Nước sông dâng cao, hơn 600 hộ dân ở Ninh Bình bị cô lập

Nước sông Hoàng Long dâng cao khiến hơn 600 hộ dân ở xã Gia Thịnh, huyện Gia Viễn (Ninh Bình) bị cô lập.

Sáng 10/9, trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Duy Nhất, Chủ tịch UBND xã Gia Thịnh (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) cho biết, trên địa bàn có 615 hộ dân ở Kênh Gà với hơn 2.500 khẩu bị cô lập do nước sông Hoàng Long lên cao.

Hơn 600 hộ dân với khoảng 2.500 nhân khẩu ở Kênh Gà, xã Gia Thịnh bị ngập sâu trong nước, cô lập hoàn toàn.

Hơn 600 hộ dân với khoảng 2.500 nhân khẩu ở Kênh Gà, xã Gia Thịnh bị ngập sâu trong nước, cô lập hoàn toàn.

Theo ông Nhất, những ngày qua, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, nước lũ từ hướng Hòa Bình đổ về khiến nước sông Hoàng Long dâng cao, làm ngập Kênh Gà ở ngoài đê.

"Khu vực này thường xuyên bị ngập lụt. Khi nào mưa to, nước từ Hòa Bình đổ về thì đều bị ngập. Khoảng đầu năm 2024, nước cũng làm ngập gây cô lập ở khu vực này trong vòng một tháng", ông Nhất nói.

Phương tiện di chuyển trong thôn khi bị ngập nước là thuyền.

Phương tiện di chuyển trong thôn khi bị ngập nước là thuyền.

Theo tìm hiểu, toàn bộ địa giới hành chính Kênh Gà được tổ chức thành 3 thôn gồm: thôn 1, thôn 2 và thôn 3 với 615 hộ ( hơn 2.500 nhân khẩu) đang sinh sống ngoài đê của sông Hoàng Long.

Ông Trần Văn Giỏi (thôn 3 Kênh Gà) cho biết, rạng sáng 8/9, nước dâng quá nhanh. Dù đã chuẩn bị trước tâm lý nhưng ông vẫn không thể di dời hết tài sản trong nhà. Nước dâng gần đến nóc nhà, gây thiệt hại đồ điện và bàn ghế. Trước đó, được sự tuyên truyền của chính quyền địa phương, gia đình ông đã chuẩn bị đồ ăn, thức uống nhưng chỉ đủ sinh hoạt trong vài ngày tới.

Đồ đạc trong nhà được người dân kê lên cao và chờ nước rút.

Đồ đạc trong nhà được người dân kê lên cao và chờ nước rút.

Ông Trần Hoàng Anh, Trưởng thôn 3 Kênh Gà cho biết, thôn có 275 hộ dân(1.100 khẩu) và đều bị ảnh hưởng trực tiếp bởi nước sông Hoàng Long dâng cao. Dự kiến, nếu trời không mưa thì phải 5 ngày sau nước mới rút. Chính quyền địa phương đã vận động người dân chuẩn bị nhu yếu phẩm, thực phẩm, nước uống để duy trì cuộc sống trong nhiều ngày.

Theo trưởng thôn 3, phương tiện được người dân sử dụng hiện nay là thuyền máy và thuyền chèo tay. Học sinh tại trường mầm non và phân hiệu Trường Tiểu học Gia Thịnh tại thôn Kênh Gà đều phải nghỉ học. Học sinh cấp 2, cấp 3 được người thân chở đến trường bằng thuyền.

Trường học bị ngập nước, học sinh từ mầm non đến cấp 1 phải nghỉ học ở nhà.

Trường học bị ngập nước, học sinh từ mầm non đến cấp 1 phải nghỉ học ở nhà.

"Người dân ở Kênh Gà quen với nghề sông nước từ nhỏ. Họ xây nhà cao tầng để tránh nước lũ dâng cao.

Ngoài ra, hầu hết các hộ dân sinh sống ngoài đê đều có tàu thuyền nên họ chủ động di dời khi nước dâng cao. Về phía địa phương, chúng tôi cũng bám sát địa bàn, cắt cử cán bộ hỗ trợ giúp người dân bảo vệ tài sản", Chủ tịch xã Gia Thịnh Trần Duy Nhất cho biết thêm.

Chính quyền địa phương chủ động hỗ trợ người dân và các trường học bảo vệ tài sản khi nước sông dâng cao.

Chính quyền địa phương chủ động hỗ trợ người dân và các trường học bảo vệ tài sản khi nước sông dâng cao.

Liên quan đến vấn đề này, trả lời báo chí, bà Vũ Thị Dược, Phó chủ tịch UBND huyện Gia Viễn thông tin thêm, chính quyền huyện Gia Viễn đã chủ động hỗ trợ người dân bị ngập lũ, qua đó giảm thiệt hại về người tài sản mức thấp nhất do mưa lũ gây ra.

Đồng thời, huyện đang chỉ đạo các xã trên địa bàn tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, mực nước lũ trên sông để báo cáo và đề xuất kịp thời phương án xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Phúc Tuấn

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nuoc-song-dang-cao-hon-600-ho-dan-o-ninh-binh-bi-co-lap-192240910104537621.htm