếu của chính phủ Nga. S&P Global đã giảm xếp hạng từ BBB-, tức cấp thấp nhất đối với nhà đầu tư quốc tế, xuống CCC-, tức chỉ dành cho đầu cơ trong lãnh thổ Nga. S&P Global cho rằng các biện pháp kiểm soát vốn của Nga “rất có thể sẽ hạn chế khả năng các trái chủ nội tệ và ngoại tệ không cư trú nhận được các khoản thanh toán lãi và hoặc tiền nợ gốc đúng hạn”.

Giá trái phiếu chính phủ Nga bằng đồng đô la đến hạn vào năm 2047 đã giảm khoảng 90%, trong khi lợi suất tăng vọt từ dưới 10% lên hơn 60%.

Hôm 15-3, hãng xếp hạng Fitch Ratings nói rằng nếu các khoản thanh toán được thực hiện bằng đồng rúp, đây sẽ là vụ vỡ nợ trái phiếu chính phủ đầu tiên nếu khoản tiền lãi không được thanh toán sau thời gian ân hạn 30 ngày. Theo bản cáo bạch của trái phiếu, việc thanh toán bằng tiền tệ khác sẽ chỉ có hiệu lực sau khi người nhận đổi số tiền đó lấy đô la và số tiền bằng đô la có thể quy đổi được trên thị trường mở.

Ngân hàng Citibank đã từ chối bình luận đến các diễn biến liên quan.

Nga còn ngoại tệ để thanh toán?

Cho đến giờ, khả năng thanh toán bằng ngoại tệ của Moscow vẫn còn là dấu hỏi rất lớn.

“Tổng khối lượng dự trữ ngoại hối của Nga là khoảng 640 tỉ đô la, và khoảng 300 tỉ đang ở trong tình trạng không thể sử dụng được”, Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov phát biểu trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình nhà nước.

Tuy nhiên, Moscow được cho là có khả năng thực hiện các khoản thanh toán đến hạn hôm nay và những ngày tới bằng tiền mặt – đô la Mỹ. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã không hoàn toàn cắt đứt nước Nga khỏi các giao dịch ngoại tệ và chính phủ Nga cùng với doanh nghiệp có thể trả lãi cho khoản vay của họ.

Nhưng ông Siluanov đã đe dọa rằng sẽ thanh toán cho các trái chủ ở các quốc gia “không thân thiện” bằng đồng rúp cho đến khi tài sản của ngân hàng trung ương Nga được gỡ phong tỏa.

Chi nhánh nghiên cứu Mizuho Research & Technologies của ngân hàng Mizuho tại Nhật Bản ước tính rằng 48,6% dự trữ ngoại tệ do ngân hàng trung ương Nga sở hữu được nắm giữ tại bảy nền kinh tế lớn đã đóng băng các tài sản này, bao gồm Mỹ, Nhật Bản và Pháp. Trong khi đó, dòng ngoại tệ đổ vào đất nước đang cạn kiệt khi các công ty quốc tế tạm dừng hoạt động tại đây.

Rúp Nga hay đô la Mỹ?

Các biện pháp trừng phạt đã diễn ra gay gắt, đặc biệt là việc đóng băng dự trữ tiền tệ của ngân hàng trung ương. Ban đầu, Moscow tỏ ra lo lắng về triển vọng trả nợ bằng đồng ngoại tệ vốn đang khan hiếm cho các chủ nợ nước ngoài.

Một sắc lệnh do Tổng thống Vladimir Putin ký hôm 5-3 đã cho phép các định chế ở Nga có quyền thanh toán cho các chủ nợ nước ngoài bằng đồng rúp bằng cách chuyển rúp vào tài khoản loại C tại cơ quan lưu ký quốc gia. Tuy nhiên, ngân hàng trung ương và Bộ tài chính Nga có thể đưa ra ngoại lệ, tức hai cơ quan này có quyền can thiệp, trả hay không trả, và bằng đồng nội tệ của Nga hay các loại ngoại tệ mạnh.

Các tuyên bố sau đó từ phía Nga có nhiều sắc thái và rõ ràng hơn. Trong một tuyên bố hôm 14-3, Bộ Tài chính Nga nói rằng cơ quan này đã chấp thuận một thủ tục tạm thời để thực hiện thanh toán bằng ngoại tệ và nước Nga sẽ thực hiện các nghĩa vụ trả nợ “đúng hạn và đầy đủ”.

Tuy nhiên, nếu các ngân hàng nước ngoài không chấp nhận các khoản thanh toán, Nga có thể rút tiền và trả bằng đồng rúp vào tài khoản tại cơ quan lưu ký quốc gia.

