Nước sạch sông Đà bốc mùi lạ: Vẫn chưa rõ nguyên nhân
Đến ngày hôm nay, 14/10, sau nhiều ngày nước sạch Sông Đà bỗng nhiên bốc mùi lạ, đơn vị cung cấp nước sạch hay Công ty CP đầu tư nước sạch Sông Đà vẫn chưa đưa ra được nguyên nhân rõ ràng.
Chị Hoàng Hương Trà ở khu đô thị Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội bức xúc: “Đến sáng nay, 14/10, nước sinh hoạt của nhà tôi vẫn có mùi rất khó chịu, mùi nồng của Clo, rồi mùi gì như nhựa đốt cháy khét lẹt, ngửi muốn buồn nôn. Từ thứ Bảy vừa rồi (12/10), gia đình đã phải đưa gửi 2 con qua nhà bác, còn hai vợ chồng ở lại thì mua nước lọc về ăn, uống tạm”.
Cũng theo chị Trà, đáng nói đến nay, dù đã nhiều ngày trôi qua, hàng chục nghìn hộ dân sống trong cảnh hoang mang, lo lắng vì nước sạch như vậy nhưng đơn vị cung cấp nước lại không hề có bất kỳ động thái nào khiến người dân càng bức xúc.
“Chúng tôi ký hợp đồng mua nước sạch về ăn uống, sinh hoạt chứ không phải mua nước độc hại. Nếu trong trường hợp chúng tôi bị bệnh tật, độc hại vì nước sinh hoạt ô nhiễm như thế này thì ai sẽ chịu trách nhiệm?”- chị Trà đặt câu hỏi.
Không chỉ các tòa chung cư ở Linh Đàm mà một loạt các địa bàn khác sử dụng nguồn nước từ Sông Đà cũng rơi vào tình trạng tương tự. Chị Trần Ngọc Yến trú tại tòa nhà Hồ Gươm Plaza, Hà Đông cho biết: “Từ ngày thứ Bảy vừa qua, 12/10, gia đình tôi đã phải đi mua nước đóng bình về tắm cho 2 đứa con nhỏ. Cả nhà không dám sử dụng nước máy vì lo ngại chất lượng, đến nay, chưa thấy đơn vị nào đứng ra bày tỏ ý kiến hay khuyến nghị gì tới người dân”.
Cũng bởi nước Sông Đà bỗng nhiên bốc mùi lạ mà hàng chục nghìn hộ dân ở khắp các quận như Hoàng Mai, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm… đã phải “sơ tán” gia đình hoặc mua nước lọc đóng bình về tạm thời sử dụng.
Chị Nguyễn Hoàng Ly ở Kim Giang, Hoàng Mai bức xúc: “Nếu là nước nhiều Clo thì chỉ để một thời gian Clo bay hơi sẽ hết mùi. Nhưng nước nhà tôi xả ra 2 ngày hôm nay rồi mùi vẫn rất khét. Chúng tôi không dám sử dụng nước máy nữa mà phải mua nước lọc về dùng tạm mấy ngày nay rồi. Cư dân xung quanh đều đang rất lo ngại, không biết có độc hại, nguy hiểm gì hay không?”.
Trước đó, đoàn liên ngành TP Hà Nội gồm Sở Xây dựng, Thanh tra Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố và các đơn vị cung cấp nước sạch sông Đà đã đi kiểm tra, lấy mẫu nước tại ba địa điểm: Trạm bơm tăng áp Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm); bể chứa trung gian tại huyện Thạch Thất; và tại Nhà máy nước sông Đà, tỉnh Hòa Bình.
Đại diện đoàn kiểm tra, ông Lê Văn Du – Phó trưởng phòng hạ tầng kỹ thuật đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội), cho biết ngoài việc lấy mẫu nước để kiểm tra, đoàn đã yêu cầu Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà cung cấp toàn bộ nhật ký lịch trình cung cấp nước và quy trình quản lý vận hành cấp nước những ngày vừa qua; trong đó có lịch trình, số lượng các loại hóa chất đã sử dụng.
Cũng theo đại diện Sở Xây dựng, việc kiểm soát chất lượng nước đầu vào ngoài đơn vị sản xuất cung cấp (Công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà) thì đơn vị mua để bán cũng phải kiểm tra để đảm bảo chất lượng sau quá trình vận hành từ nhà máy đến trạm cấp nước.
Tại buổi kiểm tra, ông Vũ Đức Toản - Phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà khẳng định nhà máy nước sạch sông Đà đang vận hành bình thường theo đúng quy trình "đảm bảo chất lượng nước đầu ra theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế".
Theo ông Toản, nhà máy cung cấp 300.000 m3 nước/ngày, đêm cho nhiều quận huyện của Hà Nội. Công ty đang phối hợp với đơn vị độc lập để kiểm tra chất lượng nước. Đoàn kiểm tra liên ngành dự kiến sau bảy ngày sẽ có kết quả kiểm tra chất lượng nước sông Đà.