'Nước rút' triển khai lộ trình tắt sóng 2G

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), thời gian qua, Sở TT&TT tỉnh đã phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông trên địa bàn tỉnh triển khai lộ trình tắt sóng thông tin di động thế hệ thứ 2 (2G).

Nhân viên Viettel Lạng Sơn tuyên truyền về lộ trình tắt sóng 2G tại xã Quan Sơn, huyện Chi Lăng

Nhân viên Viettel Lạng Sơn tuyên truyền về lộ trình tắt sóng 2G tại xã Quan Sơn, huyện Chi Lăng

Ngày 31/12/2020, Bộ TT&TT ban hành Thông tư 43/2020/TT-BTTTT về “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất – phần truy nhập vô tuyến”, quy định tất cả điện thoại di động được sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu vào Việt Nam từ tháng 7/2021 phải tích hợp công nghệ 4G. Bên cạnh đó, ngày 27/9/2022, Bộ TT&TT ban hành Văn bản số 4833/BTTTT-CVT về việc định hướng triển khai lộ trình, kế hoạch dừng công nghệ di động 2G. Mục tiêu lộ trình đề ra là đến cuối năm 2023 chỉ còn dưới 5% thuê bao 2G và tiến tới tắt hoàn toàn mạng 2G vào cuối năm 2024.

Được biết, công nghệ 2G đã được phát triển từ năm 1993 và đã lạc hậu, không còn đáp ứng các nhu cầu, dịch vụ hiện nay cũng như ảnh hưởng đến công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Do đó, việc tắt sóng 2G là tất yếu.

Đối với địa bàn tỉnh, từ năm 2022, Sở TT&TT đã đưa ra kế hoạch để thực hiện lộ trình tắt sóng 2G khi Bộ TT&TT chưa đưa ra mốc thời điểm chính thức tắt sóng. Theo đó, sở đã ban hành các văn bản như: Kế hoạch 615/KH-STTTT ngày 4/4/2022 về việc phát triển hạ tầng số trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 727/KH-STTTT ngày 15/4/2022 thí điểm tắt sóng 2G tại khu vực thành phố, thị trấn. Trong đó, sở đã đề nghị các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ 2G trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai các giải pháp tắt sóng 2G. Cùng với đó, yêu cầu các doanh nghiệp không phát triển trạm 2G. Trong các văn bản chấp thuận cho doanh nghiệp phát triển trạm BTS, sở chỉ cho phép lắp đặt thiết bị 3G, 4G. Trong đó, đặc biệt là đối với Viettel Lạng Sơn và VNPT Lạng sơn. Đây là 2 doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất trên địa bàn tỉnh về dịch vụ viễn thông (trên 90%).

Đối với Viettel Lạng Sơn, hiện đơn vị còn khoảng 75.000 thuê bao 2G Only (chỉ sử dụng mạng 2G) đang hoạt động, chiếm khoảng 13% trên tổng số thuê bao của đơn vị. Hiện đơn vị có trên 600 vị trí phát sóng 2G và 4G trên toàn tỉnh. Từ đầu năm 2023 đến nay, trung bình mỗi tháng đơn vị chỉ chuyển đổi được gần 2.000 thuê bao 2G. Do đó, để đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi, đơn vị đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Ông Bùi Đình Khoa, Giám đốc Viettel Lạng Sơn cho biết: Hiện tại, đơn vị đã tắt sóng 2G tại khoảng 200 vị trí. Đồng thời đang cung cấp các thiết bị thay thế và triển khai chính sách trợ giá lên đến 70% cho người dân có nhu cầu chuyển đổi từ thiết bị 2G Only sang các thiết bị sử dụng tần số của sóng 4G. Bên cạnh đó, đơn vị đang tập trung rà soát, tính toán bổ sung các vị trí cần lắp đặt thêm trạm phát sóng 4G và sẽ triển khai vào cuối năm 2023.

Hiện nay, Viettel Lạng Sơn đã gửi văn bản đến UBND các huyện, thành phố để xây dựng kế hoạch tuyên truyền đến người dân, vận động người dân chuyển đổi, thay thế các thiết bị 2G để không bị gián đoạn về liên lạc trong quá trình thực hiện lộ trình tắt sóng 2G.

