Nước ngập, người trồng ổi gặp khó

Mấy năm trở lại đây, nhiều hộ dân ở ấp Ruộng 3, xã Quang Minh, TX. Chơn Thành khá lên nhờ phát triển kinh tế từ mô hình trồng ổi trân châu. Ngoài một số hộ trồng tự phát, còn có tổ hợp tác (THT) trồng ổi đã xây dựng được sản phẩm OCOP, đạt tiêu chuẩn 3 sao. Tuy nhiên hiện nay, tại khu vực sản xuất, tình trạng ngập úng xảy ra trên diện rộng, điều kiện canh tác của người dân gặp khó khăn, kinh tế bị thiệt hại.

Bà Chu Thị Mai Là, Tổ trưởng THT trồng ổi trân châu xã Quang Minh cho biết: Ấp Ruộng 3 có nhiều hộ trồng ổi với tổng diện tích ước khoảng 50 ha, riêng THT có 8 hộ trồng, tổng diện tích 32 ha. Ổi thích nghi tốt nhất với điều kiện đất ẩm, tơi xốp, thoát nước tốt. Khu vực ấp Ruộng 3 trũng, nếu không bị ngập, việc canh tác cơ bản thuận lợi. Tuy nhiên, 3 năm gần đây, ngập úng thường xuyên xảy ra. Mỗi khi mưa lớn kéo dài, hàng chục hec-ta ổi bị ngập úng, rễ cây ngâm nước lâu ngày bị thối, nhiễm bệnh, khiến cây chậm phát triển, giảm năng suất và cây có thể bị chết.

Bà Chu Thị Mai Là cho biết, nếu không bị ngập úng, việc trồng ổi đem lại thu nhập cao cho gia đình và các hộ trong tổ hợp tác

Bà Chu Thị Mai Là cho biết, nếu không bị ngập úng, việc trồng ổi đem lại thu nhập cao cho gia đình và các hộ trong tổ hợp tác

Để ứng phó với ngập úng, THT trồng ổi đã thực hiện giải pháp kỹ thuật kích thích ổi ra bông, đậu trái sớm. Tuy nhiên, năm nay tình trạng ngập úng sớm hơn mọi năm do mưa nhiều, nước từ nơi khác đổ về khiến người trồng ổi lo lắng hơn. “Thời điểm này, hầu hết các vườn ổi đã ra trái non. Nếu nước ngập khoảng 1 tuần, trái non sẽ rụng hết, mất mùa là điều hiển nhiên. Một số hộ tiếp tục canh tác, không ít hộ phải tỉa cành làm lại vụ khác, khoảng 6 tháng sau mới được thu hoạch” - bà Là chia sẻ.

Gia đình ông Lê Văn Nghị (ở ấp Ruộng 3) có 3 ha trồng ổi giáp mương bị thiệt hại nặng nhất. 100% diện tích bị ngập khiến hầu hết cây bị chết, một số cây còn sống, tuy nhiên không có thu hoạch. Hiện nước vẫn trong tình trạng ngập sâu, ông Nghị đành bỏ ruộng, không canh tác.

Vườn ổi của gia đình ông Nghị bị ngập úng thối rễ, chết dần

Vườn ổi của gia đình ông Nghị bị ngập úng thối rễ, chết dần

Nông dân trồng ổi cho biết, nếu tình trạng nước ngập rồi lại rút, các hộ sẽ móc mương tạo rãnh thoát nước trong ruộng. Tuy nhiên, nước ngập nhiều ngày không rút nên vượt quá khả năng. Do vậy, người dân rất mong chính quyền và ngành chức năng TX. Chơn Thành sớm có giải pháp khắc phục, giúp người dân ổn định sản xuất.

Ông Vũ Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã Quang Minh cho biết: Năm 2023, UBND xã đã triển khai dự án nạo vét mương thoát nước khu vực này với tổng kinh phí 993 triệu đồng. Kết quả đã nạo vét lòng mương rộng 4m, dài 3,4km. Tuy nhiên, sau khi nạo vét, tình trạng ngập vẫn xảy ra. Nguyên nhân do khu vực ấp Ruộng 3 có địa thế trũng giống lòng chảo, việc thoát nước rất chậm. Đặc biệt, từ tháng 6 đến nay, lượng mưa nhiều nên nước từ các nơi đổ về càng khiến tình trạng ngập nặng hơn.

Cũng theo ông Toàn, mới đây, Bí thư Thị ủy Chơn Thành đã trực tiếp xuống hiện trường thăm những hộ trồng ổi và kiểm tra thực trạng ngập úng. Chủ tịch UBND thị xã cũng đã ban hành công văn chỉ đạo các xã, phường chủ động triển khai các phương án phòng, chống thiên tai, ngập úng. Ngày 12-7-2024, UBND xã tiếp tục làm tờ trình gửi UBND thị xã Chơn Thành và Phòng Kinh tế thị xã đề nghị xem xét bổ sung kinh phí nạo vét mương tại ấp Ruộng 3. Mục tiêu nạo vét, dọn dẹp cây dại hai bên bờ mương nhằm khơi thông dòng chảy. Trong đó, chiều dài mương cần nạo vét khoảng 1.500m, rộng khoảng 4m, có mái taluy, đắp bờ đường. Bên cạnh đó còn thiết kế cống thoát nước rộng khoảng 5m. Tổng mức đầu tư 200 triệu đồng. Hy vọng, sau khi triển khai nạo vét sẽ khắc phục, hạn chế tình trạng ngập úng tại đây.

Quang Minh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/160555/nuoc-ngap-nguoi-trong-oi-gap-kho