Nghệ An có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp hỗ trợ

Năm 2025, Sở Công Thương Nghệ An xác định, một trong những ưu tiên trọng tâm trong Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh là hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Nghệ An có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp, trong đó có công nghiệp hỗ trợ.

Nghệ An có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp, trong đó có công nghiệp hỗ trợ.

Nhiều tiềm năng phát triển

Nằm trên tuyến giao thông Bắc - Nam và đường xuyên Á Đông - Tây, cách Hà Nội về phía Bắc 300km và cách biên giới Việt Lào khoảng 100km, có hệ thống giao thông thuận lợi, Nghệ An có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp, trong đó có công nghiệp hỗ trợ.

Bên cạnh đó, chất lượng hạ tầng công nghiệp trên địa bàn ngày càng được cải thiện. Tỉnh có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp với quỹ đất lớn, thuận lợi trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Năm 2023, tỉnh đã thu hút được hơn 1,6 tỷ USD vốn FDI, tăng 66,8% so với năm 2022 và xếp vị trí thứ 8 cả nước.

Ngoài ra, tỉnh có dân số đông thứ 4 cả nước, tạo nguồn nhân lực dồi dào. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 6 trường đại học, 9 trường cao đẳng 13 trường trung cấp nghề, đây là cơ sở quan trọng để đào tạo lực lượng lao động chất lượng cao cho ngành công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng.

Thời gian qua, xác định công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp, qua đó giúp tăng giá trị xuất khẩu, tăng tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm công nghiệp, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, tỉnh Nghệ An đã rất quan tâm phát triển ngành công nghiệp này.

Tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đã xác định phát triển công nghiệp hỗ trợ là mục tiêu và nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế. Nghị quyết được cụ thể hóa bằng các chương trình, đề án, cơ chế chính sách cụ thể như: Quyết định 4109/QĐ-UBND ngày 22/12/2022 về ban hành Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 41/2022/QĐ-UBND ngày 22/8/2022 về việc ban hành quy chế quản lý kinh phí phát triển công nghiệp hỗ trợ và quy định mức chi cụ thể các hoạt động phát triển hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Nghệ An...

Nhờ sự quan tâm của chính quyền và phát huy được các tiềm năng, lợi thế, công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã phát triển nhanh, thu hút được một số dự án FDI quy mô lớn, như Luxshare-ICT (140 triệu USD), Goeterk (500 triệu USD), Juteng (200 triệu USD)… ; qua đó đặt nền tảng để phát triển và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa một số lĩnh vực như điện tử, công nghệ thông tin, may mặc, cơ khí, góp phần phát triển công nghiệp của tỉnh theo hướng ngày càng bền vững.

Đóng góp của công nghiệp hỗ trợ vào giá trị sản xuất công nghiệp ngày càng cao. Giá trị sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đạt khoảng 7.600 tỷ đồng, chiếm 9,5% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Tỉnh cũng đã bước đầu hình thành sự liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp trong nước và FDI, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nội từng bước tiếp cận công nghệ tiên tiến và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đơn cử, Nhà máy cơ khí Hải Đức sản xuất một số ốc vít cho Tập đoàn Formusa, Công ty TNHH Alivator Strongs cung cấp linh kiện thang máy cho Tập đoàn Hàn Quốc…

Mặc dù vậy, phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Số các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nội địa còn ít, đa số quy mô nhỏ lẻ và chưa phát triển. Trình độ công nghệ và năng lực về vốn, năng lực cạnh tranh của sản phẩm còn thấp, phạm vi thị trường rất hạn chế. Nguồn nhân lực tuy đông nhưng trình độ qua đào tạo còn thấp, các ngành sử dụng nhiều lao động cần phát triển công nghiệp hỗ trợ như dệt may, công nghiệp điện tử chủ yếu là lao động phổ thông…

Phấn đấu tốc độ tăng trưởng 10 - 12%/năm

Theo Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Nghệ An xác định mục tiêu đến 2025, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp hỗ trợ (GO) bình quân hàng năm đạt 12 – 13%, chiếm trên 20% giá trị sản xuất công nghiệp và dần tăng tỷ trọng vào các năm tiếp theo; phấn đấu đưa số lượng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nội địa chiếm 10 – 12% tổng số doanh nghiệp toàn ngành công nghiệp, có từ 20 – 30 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh có thể tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng của các tập đoàn. Đến năm 2030, nâng tỷ lệ nội địa hóa các ngành điện tử, cơ khí lắp ráp, năng lượng đạt từ 30 – 35%, dệt may đạt trên 45%...

Để cụ thể hóa các mục tiêu trên, tỉnh Nghệ An xác định một số giải pháp chủ yếu, như xây dựng và ban hành danh mục các dự án công nghiệp hỗ trợ trọng điểm ưu tiên thu hút đầu tư; hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu công nghiệp hỗ trợ, các ngành công nghiệp chế biến chế tạo ưu tiên phát triển; tích cực triển khai chương trình xúc tiến đầu tư ra nước ngoài vào một số ngành công nghiệp mũi nhọn, nhất là các dự án sản xuất và lắp ráp thiết bị hoàn chỉnh của các tập đoàn đa quốc gia (công nghiệp điện tử, sản xuất máy móc công nghiệp và máy nông nghiệp, công nghiệp dệt may, công nghiệp công nghệ cao…).

Bên cạnh đó, tỉnh tạo môi trường đầu tư sản xuất, kinh doanh thuận lợi để doanh nghiệp phát triển, thông qua đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật công nghiệp đồng bộ, hoàn thiện hệ thống hạ tầng logistics…; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đầu tư mua sắm thiết bị, đổi mới công nghệ, mở rộng thị trường, xây dựng và phát triển thương hiệu…

Theo Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2025, Sở Công Thương xác định sẽ tập trung hỗ trợ kết nối doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước; xúc tiến thu hút đầu từ nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Tỉnh cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất; hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Song song với đó, tỉnh sẽ hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu; xây dựng cơ sở dữ liệu ngành công nghiệp hỗ trợ, công tác truyền thông, phổ biến, cung cấp thông tin về thị trường, sản phẩm và hoạt động công nghiệp hỗ trợ.

Lan Oanh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/nghe-an-co-nhieu-tiem-nang-loi-the-phat-trien-cong-nghiep-ho-tro-378700.html