Nước sông Mekong xuống thấp nhất trong vòng 60 năm
Mùa mưa năm nay bị rút ngắn tới 5 tuần so với các năm trước khiến mực nước sông Mekong xuống mức thấp nhất trong 60 năm qua, nguy cơ hạn hán nghiêm trọng từ tháng 12/2019 đến đầu tháng 1/2020.
Đó là cảnh báo của các chuyên gia Ủy ban Sông Mekong, ngày 19/11, trong bối cảnh hạn hán đã khiến mực nước sông Mekong xuống mức thấp nhất trong vòng 60 năm qua và nhiều khúc sông chảy ra 4 nước Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam có thể nhìn thấy đáy kể từ hồi tháng 6 đến nay. Theo giới chuyên gia, Thái Lan và Campuchia chịu ảnh hưởng nặng nề hơn so với Lào và Việt Nam.
Nguyên nhân chính dẫn đến hạn hán là do mùa mưa năm nay rút ngắn 5 tuần so với các năm, đến muộn 2 tuần song lại kết thúc sớm 3 tuần, cộng với hiện tượng El Nino khiến nhiệt độ cao bất thường dẫn đến hiện tượng bốc hơi nước nhanh. Tình trạng hạn hán sẽ còn tồi tệ hơn trong khoảng thời gian từ tháng 12 đến đầu tháng 1 khi lượng mưa thấp.
Với Thái Lan, tại thời điểm này, mực nước sông Mekong tại tỉnh Nakhon Phanom (ở vùng Đông Bắc Thái Lan giáp với Lào) đã cạn đến mức tới hạn: 1,5m, thấp nhất trong gần 100 năm trở lại đây. Nước cạn đã khiến cho nhiều đụn cát trong lòng sông nổi lên ở một số khúc sông Mekong tại huyện Muang, gây trở ngại cho giao thông đường thủy của các tàu hàng và thuyền đánh cá. Tình trạng thiếu mưa cũng khiến cho các hồ chứa nước tại tỉnh này chỉ còn duy trì được 20-30% công suất thiết kế, trong khi các phụ lưu của sông Mekong cũng đang cạn nước. Với tình trạng này, hệ sinh thái của sông sẽ bị tàn phá nghiêm trọng vì cá không thể di cư lên thượng nguồn để đẻ trứng. Đồng thời, cuộc sống của ngư dân cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Được thành lập năm 1995, Ủy ban Sông Mekong là một tổ chức liên chính phủ làm việc trực tiếp với Chính phủ các nước Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam hợp tác quản lý các nguồn nước chung và phát triển bền vững sông Mekong.