Nước sinh hoạt khan hiếm, người dân Bến Tre chắt chiu từng lít nước ngọt
Hiện nay, bước vào cao điểm của hạn mặn, nguồn nước ngọt cho sinh hoạt của người dân trở nên khan hiếm. Các đơn vị quản lý, vận hành nhà máy nước tập trung, doanh nghiệp kinh doanh nước nỗ lực chia sẻ trách nhiệm người dân, cùng vượt qua khó khăn này.
Ở thời điểm này, đa số người dân vùng nông thôn của các huyện Châu Thành, Bình Đại, Giồng Trôm, Ba Tri, Thạnh Phú, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc của tỉnh Bến Tre đều thiếu nước sinh hoạt, do nước ống từ các nhà máy đều nhiễm mặn ít nhiều. Nguồn nước ngọt, nước mưa dự trữ trong lu, hồ nay sắp cạn đáy, bà con phải chắt chiu từng lít nước.
Bà Trần Thị Thu Trang cũng như các hộ dân xã Giao Long, huyện Châu Thành, Bến Tre cho biết, nước máy đều đã nhiễm mặn trên 4 phần nghìn, phải đi chở nước ngọt từ điểm cấp nước miễn phí về nấu ăn, uống.
“Nước máy nay mặn lắm sử dụng không được, hôm trước khi mặn, khi không, còn nửa tháng lại đây mặn lắm, không có nước ngọt. Nhà tôi mua cái bồn nhỏ để trữ nước ngọt nấu ăn. Nước mặn để tắm rửa, sau đó gội lại ca nước ngọt nhỏ chứ không dám xài nhiều”, bà Trang nói.
Nước sinh hoạt là nhu cầu cấp thiết của cuộc sống con người, khi nguồn nước mặt dưới sông rạch của tỉnh Bến Tre đã nhiễm mặn thì các nhà máy xử lý nước cũng không thể xử lý mặn thành ngọt với khối lượng lớn để cung cấp cho dân.
Nên ở thời điểm này, hầu hết các nhà máy cấp nước đều bơm nước nhiễm mặn hoặc pha trộn với nước ngọt để cấp đến hộ dân, chủ yếu để phục vụ vệ sinh, giặt rửa… tại các gia đình với mức phí như trước đây.
Một số doanh nghiệp, đơn vị vận hành nước mở các điểm cấp nước ngọt “lưu động” tại khu dân cư để người dân đến chở nước về sử dụng nhưng số lượng còn hạn chế. Tại huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre có nhiều hộ dân, cơ sở sản xuất kinh doanh phải “đổi” nước ngọt với số tiền 150.000 đồng/m3 (trong đó tiền nước là 50.000 đồng, chi phí vận chuyển là 100 nghìn đồng).
Ông Phan Thanh Hải, người dân xã Long Định, huyện Bình Đại nói: “Nước mặn quá đến nỗi giặt đồ không ra xà phòng thì bây giờ cũng phải giặt, nước đầu sử dụng nước ngọt cho ra xà phòng. Ăn uống thì sử dụng nước ngọt, tắm rửa thì tắm nước mặn sau đó xối lại miếng nước ngọt, cứ đổ một xe 150.000 đồng”.
Theo Sở Nông nghiệp&PTNT tỉnh Bến Tre, toàn tỉnh có 67 nhà máy xử lý nước tập trung phục vụ cho người dân, doanh nghiệp với công suất 250.000 m3/ngày, đêm.
Hiện nay, khu vực các huyện Chợ Lách, Bắc huyện Châu Thành và thành phố Bến Tre nguồn nước sinh hoạt chưa bị nhiễm mặn còn các nhà máy khác thì bị nhiễm mặn; trong đó, số nhà máy bị nhiễm dưới 0,5 gam/lít là 21 nhà máy, 6 nhà máy nhiễm mặn từ 0,5 đến 1 gam/lít, trên 40 nhà máy bị nhiễm mặn trên 1 gam/lít.
Hiện nay, các doanh nghiệp, đơn vị vận hành nước sinh hoạt đang nỗ lực tìm các giải pháp cung cấp nước ngọt hoặc nhiễm mặn thấp cho dân. Ngoài giải pháp tăng cường hoạt động các máy RO sẵn có xử lý nước mặn thành ngọt tại chỗ còn có phương án dùng sà lan đến vùng ngọt chở nước về xử lý cung cấp cho dân.
Ông Bùi Văn Thắm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Bến Tre cho biết: “Đối với các nhà máy có tiếp cận với sông lớn (khoảng 5 nhà máy) thì chở sà lan về cấp nước bổ cho đường ống từ 1-3 ngày/tuần. Còn các nhà máy ở khu vực nông thôn khác thì cấp nước xử lý RO miễn phí để cho người dân có nhu cầu lại lấy chở về”.
Do đặc thù riêng của tỉnh Bến Tre có nhiều khu vực nằm ven biển, hệ thống sông rạch chằng chịt, cống đập chưa khép kín, nguồn nước ngầm nhiễm mặn, xâm nhập mặn rất nhanh và sâu tác động trực tiếp đến sản xuất, sinh hoạt của đại bộ phận người dân xứ dừa.
Ở thời điểm này, chính quyền và người dân, doanh nghiệp địa phương đang gồng mình “chia nước ngọt”, cùng chung tay vượt qua đợt hạn mặn đang diễn biến khốc liệt.