Nước Pháp đối diện khó khăn kép

Nước Pháp bước vào giai đoạn khó khăn khi vừa phải đối phó với khả năng xảy ra nhiều đợt lây lan khác của dịch bệnh Covid-19 do điều kiện thời tiết lạnh, trong khi đó, nợ công được dự báo có thể lên tới 119,8% GDP.

Pháp hiện là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở khu vực Liên hiệp châu Âu (EU) bởi làn sóng thứ hai của dịch bệnh. Theo báo cáo công bố ngày 1/11, các chuyên gia về y tế và vi rút của Pháp cho rằng tình hình trong những tháng tới sẽ "cực kỳ khó khăn". Lý do là vì sự lây lan của dịch bệnh rất khó lường, nhất là trong điều kiện thời tiết của mùa đông, và lệnh phong tỏa đợt hai không nghiêm ngặt như đợt đầu năm. Một số chuyên gia y tế còn lo ngại rằng thời gian phong tỏa trong một tháng chưa đủ để kiềm chế dịch.

 Nợ công của nước Pháp được dự báo có thể lên tới 119,8% GDP

Nợ công của nước Pháp được dự báo có thể lên tới 119,8% GDP

Nhằm chuẩn bị các biện pháp ứng phó kịp thời để tránh tình trạng "bị động và khó kiểm soát" như vừa qua, Hội đồng khoa học Pháp đề xuất hai phương án: Tăng cường giới nghiêm hoặc phong tỏa toàn quốc. Theo đó, thời gian giới nghiêm có thể kéo dài từ 6 giờ chiều tới 6 giờ sáng hôm sau thay vì từ 9 giờ tối như trong tháng 10 để hạn chế tối đa tiếp xúc xã hội. Đối với biện pháp phong tỏa, thời gian cũng chỉ cần kéo dài một tháng và sau đó dỡ bỏ dần từng biện pháp hạn chế tùy theo diễn biến của bệnh dịch. Việc duy trì hay nới lỏng hạn chế sẽ được căn cứ vào số ca nhiễm cũng như số bệnh nhân tăng hay giảm mỗi ngày.

Theo dự báo của Viện Pasteur thì dịch bệnh có thể đạt đỉnh vào giữa tháng 11. Với các biện pháp ngăn chặn hiện nay khác nhiều so với đợt trước, các chuyên gia dịch tễ cho rằng Pháp chỉ có thể vượt qua làn sóng lây nhiễm thứ hai vào cuối năm hoặc đầu năm 2021. Một số đợt lây lan mạnh có thể xảy ra vào những tháng mùa đông và mùa xuân tới, từ tháng 12 đến tháng 5. Do vậy, nguy cơ tái bùng phát của dịch phụ thuộc vào điều kiện thời tiết và hiệu quả của các biện pháp hạn chế cũng như chiến lược "xét nghiệm, truy tìm những trường hợp tiếp xúc ca bệnh và cách ly".

Về lĩnh vực kinh tế, Bộ trưởng Ngân khố Pháp Olivier Dussopt dự báo mức thâm hụt công của Pháp có thể lên tới 248 tỷ euro trong năm 2020. Theo ông Olivier Dussopt, một tháng phong tỏa mất 10 tỷ euro cho các biện pháp can thiệt chống dịch và hỗ trợ hoạt động kinh tế, tương đương 2,5% GDP. Từ tháng 3, thất thu thuế đã ở mức 70 tỷ euro và thêm khoảng 10 tỷ euro trong đợt bùng phát thứ hai của dịch bệnh.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do tác động tiêu cực từ biện pháp phong tỏa. Kể từ lúc dịch bùng phát hồi đầu năm cho tới nay, Chính phủ Pháp đã phải thực hiện các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp để bảo vệ nền kinh tế bị tác động nghiêm trọng bởi dịch bệnh. Khoảng 470 tỷ euro đã được chi cho cuộc khủng hoảng sức khỏe trong tời gian vừa qua và thêm 20 tỷ để tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế, chủ yếu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong đợt này.

Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp trong khi đó sức tiêu dùng ngày càng giảm tại Pháp do tất cả cửa hàng bán hàng tiêu dùng không thiết yếu bị đóng cửa. Trước tình hình đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tiếp tục hạ mức tăng trưởng của Pháp trong năm 2021 từ hơn 6% được dự báo vào giữa tháng 10 xuống còn 5-6%. Để giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động và không bị phá sản hàng loạt, Chính phủ Pháp tiếp tục cam kết không tăng thuế để bù đắp nợ công.

Hoài Anh (t.h)

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/theo-dong-thoi-su/nuoc-phap-doi-dien-kho-khan-kep-82990.html