Nước sông Đà hay sông Đuống?

Tròn 1 tháng sau sự cố nguồn nước sạch sông Đà ô nhiễm dầu thải, ngày 10/11 vừa qua, cư dân bán đảo Linh Đàm đồng loạt nhận được một bản hợp đồng mua nước sạch của Công ty cổ phần nước sạch VTS. Điều đáng nói là đọc bản hợp đồng này, ai cũng hoang mang.

Bản hợp đồng do Công ty VTS chuyển đến người dân Linh Đàm giống như một “tối hậu thư”, không có câu trả lời nào cho những bất an của người dân sau hàng loạt vấn đề về nước trong hơn 1 tháng qua.

5 năm trở lại đây, người dân mua nhà ở khu vực Linh Đàm mặc nhiên hiểu và tin tưởng rằng mình được bảo đảm nguồn nước sạch. Hàng chục vụ vỡ đường ống cấp nước kéo theo mất nước và nhiễm bẩn đường ống cả tháng trời khiến hàng trăm ngàn hộ điêu đứng, song người dân thấp cổ bé họng cũng chỉ đành cay đắng chịu đựng, cho qua.

Chỉ đến khi vụ việc ô nhiễm dầu thải xảy ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, mọi ung nhọt về chuyện nước sinh hoạt mới bung bét vỡ lở. Từ trước đến nay, không có một cam kết nào và không ai bảo đảm về chất lượng nguồn nước cho dân khu vực này. Mua nhà, đóng tiền, ban quản lý mở van, chấm hết. Hàng trăm tòa nhà chung cư phải thau bể và có nơi phát hiện đáy bể không khác gì cống nước thải ngầm. Hóa ra lâu nay ăn phải nước bẩn mà không hề hay biết.

Khu đô thị Linh Đàm, một thời được coi là khu đô thị mới kiểu mẫu của Hà Nội

Khu đô thị Linh Đàm, một thời được coi là khu đô thị mới kiểu mẫu của Hà Nội

Những ngày qua, thông tin về việc xử lý ô nhiễm nguồn nước của Nhà máy nước sông Đà tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các cơ quan chức năng của Thành phố khẳng định nước sông Đà đã sạch trở lại từ 22/10. Một số chung cư ở Linh Đàm được cho biết là trong thời gian tạm dừng lấy nước từ Nhà máy nước sông Đà, đã tạm chuyển sang đấu nối với nguồn nước sông Đuống, sạch hơn và an toàn…

Thực tế, đến nay nhiều gia đình vẫn không dám dùng nước chung để ăn uống mà phải mua nước bình, nước đóng chai. Nhiều người dân phản ánh, về cảm quan, nước mà họ được cung cấp không đủ trong, nơi thì vàng đục, nơi thì xanh rêu như nước ao. Muôn vàn lý do được đưa ra hết sức cảm tính. Có thể khẳng định, thông tin càng nhiều càng rối bởi người ta không còn biết tin ai.

Trong bối cảnh đó, bản hợp đồng mà mới đây người dân nhận được lại càng làm dấy lên hàng loạt vấn đề chưa có câu trả lời.

Nước sông Đà hay sông Đuống sạch hơn, có bảo đảm an toàn? Người dân có thể lựa chọn nguồn cung cho mình hay không? Sao lại là một công ty trung gian như VTS ký hợp đồng bán nước sạch cho dân, nguồn nước của VTS là từ đâu? Lấy gì để chứng minh “ông” VTS có năng lực bảo đảm độ an toàn của nguồn nước và giá cả hợp lý? Liệu có chuyện độc quyền để ép người dân?

Trang 1 của bản hợp đồng

Trang 1 của bản hợp đồng

Điều đáng nói là nội dung bản hợp đồng do VTS đưa đến cho dân hết sức khó hiểu. Những điều khoản ràng buộc trách nhiệm pháp lý của bên cung cấp thì không chặt chẽ, cảm tính, thậm chí mù mờ; bán sản phẩm mà lại không có giá cả cụ thể; không có “cửa” nào cho người dân đàm phán, thỏa thuận. Nhiều người bình luận đây không phải là hợp đồng mua bán sản phẩm hàng hóa dịch vụ thông thường mà là kiểu hợp đồng “bao cấp”, “độc quyền”. VTS đang “đưa dao đằng lưỡi cho người ta nắm”, ký thì có nước dùng, không ký thì “nghỉ cho khỏe” vậy. Khách hàng ở đây không còn là “thượng đế” mà giống như “cừu non” để người ta chăn dắt.

Thiết nghĩ, không thể để tình trạng quản lý, cung cấp nước sinh hoạt cho hàng vạn người dân ở Linh Đàm tiếp tục lộn xộn kéo dài. Vào lúc “nước sôi lửa bỏng” này, chính quyền Thành phố Hà Nội, quận Hoàng Mai, phường Hoàng Liệt cần vào cuộc, siết chặt quản lý, làm rõ trách nhiệm và minh bạch thông tin về việc bảo đảm nguồn cung nước sạch cho người dân ở Linh Đàm.

Nước sạch là nhu cầu thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, sinh mạng của người dân, đặc biệt là con trẻ. Người dân có quyền được yêu cầu cung cấp nước sạch, đồng thời có quyền được biết thông tin về nguồn cung chắc chắn bảo đảm an toàn khi họ bỏ tiền ra mua nước sinh hoạt.

Ngân Hà

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nuoc-song-da-hay-song-duong-555424.html