Nước sạch và ký ức xếp hàng lấy nước một thời
Ngày 1-11-1886, Tổng trú sứ tại Hà Nội Paul Bert qua đời tại bệnh viện. Nguyên nhân được các bác sỹ xác định là do bệnh kiết lỵ bắt nguồn từ việc uống nước chưa đun sôi kỹ. Từ lý do này chính quyền Pháp bắt đầu tính chuyện xây dựng nhà máy nước sạch để cung cấp cho binh lính, công chức và kiều dân Pháp sống trong thành phố.
Nước máy có từ bao giờ?
Trước khi thực dân Pháp xâm chiếm Hà Nội, dân chúng vẫn nấu ăn, pha trà bằng nước giếng khơi và tắm giặt, rửa rau, vo gạo bằng nước hồ ao. Trong cuốn “Một chiến dịch ở Bắc Kỳ” (xuất bản năm1896) tác giả là bác sỹ Hocquad, người tham gia đội quân Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ, đã mô tả về nước dùng cho sinh hoạt ở Hà Nội năm 1882-1883 như sau: “Ở khu vực buôn bán, hầu hết nhà dân đều lấy nước ao rồi đánh phèn để nấu nướng”. Tuy nhiên còn một nguồn nước dùng để ăn uống và sinh hoạt hàng ngày mà ông không nói đến, đó là nước giếng.
Năm 1883, báo Tương lai Bắc Kỳ viết: “Các gia đình của 15 thôn sống quanh hồ Hoàn Kiếm, hàng ngày không chỉ rửa rau, vo gạo, tắm giặt mà còn lấy nước hồ để nấu ăn”. Sau khi chiếm trọn Hà Nội năm 1883, số binh lính thực dân Pháp đến thành phố ngày càng đông nhằm chuẩn bị cho kế hoạch bình định Bắc Kỳ. Để có nước sạch dùng cho sinh hoạt, quân đội Pháp cho đào giếng giống như người bản xứ. Tuy nhiên vào mùa hè, lính Pháp vẫn phải ra tắm ở các hồ ao phía đông và nam hồ Gươm.
Nhà máy nước đầu tiên ở Hà Nội được xây dựng vào năm 1894 trên khu đất thuộc 2 làng Thạch Khối và Yên Định (gọi là Yên Phụ) với thiết kế ban đầu có 4 giếng. Cũng trong năm này, chính quyền cho xây tháp nước ở đầu phố Hàng Đậu. Thân tháp được xây bằng đá lấy từ đá phá tường thành Hà Nội, bên trong là bồn nước bằng thép có dung tích là 1.250m3.
Cũng năm 1894, tháp nước Đồn Thủy (nằm ở phố Đinh Công Tráng hiện nay) hoàn thành. Cả 2 tháp nước chủ yếu phục vụ cho binh lính đóng trong thành và cơ quan của chính quyền ở khu vực phía đông Hồ Gươm. Cùng với việc xây 2 tháp nước, chính quyền cho lập Sở máy nước Hà Nội (tiền thân của Công ty nước sạch Hà Nội ngày nay). Năm 1896, nhà máy chính thức đưa vào vận hành. Tuy nhiên tất cả hoạt động từ sản xuất, truyền dẫn, đến vòi nước chỉ đồng bộ từ ngày 24-2-1900. Công suất của nhà máy nước Yên Phụ là 4.000m3/ngày còn mạng lưới đường ống truyền dẫn đường kính tối đa là 200mm. Nó có nhiệm vụ cấp nước chủ yếu cho các cơ quan chính quyền và một phần khu buôn bán trong 36 phố phường.
Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, Hà Nội có 85 nhánh cho thuê bao được gắn đồng hồ đo nuớc và 85 cột máy nước công cộng cung cấp cho các hộ gia đình không có điều kiện lắp máy tại nhà. Cột nước được đúc bằng gang, có hình trụ và vòi bằng đồng. Dù có nước máy nhưng thập niên 20 vẫn có khá nhiều gia đình thuê người gánh nước ao về đánh phèn để sinh hoạt. Số cột nước máy công cộng tiếp tục tăng lên những năm sau đó, và máy nước công cộng là nơi con sen, anh xe, chị bếp… trong lúc chờ lấy nước tán tỉnh nhau đã trở thành đề tài cho các nhà văn trong thập niên 30.
Nước sạch thời gian khó
Sau Nhà máy nước Yên Phụ, thành phố có thêm 4 nhà máy nước nữa được xây dựng là Đồn Thủy (xây năm 1925) với công suất 2.000 - 4.000 m3/ngày, Bạch Mai (xây năm 1931) với công suất 400 - 500 m3/ngày, Ngọc Hà (xây năm 1938) với công suất 800 - 1.000 m3/ngày, Ngô Sỹ Liên (xây năm 1941) với công suất 4.500 - 5.000 m3/ngày.
Tính đến ngày tiếp quản Thủ đô (10-10-1954), Sở máy nước Hà Nội đã có 5 nhà máy sản xuất nước với tổng công suất cấp nước đạt 26.000 m3/ngày và một mạng lưới đường ống có tổng độ dài gần 100km với nhiều kích cỡ. Năm 1954 có 58% dân số Hà Nội (số dân nội thành 24.000 người) được sử dụng nước máy. Từ ngày đầu mới thành lập, Sở máy nước Hà Nội chỉ có khoảng 50 công nhân, đến năm 1954 đã có hơn 300 công nhân làm việc tại các bộ phận sửa chữa máy, bể lọc và lắp đặt đường ống.
Vì dân số Hà Nội tăng liên tục và chính quyền thành phố mở rộng các khu vực được dùng nước sạch nên bắt đầu xuất hiện tình trạng thiếu nước sạch khu vực nội đô. Để đáp ứng nhu cầu, ngay khi Không quân Mỹ đánh phá Hà Nội, thành phố vẫn xây dựng Nhà máy nước Hạ Đình và khánh thành vào năm 1971.
Nhưng tình trạng thiếu nước sạch bắt đầu diễn ra từ năm 1973 khi dân chúng từ nơi sơ tán trở về thành phố. Nước thiếu do nhiều nguyên nhân, thứ nhất là thất thoát trong quá trình truyền dẫn vì đường ống cũ kỹ lại không được sửa chữa thay thế, thứ hai là do dân số tăng nhanh, và thứ ba là không có thêm nhà máy mới. Tình trạng thiếu nước sạch kéo dài trong suốt thời gian bao cấp. Nhiều nơi vòi nước chỉ chảy ri rỉ và những gia đình ở cuối đường dẫn còn không có nước. Không chỉ thiếu mà nước sạch còn không được sạch. Thỉnh thoảng từ vòi nước còn chảy ra cả những con giun loại vẫn dùng để nuôi cá cảnh, hoặc lắm khi nước còn kèm theo cặn vàng khè.
Nước sạch ở Hà Nội dần được cải thiện khi dự án nước của Phần Lan tài trợ được triển khai và đi vào hoạt động. Từ mức trung bình 80lít/ngày/người đã tăng dần lên 130lít/ngày/ người và tiếp tục tăng. Cho đến hôm nay không thể nói Hà Nội dư thừa nước sạch nhưng không còn cảnh thiếu nước như thời bao cấp, chuyện thức đêm xếp hàng để hứng được xô nước sạch chỉ còn là ký ức một thời…