Còn đối với VNPT Lạng Sơn, đơn vị đang có gần 500 trạm thu phát sóng tự động trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, có khoảng 300 trạm phát sóng 2G. Việc triển khai lộ trình tắt sóng 2G đã được đơn vị thực hiện từ năm 2021 đến nay. Đến hiện tại, VNPT Lạng Sơn đã thực hiện tắt sóng 2G tại 53 trạm. Theo lộ trình, còn khoảng 250 trạm sẽ được đơn vị thực hiện tắt sóng 2G kể từ nay đến cuối năm 2024.

Ông Nguyễn Văn Luận, Phó Trưởng Phòng Kỹ thuật – Đầu tư, VNPT Lạng Sơn cho biết: Việc triển khai lộ trình tắt sóng 2G khiến vùng phủ sóng bị giảm, do đó trước khi thực hiện tắt 2G đơn vị đã chủ động liên hệ với các thuê bao đang sử dụng sim và máy 2G để thực hiện đổi sim 4G và vận động khách hàng đổi máy điện thoại 4G. Tuy nhiên, chi phí thực hiện đổi máy cho khách hàng còn hạn hẹp. Do vậy, trong việc thực hiện lộ trình tắt sóng 2G, đơn vị chủ yếu tập trung đầu tư triển khai các cơ sở hạ tầng 3G, 4G phục vụ phủ sóng các vị trí sóng kém và các thôn, bản trắng sóng.

Cùng với 2 đơn vị trên, hiện toàn tỉnh còn khoảng 100.000 thuê bao 2G đang hoạt động. Sở TT&TT đã đề nghị toàn bộ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ 2G khác trên địa bàn tỉnh tập trung triển khai lộ trình tắt sóng 2G. Các đơn vị còn lại có thị phần nhỏ, số lượng thuê bao là tương đối ít nên nhìn chung, tiến độ triển khai vào cuối năm 2023 sẽ đạt yêu cầu đề ra.

Ngoài giải pháp từ các doanh nghiệp viễn thông, từ cuối tháng 9/2023, Sở TT&TT đã phối hợp với các lực lượng chức năng khác chủ động rà soát, kiểm tra các hệ thống bán hàng, cửa hàng, siêu thị kinh doanh thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất. Từ đó, đảm bảo các cơ sở chấp hành đúng quy định theo Thông tư 43/2020/TT-BTTTT của Bộ TT&TT ban hành. Kết quả, đến nay, đơn vị đã tiến hành kiểm tra tại 8 cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố Lạng Sơn.

Qua kiểm tra, nhìn chung các thiết bị đang được kinh doanh tại các cơ sở đảm bảo về chất lượng, quy chuẩn theo quy định. Ngoài ra, từ nay đến hết ngày 15/11/2023, Sở TT&TT và các lực lượng chức năng sẽ tiếp tục phối hợp kiểm tra tại một số huyện khác (dự kiến mỗi huyện 3 cơ sở). Qua đó, kịp thời xử lý các cơ sở vi phạm.

Bà Trình Thị Nga, Trưởng Phòng Hạ tầng số, Sở TT&TT cho biết: Hiện nay, số thuê bao 2G trên địa bàn tỉnh còn rất lớn. Do đó, để đẩy nhanh lộ trình tắt sóng 2G, phòng sẽ tiếp tục tham mưu lãnh đạo sở triển khai kế hoạch phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, các doanh nghiệp viễn thông tuyên truyền về chủ trương của Chính phủ và lộ trình của Bộ TT&TT dự kiến tắt sóng 2G trên cả nước vào tháng 9/2024. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông hướng dẫn, giải đáp thắc mắc cho người dân. Nhất là đối với những thuê bao 2G trong khu vực tắt sóng, doanh nghiệp sẽ gửi tin nhắn thông báo, nhân viên tổng đài trực tiếp liên hệ với từng chủ thuê bao để tư vấn, hướng dẫn người dân chuyển đổi thiết bị trước thời điểm tắt sóng.

GIA KHÁNH

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/van-de-hom-nay/616202-nuoc-rut-trien-khai-lo-trinh-tat-song-2g.html