Nước Pháp vẫn chìm trong nỗi lo khủng bố
Theo thống kê của Trung tâm Phân tích Khủng bố, nước Pháp đã phải hứng chịu 14 vụ tấn công từ năm 2013 đến năm 2019.
Ngày 13/11/2015, những phần tử Hồi giáo cực đoan, gồm đánh bom liều chết và các tay súng, đã đồng loạt tiến hành các vụ tấn công ở thủ đô Paris của Pháp, cướp đi sinh mạng của 130 người. Đây được coi là các vụ tấn công đẫm máu nhất trong lịch sử hiện đại của nước Pháp.
5 năm sau đó, Thủ tướng nước này Jean Castex đã tưởng niệm các nạn nhân trong bối cảnh nước Pháp một lần nữa phải đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ sau làn sóng bạo lực mới.
Thủ tướng Castex đã đặt vòng hoa tại các địa điểm xảy ra tấn công khủng bố ở thủ đô Paris vào tối 13/11/2015. Đầu tiên là bên ngoài sân vận động Stade de France - nơi các phần tử khủng bố bắt đầu các vụ tấn công phối hợp nhằm vào một trận bóng đá có sự tham dự của Tổng thống khi đó là Francois Hollande. Tiếp đó, là các quán cà phê, nhà hàng và rạp hát Bataclan - mục tiêu sau đó của các phần tử khủng bố.
Hiện nước Pháp đang được đặt trong tình trạng báo động an ninh ở mức cao nhất kể từ tháng 9 vừa qua, sau vụ tấn công bằng dao bên ngoài tòa soạn cũ của tờ Charlie Hebdo, một giáo viên dạy lịch sử bị sát hại sau khi đã cho các học sinh xem tranh biếm họa về nhà tiên tri Mohammed của người Hồi giáo và tấn công bằng dao đã xảy ra tại nhà thờ Notre-Dame ở thành phố Nice.
Sau khi xảy ra vụ tấn công ở Nice, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin khẳng định nước này đang trong một cuộc chiến chống lại một kẻ thù ở cả bên trong và bên ngoài. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cam kết đất nước sẽ đứng vững trước các vụ tấn công nhằm vào giá trị và tự do tín ngưỡng của Pháp. Phát biểu trên đã kéo theo nhiều cuộc biểu tình chống Pháp tại nhiều nước Hồi giáo.
Theo thống kê của Trung tâm Phân tích Khủng bố, nước Pháp đã phải hứng chịu 14 vụ tấn công từ năm 2013 đến năm 2019. Nhiều vụ tấn công bất thành hoặc bị ngăn chặn.
Nhiều chuyên gia an ninh cho rằng trong khi nguy cơ an ninh đối với nước Pháp vẫn chưa hề suy giảm, bản chất của các mối đe dọa đã thay đổi. Hiện các mối đe dọa này không còn chủ yếu đến từ các tổ chức khủng bố nước ngoài hoặc các tay súng trong nước được tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng huấn luyện, mà đã chuyển sang các phần tử tấn công theo kiểu "sói đơn độc" bị tiêm nhiễm các tư tưởng cực đoan của IS, song không được các cơ quan an ninh biết đến.
Một cựu quan chức tình báo cấp cao khẳng định mối đe dọa này ngày càng khó xác định. Trên thực tế, lực lượng an ninh hoàn toàn dễ dàng theo dõi và xâm nhập các mạng lưới có tổ chức, nhưng việc đương đầu với các cá nhân đơn lẻ này đến nay vẫn được coi là nhiệm vụ "bất khả thi".
Đơn cử như đối tượng sát hại thầy giáo Samuel Paty hôm 16/10 là Abdullakh Anzorov, 18 tuổi, người Chechnya thuộc LB Nga. Anzorov đã từng có tiền án song không thuộc 20.000 đối tượng nằm trong danh sách theo dõi an ninh của cảnh sát Pháp. Hung khí của đối tượng cũng chỉ là một con dao khác hẳn với những khẩu súng trường tự động hay áo có cài bom mà các đối tượng đã sử dụng trong các vụ tấn công khủng bố ở Paris 5 năm về trước. Chính vì vậy, cuộc chiến chống khủng bố tại Pháp đầy chông gai phía trước.