'Nước non vạn dặm': Bộ tiểu thuyết đồ sộ về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ
Bộ tiểu thuyết 5 tập do nhà văn Nguyễn Thế Kỷ sáng tác thành công trong việc xây dựng chân dung một con người đã làm nên một con đường và một lịch sử của dân tộc.

Phó Giáo sư-Tiến sỹ-nhà văn Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ về tác phẩm. (Ảnh: Hoàng Hoàng/Vietnam+)
Ngày 17/5, tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Hội đồng Lý luận Trung ương, Nhà xuất bản Văn học và Công ty cổ phần Truyền thông và Văn hóa Liên Việt ra mắt bộ tiểu thuyết “Nước non vạn dặm” gồm 5 tập của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ.
Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường đã gửi lẵng hoa chúc mừng.
Sau nhiều năm nung nấu, kiên trì tích lũy tư liệu, sử liệu và thực hiện các chuyến đi nghiên cứu ở trong và ngoài nước; tiến hành các thao tác tích hợp, phân tích, so sánh, đối chiếu các tư liệu đã có, năm 2022, Phó Giáo sư-Tiến sỹ-nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã cấu trúc đề cương và bắt tay viết song song bộ tiểu thuyết “Nước non vạn dặm” và kịch bản sân khấu cùng tên.
Bộ tiểu thuyết “Nước non vạn dặm” gồm 5 tập lần lượt ra mắt bạn đọc trong 4 năm: “Nợ nước non” năm 2022; “Lênh đênh bốn biển” năm 2023; “Từ Việt Bắc về Hà Nội” đầu năm 2024, “Đường lên Điện Biên” cuối năm 2024 và “Việt Nam-Hồ Chí Minh” năm 2025.

Bộ tiểu thuyết “Nước non vạn dặm” gồm 5 tập. (Ảnh: NXB)
Trong đó, tập 1 “Nợ nước non” đã được dựng thành vở kịch hát cùng tên, ra mắt đông đảo công chúng ở nhiều tỉnh, thành phố, cơ quan, đơn vị trong cả nước.
Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ đây là bộ tiểu thuyết ông ấp ủ, chuẩn bị và thực hiện trong 20 năm, bằng sự nghiên cứu lịch sử, chính trị, văn hóa… công phu, nghiêm túc; bằng sự trải nghiệm, tích lũy vốn sống nhiều năm ở quê hương Nghệ An và nhiều vùng đất trong, ngoài nước và trên tất cả là niềm yêu kính vô bờ với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đồng hành cùng nhà văn Nguyễn Thế Kỷ trong quá trình thực hiện tác phẩm, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận định đây là một bộ tiểu thuyết lớn về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bộ tiểu thuyết đã thành công trong việc xây dựng chân dung một con người đã làm nên một con đường và một lịch sử của dân tộc.
Bằng thể loại văn xuôi có hư cấu, tác giả đã xây dựng trong “Nước non vạn dặm” hình tượng nhân vật, bối cảnh lịch sử-xã hội quanh nhân vật chính Nguyễn Sinh Cung-Nguyễn Tất Thành-Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh chân thực, sống động, giản dị, có chiều sâu nhân văn và lôi cuốn người đọc. Qua đó phản ánh bức tranh xã hội rộng lớn của Việt Nam và thế giới.

Buổi ra mắt sách có sự tham dự của nhiều chuyên gia nghiên cứu, văn nghệ sỹ. (Ảnh: Hoàng Hoàng/Vietnam+)
5 tập tiểu thuyết đưa người đọc được sống cùng nhân vật chính Nguyễn Sinh Cung trên quê hương Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX; cùng Nguyễn Tất Thành-Nguyễn Văn Ba “Lênh đênh bốn biển” tìm con đường cứu nước; theo Người trở về Tổ quốc, “Từ Việt Bắc về Hà Nội” làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945; rồi “Đường lên Điện Biên” đi qua 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, làm nên chiến thắng vang dội Điện Biên Phủ và sau đó là kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước. Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người còn mãi với non sông. Dòng tên “Việt Nam-Hồ Chí Minh” sáng mãi, vang mãi cùng non sông đất nước và thế giới.
Tiến sỹ Bùi Thế Đức, Phó Trưởng Tiểu ban lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật (Hội đồng Lý luận Trung ương) đánh giá bộ tiểu thuyết lịch sử “Nước non vạn dặm” của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ được công bố trọn bộ là một sự kiện đặc biệt để dâng lên Bác vào đúng dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Người. Đây là bộ tiểu thuyết có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật trong dòng chảy của nền văn học, nghệ thuật nước nhà.
Theo Tiến sỹ Bùi Thế Đức, không giống các nhà văn khác thường chỉ chọn những “lát cắt” của lịch sử để khắc họa hình tượng Hồ Chí Minh ở những thời gian nhất định, tác giả Nguyễn Thế Kỷ đã tái hiện cả cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Bác thông qua ngôn ngữ văn học.
Bộ tiểu thuyết cũng góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta vào thời điểm chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng - đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc phát triển giàu mạnh, văn minh và thịnh vượng./.