Nước sông Hương đổi màu vàng đục kéo dài, người dân lo lắng
Sau những đợt mưa lớn trong tháng 10/2021, nước sông Hương đổi màu vàng đục kéo dài đến nay. Tình trạng này khiến người dân Cố đô Huế lo sợ ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước sinh hoạt.
Nhiều chủ thuyền rồng chở khách du lịch trên sông Hương cho biết, họ thường chở khách đi trên sông Hương nên cảm nhận rất rõ sự đổi màu của con nước. Sau thời điểm cơn bão số 5 trong tháng 10 vừa qua thì nước sông Hương bắt đầu chuyển từ màu xanh sang vàng nhạt rồi vàng đậm, thậm chí có nhiều đoạn sông bị vùng đục rất nặng.
Nhiều người dân Cố đô Hế cũng nói rằng, đây là lần đầu họ thấy nước sông Hương chuyển màu vàng đục kéo dài như vậy.
Dòng nước sông Hương, đoạn qua trung tâm TP Huế có màu vàng đục.
Ông Hoàng Hữu Viết (52 tuổi) có nhà sát bờ sông Hương, bày tỏ: “Dòng Hương trong xanh, thơ mộng đi vào nhiều bài thơ ca bất hủ và được du khách trong và ngoài nước biết đến. Nếu trước đây vào mùa mưa, sông Hương chỉ bị vàng đục nhẹ và vài ngày sau là trong xanh trở lại thì nay tình trạng nước sông đổi màu vàng đục kéo dài hơn nửa tháng qua khiến ai cũng lo sợ sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước sinh hoạt”.
Một số hộ dân ở phường Kim Long, TP Huế chuyên làm nghề thả lừ, bủa lưới đánh bắt tôm, cá trên sông Hương để mưu sinh cũng cho biết, khi nước sông Hương đổi màu vàng đục, lượng tôm cá họ đánh bắt được cũng ít hơn trước rất nhiều.
Không chỉ sông Hương mà các sông nhánh, phụ lưu của con sông này như sông Bạch Yến, Đông Ba, An Cựu, Như Ý cũng chuyển sang màu vàng đục. Từ trung tâm TP Huế, ngược dòng sông Hương lên phía thượng nguồn, đoạn qua các xã Hương Thọ, Thủy Bằng, Dương Hòa… màu nước vàng đục của sông Hương càng đậm hơn.
Nói về nguyên nhân khiến nước sông Hương và các sông nhánh, phụ lưu sông Hương vàng đục bất thường kéo dài, ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế nhận định là do ảnh hưởng từ việc thi công đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn đi qua phía thượng nguồn sông Hương.
Quá trình thi công cao tốc gặp mưa lớn làm một khối lượng đất, đá trôi xuống sông khiến nước sông đổi màu vàng. Theo ông Hùng, nhiều năm trước, nước sông Hương từng đổi màu khi phía thượng nguồn Tả Trạch, Hữu Trạch thi công các công trình như đường Hồ Chí Minh, cao tốc La Sơn – Túy Loan. Qua trao đổi, ông Lê Quang Ánh, Phó Giám đốc Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường (TN&MT), thuộc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, hiện đơn vị đã tiến hành lấy mẫu nước sông Hương để phân tích, kiểm tra các chỉ số.
Theo đó, có 9 điểm trên sông Hương được lấy mẫu nước gồm các khu vực Xước Dũ, điện Hòn Chén, chợ Đông Ba, chợ Dinh, ngã ba Sình, đập Thảo Long… “Bằng mắt thường có thể dễ dàng thấy được nước sông Hương bị vàng đục hơn gấp nhiều lần so với bình thường. Tuy nhiên, để biết rõ các chỉ số có vượt mức quy định hay không thì phải chờ kết quả kiểm tra, phân tích mẫu nước mới có thể kết luận được”, ông Ánh nói.
Liên quan đến việc người dân lo ngại nước sông Hương bị vàng đục sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước sinh hoạt, ông Trương Công Hân, Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên-Huế khẳng định, các dự án đường cao tốc ở thượng nguồn sông Hương đang thi công cộng với hồ đập thủy điện xả lũ khiến lượng đất đá, bùn khoáng trôi theo nguồn nước về hạ du, làm độ đục và các chất hữu cơ, sắt, mangan trong nước sông Hương tăng cao. Qua kiểm tra, độ đục sông Hương tại Nhà máy Vạn Niên đo được là 500 NTU, cao gấp 100 lần so với bình thường.
Trước thực trạng này, công ty đã tăng cường liều lượng hóa chất xử lý nước, ứng dụng bể lắng lọc thông minh, tăng cường giám sát, kiểm tra chất lượng nước tại các nhà máy. Nhờ vậy nên chất lượng nước đầu ra vẫn đảm bảo theo Quy chuẩn chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt của Bộ Y tế, trong đó độ đục nước cấp đạt 0,02 NTU, đảm bảo cấp nước an toàn cho người dân trên địa bàn...