Chủ nợ lãnh đủ, nhưng “chúa chổm” cũng gặp nạn…

Nhà đầu tư dường như đang đứng giữa hai làn đạn. Các lệnh trừng phạt của phương Tây và các sắc lệnh mới ban hành của Nga sẽ khiến việc chi trả của Nga trở nên phức tạp hơn và nhà đầu tư cũng khó nhọc hơn khi nhận lãi và nợ gốc.

Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài của Mỹ (OFAC) đã ban hành giấy phép 9A vào ngày 2-3. Loại giấy phép này cho phép các giao dịch của công dân Mỹ liên quan đến “việc nhận các khoản thanh toán lãi suất, cổ tức hoặc đáo hạn liên quan đến nợ hoặc vốn chủ sở hữu” do Bộ Tài chính, ngân hàng trung ương hoặc quỹ đầu tư quốc gia Nga phát hành. Tuy nhiên, giấy phép 9A sẽ hết hiệu lực vào ngày 25-5 đối với Nga do nước này phải trả gần 2 tỉ đô la cho các chủ nợ đang giữ trái phiếu của Nga sau thời hạn này và cho đến cuối năm 2022.

Một vụ vỡ nợ nước ngoài của Nga dường như là “không thể tưởng tượng được” khi trái phiếu của nước này được giao dịch sôi động trên thị trường quốc tế cho đến gần cuối tháng 2 – trước khi Nga phát động chiến tranh.

Các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt đã thay đổi tất cả. Giờ đây, trái phiếu Nga lâm vào cảnh chợ chiều, một số loại chỉ được giao dịch bằng 10% mệnh giá phát hành.

Hầu hết các khoản thanh toán đến hạn – như khoản thanh toán vào hôm nay – có thời gian ân hạn 30 ngày, nhưng số khác chỉ được ân hạn 15 ngày. Không giống như một số trái phiếu quốc tế khác của Nga có điều khoản thanh toán thay thế bằng chữ in nhỏ, khoản lãi đến hạn ngày 16-3 phải được thanh toán bằng đô la Mỹ.

Các nhà phân tích cho rằng nếu không thanh toán đầy đủ hoặc thanh toán bằng một loại tiền tệ mạnh khác, nước Nga sẽ bị liệt vào dạng “vỡ nợ” khi thời điểm ân hạn đã qua.

Các quốc gia vỡ nợ mặc định là sẽ không có quyền tiếp cận thị trường vốn quốc tế. Với bổi cảnh bị chặn đứng mọi tiếp cận với thị trường tài chính và thị trường ngoại hối, Nga xem như đã bị loại khỏi cuộc chơi.

Tuy thế, một vụ vỡ nợ có thể gây hậu quả nghiêm trọng hơn và trên bình diện lớn hơn.

Vỡ nợ có thể kích hoạt các chính sách bảo hiểm vỡ nợ của Nga được gọi là cơ chế hoán đổi nợ tín dụng (CDS) mà các nhà đầu tư áp dụng cho tình huống này. Ngân hàng đầu tư JPMorgan ước tính có khoảng 6 tỉ đô la CDS quá hạn thanh toán cần được chi trả gấp.

Hơn nữa, không chỉ các quỹ quản lý tài sản quốc tế mới phải “giơ đầu chịu báng” khi Nga không thể trả nợ bằng ngoại tệ. Chuyên gia kinh tế người Nga Evgeny Suvorov làm việc tại Ngân hàng CentroCredit phân tích: “Nhiều nhà đầu tư Nga đã mua tờ giấy này thông qua tài khoản của họ ở các ngân hàng phương Tây. Người ta đang hoài nghi rằng các nhà đầu tư người Nga chính là những trái chủ của các loại trái phiểu do chính phủ Nga phát hành”.

Mặt khác, các ngân hàng Nga cũng có thể gặp rắc rối bởi các loại trái phiếu này chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu vốn của họ.

Việc điều hành hoạt động kinh doanh trong một quốc gia vỡ nợ cũng tăng thêm áp lực đối với các công ty Nga, bởi họ thường xuyên tiếp cận và gọi vốn trên thị trường tài chính nước ngoài. Reuters nói rằng có gần 100 tỉ đô la trái phiếu ngoại tệ do chính phủ và doanh nghiệp Nga phát hành. Nhưng cơn ác mộng đối với thị trường tài chính toàn cầu không dừng ở đó. Bởi theo ước tính của hãng Bloomberg, số nợ này lên đến 150 tỉ đô la.

Ricky Hồ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nuoc-nga-dung-truoc-kha-nang-vo-no-nuoc-ngoai-den-150-ti-do-la/