Nước sạch là thứ xa xỉ ở Gaza
Nước uống an toàn ngày càng khó kiếm ở Gaza và là nỗi lo thường trực của những người không đủ tiền mua.
Tại một tòa nhà ở Deir al-Balah - miền trung Gaza, 60 phụ nữ sống trong tòa nhà quyết định cắt tóc ngắn để tiết kiệm nước gội đầu. Những người khác ở miền nam cho biết, họ đang phải kéo dài thời gian giữa những cơn mưa rào hoặc những lần xả nước trong nhà vệ sinh. Mọi người đều biết chính xác lượng nước họ có và lượng nước họ có thể dự trữ. Trên hết, họ biết rằng, nước - đặc biệt là nước an toàn để uống, không có mùi vị khó chịu - đã trở nên quý giá.
Cô Maha Hussaini - nhà báo và nhà hoạt động nhân đạo đang tìm nơi ẩn náu ở Deir al-Balah – chia sẻ với The Guardian: “Chúng tôi phải phân chia nguồn cung cấp nước cho bản thân và thậm chí cho cả vật nuôi trong ngày. Không biết từ khi nào, nước uống sạch trở thành thứ xa xỉ”.
Hussaini cho biết, cô và gia đình mua càng nhiều nước đóng chai càng tốt, nhưng ngay cả điều này cũng trở nên khó khăn khi giá cả tăng mạnh. “Chúng tôi hiện không có nước máy. Để được tắm nước nóng, chúng tôi thường phơi chai nước dưới nắng vì gas cũng khan hiếm”.
Tại Khan Younis, phía Nam Gaza, anh Mohammed Ghalayini cho biết, giá nước đóng chai biến động theo nguồn cung viện trợ. Khi nguồn cung khan hiếm, một chai nước 1,5 lít có thể cao hơn gấp đôi giá tiêu chuẩn 0,54 USD. “Rất khó tìm được một thùng nước để mua dù có tiền” – anh Ghalayini nói.
Các quan chức Israel - những người giám sát việc cung cấp nước máy cho Gaza -đã cắt phần lớn lượng nước cung cấp cho khu vực này từ giữa tháng 10 sau cuộc tấn công của Hamas vào miền nam Israel khiến 1.200 người thiệt mạng.
Hai tháng kể từ đó, miền bắc Gaza không có nước, trong khi phần lớn trong số 2,3 triệu dân của lãnh thổ di dời về phía nam và phải xếp hàng hàng giờ để lấy nước tại các nhà máy khử muối của thành phố.
Trong thời gian ngừng bắn tạm thời vào tuần trước, nhiều người trên khắp Gaza cố gắng tích trữ càng nhiều nước càng tốt trong bất kỳ thùng chứa nào họ có thể tìm thấy, từ thùng nhựa lớn đến hộp nhỏ. Nhưng theo các nhà báo và các nhóm viện trợ, việc này trở nên không thể khi giao tranh tiếp tục. Hàng nghìn người chạy về phía nam Gaza khiến nguồn cung cấp nước sạch hạn chế trước đây giờ có nguy cơ cạn kiệt hoàn toàn.
Những hạn chế mới về cung cấp viện trợ đồng nghĩa với việc sẽ có ít nước đóng chai hơn. Nguồn cung nhiên liệu chạy máy bơm tại các nhà máy khử muối và xe tải phân phối nước phục vụ hàng triệu người ở Gaza cũng bị giảm.
Ông Phillippe Lazzarini - đứng đầu cơ quan Liên hợp quốc về người tị nạn Palestine (UNWRA) - cho biết: “Việc tiếp cận nguồn nước bị hạn chế vì các cuộc bắn phá ngày càng tăng ở miền nam Gaza đã ngăn cản việc tiếp cận nhà máy khử muối, nơi trước đây cung cấp nước uống cho 350.000 người”.
UNWRA vận hành các trường học, nhà kho và cơ sở hạ tầng khác trên khắp miền nam Gaza, biến chúng thành nơi trú ẩn tạm thời cho khoảng 950.000 người phải di dời. Giếng nước và nhà máy khử muối, các xe tải chở nước khử muối, tất cả đều cần nhiên liệu để hoạt động,
“Khi chúng tôi hết nhiên liệu, mức thấp nhất có thể cung cấp là 4 lít nước cho mỗi người mỗi ngày - mặc dù tiêu chuẩn quốc tế là 15-20 lít” – anh Ghalayini cho biết.
Đối với nhiều người, giá cả tăng cao đang khiến nước trở thành mặt hàng xa xỉ. Anh Ghalayini ước tính, để đáp ứng nhu cầu của đại gia đình với 24 thành viên, anh cần chi ít nhất hơn 21 USD/tuần - một mức giá ngoài tầm với của nhiều người.
Ở phía Nam Gaza, tiếng rao của những người bán nước ngọt vang lên báo hiệu rằng nước sạch đã khử muối đang có sẵn trong các thùng chứa. “Có một tuần, cứ vài ngày nước ngọt lại chảy ra từ đường ống và chúng tôi phải tận dụng mọi thùng chứa có thể tìm thấy và đổ đầy. Nhưng hiện tại, đã không có nước máy trong một tuần và không có gì trong các bể chứa trên mái nhà” - anh Ghalayini nói.
Bà Tamara Alrifai - Giám đốc đối ngoại của UNWRA - cho biết, bất kỳ sự sụt giảm nào về nguồn cung cấp nhiên liệu cũng đồng nghĩa với việc dân ở miền Nam và miền trung Gaza sẽ có ít nước hơn. “Vào những ngày hết nhiên liệu và do đó thiếu nước, chúng tôi nhanh chóng chứng kiến sự gia tăng bệnh ngoài da khi mọi người ngừng tắm và cả các bệnh về dạ dày hoặc tiêu hóa khi mọi người uống bất cứ loại nước nào họ có” – bà Alrifai nói.
Việc cắt giảm nguồn cung cấp nhiên liệu và nước cũng có nghĩa là các đô thị ở miền nam Gaza như Rafah và Khan Younis ngập trong nước thải và trở thành mối nguy hiểm lớn cho sức khỏe.
Nữ nhà báo Hussaini không tìm được nước đóng chai và buộc phải thận trọng trữ từng chai nước mà khó khăn lắm mới có được. “Tôi biết nước không hoàn toàn sạch sẽ nhưng chúng tôi không có lựa chọn nào khác. Khi chúng tôi đến đây vài tuần trước, các triệu chứng tiêu chảy, nôn mửa và sốt đã xuất hiện” - cô nói.
“
Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), hơn 1 triệu trẻ em tại Dải Gaza đang sống trong tình trạng thiếu nước sạch. Điều này tiềm ẩn nguy cơ tử vong vì bệnh tật, đặc biệt đối với nhóm trẻ sơ sinh. Hiện nay, nguồn cung nước ở Dải Gaza chỉ bằng 5% so với thời điểm trước cuộc xung đột.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nuoc-sach-la-thu-xa-xi-o-gaza-10268882.html