Nước nổi không về, ghe xuồng Long Hậu mắc cạn
Khoảng 4-5 năm trở lại đây, mùa nước nổi thất thường, thậm chí có năm khô hạn khiến nghề đóng ghe, xuồng gặp khó, nhiều người buộc phải bỏ nghề.
Cứ mỗi mùa nước về, làng đóng xuồng, ghe Long Hậu (Đồng Tháp) lại rộn vang những tiếng búa, máy cưa, máy bào... phát ra từ những trại đóng ghe, xuồng nằm san sát hai bên bờ rạch. Từng nhóm thợ tất bật làm việc để cho ra đời những chiếc xuồng, ghe phục vụ người dân vào mùa lũ. Từ những đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ, tinh tế và cần cù của những người thợ giỏi nghề đã đóng ra nhiều loại ghe, xuồng như xuồng Cần Thơ, xuồng ba lá, xuồng cui, các loại ghe chài, ghe tam bản được khách hàng khắp nơi vùng Tây Nam bộ ưa chuộng.
Bỏ nghề vì khô hạn
Gia đình bà Nguyễn Ngọc Mới đã bốn đời gắn bó với nghề đóng xuồng, ghe tại xã Long Hậu. Hằng năm cứ đến tháng 4 âm lịch, xưởng đóng ghe, xuồng của gia đình bà có đến hơn 10 tay thợ lành nghề, tấp nập sản xuất từ 300 đến 400 chiếc xuồng phục vụ cho việc đánh bắt cá các tỉnh như Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau,… Tuy nhiên, khoảng 4-5 năm trở lại đây, mùa nước nổi thất thường và nước về không nhiều nữa, thậm chí có năm khô hạn, do đó rất ít người đặt hàng ghe xuồng, đã làm cho nhiều người buộc phải bỏ nghề.
Đi dọc đường làng, không ít xưởng đã treo biển bán máy cưa gỗ đóng ghe, xuồng, nhiều chiếc xuồng chưa kịp hoàn thiện đã bị úp xuống bỏ không vì không có người đặt mua... Tiếng búa, máy cưa,… không còn âm vang như trước.
“Nay đã là tháng 7 âm lịch rồi, cơ sở của tôi mới đóng được khoảng 50 chiếc cho khách đặt hàng ở Bến Tre chứ ở đây bán không ai mua. Mấy năm trước thì bán cho An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang..., còn như bây giờ chỉ còn Bến Tre là có người mua. Nếu tình trạng này kéo dài, chắc gia đình phải chuyển sang đóng những sản phẩm khác” - bà Nguyễn Ngọc Mới ngậm ngùi chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Văn Minh (61 tuổi) là thợ đóng ghe, xuồng đã hơn 40 năm, mỗi ngày ông có thể đóng hai chiếc xuồng loại nhỏ, còn xuồng trung bình làm ba chiếc mất hai ngày. Tiền công mỗi chiếc khoảng 200.000 đồng. Để trở thành người thợ giỏi phải rèn luyện, học hỏi và thành thạo trong việc chọn lựa gỗ, bỏ mực, uốn be, cưa, rọc, bào… Phụ nữ làm việc nhẹ, nhỏ nhặt như cơm nước, trét chai, lấp vò; còn trẻ em vào ngày hè thì phụ nhổ đinh, gom dăm bào, mạt cưa, củi vụn, vỏ cây…, bán cho khách hàng mua về làm nhang, nhóm lửa, chất đốt.
Nỗi lo làng nghề bị thất truyền
Là người cả đời gắn bó với nghề đóng ghe, xuồng, ông Minh không khỏi trăn trở với tình hình sản xuất không có người mua như hiện nay, nhiều thanh niên của làng đã bỏ đi nơi khác kiếm việc. “Nếu cứ như thế này, thợ đi hết, rồi cái nghề cha ông cũng bị mai một dần” - ông Minh lo lắng.
Hiện nay, mong muốn lớn nhất của những người trong làng nghề là làm sao để duy trì và giữ gìn nghề cha ông truyền lại. Theo họ, nghề đóng ghe, xuồng không khó mà chỉ cần siêng năng, sáng dạ là mau lành nghề.
Di sản văn hóa quốc gia
Làng nghề đóng ghe, xuồng đã hình thành hơn 100 năm tại xóm rạch Bà Đài, ấp Long Hòa, xã Long Hậu, huyện Lai Vung, Đồng Tháp. Vào năm 2014, làng nghề được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Ghe, xuồng xã Long Hậu ngày nay không chỉ phục vụ sinh hoạt mà nó đã trở thành những tác phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo, đẹp mắt và tinh xảo, được nhiều khách du lịch trong và ngoài nước ưa chuộng khi đến với Đồng Tháp.
“Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn xã, số hộ sản xuất xuồng, ghe đã giảm khoảng 90%, giờ chỉ còn vài hộ vẫn còn duy trì nghề đóng ghe, xuồng vì đây không chỉ là nghề mưu sinh mà còn là nghề của dòng họ truyền qua bao thế hệ” - bà Trần Thị Cẩm Vân, Phó Chủ tịch UBND xã Long Hậu, cho hay.
Để góp phần duy trì và phát triển làng nghề đóng ghe, xuồng Long Hậu rất cần sự quan tâm, hỗ trợ và định hướng từ chính quyền địa phương các cấp. Đồng thời, du lịch Đồng Tháp cần tiếp tục xúc tiến quảng bá hình ảnh du lịch và tạo ra các sản phẩm du lịch phù hợp với làng nghề để ngày càng thu hút được nhiều khách hàng tìm đến làng nghề đóng xuồng, ghe xã Long Hậu.
Địa phương hỗ trợ hết mức
Nhằm duy trì và phát triển làng nghề, UBND xã có chính sách hỗ trợ vốn cho những hộ sản xuất khi có nhu cầu vay vốn. Đồng thời, xã cũng khuyến khích những hộ sản xuất tham gia tổ liên kết đóng xuồng, ghe mỹ nghệ. Bên cạnh đó, chính quyền tạo điều kiện, giới thiệu khách hàng và tìm đầu ra cho sản phẩm.
Bà TRẦN THỊ CẨM VÂN, Phó Chủ tịch UBND xã Long Hậu
Nguồn PLO: https://plo.vn/xa-hoi/nuoc-noi-khong-ve-ghe-xuong-long-hau-mac-can-853588.html