Nước sông Đồng Nai lên gần báo động 3, nhiều nơi nguy cơ bị ngập

Đài khí tượng thủy văn tỉnh Đồng Nai cho biết, nước sông Đồng Nai đang lên nhanh, ở giữa mức báo động 2 và báo động 3. Nước sông dâng cao khiến nhiều nhiều địa phương ven sông thuộc tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và thành phố Thủ Đức, TPHCM có nguy cơ ngập, xảy ra các thiên tai khác đi kèm.

TTXVN đưa tin, khoảng 7 giờ hôm nay (22-9), mực nước tại trạm Tà Lài (thượng nguồn sông Đồng Nai) ở mức 112,76 m, trên báo động 2 là 0,26m. Đây là mực nước cao nhất được ghi nhận trong năm nay.

Dự báo trong 24 giờ tới, nước sông Đồng Nai tiếp tục lên, có khả năng đạt xấp xỉ mức báo động 3 (113 m). Tại trạm Biên Hòa (hạ lưu sông Đồng Nai), mực nước đỉnh triều sáng 22-9 đạt mức 1,95 m, gần báo động 2.

Nước sông Đồng Nai dâng cao khiến nhiều khu vực trũng thấp ven sông có nguy cơ bị ngập lụt do lũ. Những khu vực này tập trung ở 6 huyện, thành phố của tỉnh Đồng Nai (Tân Phú, Định Quán, Vĩnh Cửu, Long Thành, Nhơn Trạch và thành phố Biên Hòa), 2 huyện Bắc Tân Uyên, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương và thành phố Thủ Đức, thuộc TPHCM.

Bờ Kênh Xáng, tỉnh An Giang xảy ra sạt lở đất với chiều dài 20 m, ăn sâu vào đất liền 3 m. Ảnh: TTXVN

Bờ Kênh Xáng, tỉnh An Giang xảy ra sạt lở đất với chiều dài 20 m, ăn sâu vào đất liền 3 m. Ảnh: TTXVN

Những ngày qua, nhiều địa phương xảy ra tình trạng sạt lở do thời tiết diễn biến thất thường. TTXVN dẫn thông tin từ đại diện Ban Chỉ huy ứng phó biến đổi khí hậu - phòng, chống thiên tai và phòng thủ dân sự tỉnh An Giang cho biết, do mưa lớn kéo dài kết hợp nước lũ dâng cao nên tỉnh An Giang ghi nhận nhiều vụ sạt lở đất, bờ sông.

Trong đó, chiều 20-9, tại khu vực bờ Kênh Xáng, xã Tân An, thị xã Tân Châu xảy ra sạt lở đất với chiều dài 20 m, ăn sâu vào đất liền 3 m. Vụ sạt lở ảnh hưởng đến việc đi lại và sinh hoạt của 6 hộ dân. Trước đó một ngày, tại xã Phú Hữu, huyện An Phú cũng xảy ra sạt lở một đoạn thuộc bờ đông sông Hậu với chiều dài khoảng 40 m, chiều rộng khoảng 3 m. Sau khi xảy ra sạt lở, lãnh đạo địa phương đã có hướng dẫn cho các đơn vị giăng dây khoanh vùng, đặt biển báo tạm, để người dân trong khu vực sạt lở biết, hạn chế đi lại trong khu vực.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã xảy ra 32 vụ sạt lở, sụt lún đất bờ kênh, rạch, với chiều dài hơn 1.130 m. Sạt lở làm ảnh hưởng đến 16 căn nhà của người dân sống trong khu vực. Ước giá trị thiệt hại về đất khoảng 679 triệu đồng.

Ở Long An, UBND tỉnh vừa ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông Kênh Hàn, xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc.

Trong hai năm gần đây, tình trạng sạt lở diễn ra ngày càng phức tạp, mép bờ sông bị lấn sâu vào bên trong từ 1-2 m, tổng chiều dài các điểm sạt lở nghiêm trọng khoảng 125 m. Các vị trí sạt lở có nguy cơ làm sạt lở đất, sập đổ nhà ở và thiệt hại tài sản, nguy cơ mất an toàn tính mạng của một số nhà dân đang sinh sống trong khu vực. Các vị trí này đã được chính quyền địa phương, người dân nhiều lần gia cố nhưng sạt lở vẫn tiếp tục xảy ra. Khu vực sạt lở bờ sông Kênh Hàn làm ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 20 hộ dân với 80 người dân sinh sống sản xuất, kinh doanh.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Long An yêu cầu UBND huyện Cần Giuộc phối hợp với các đơn vị liên quan sơ tán người, tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm; đồng thời, thông báo, cắm biển cảnh báo, khoanh vùng ngăn không cho người, xe cộ vào khu vực sạt lở…

Trúc Đào

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nuoc-song-dong-nai-len-gan-bao-dong-3-nhieu-noi-nguy-co-bi-ngap/