Nước thiêng nơi ngã ba sông

PTĐT - Được thiên nhiên ưu đãi cho vị trí đắc địa, là vùng đất 'Sơn chầu, thủy tụ', người dân phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì từ xưa đã có truyền thống lấy nước nơi ngã ba sông để dùng vào những việc đại sự, lễ nghi trong gia đình và để phục vụ cho nhu cầu tâm linh của bách gia trăm họ.

Nghi lễ rước nước ngã ba sông về Đền Tam Giang.

Nghi lễ rước nước ngã ba sông về Đền Tam Giang.

PTĐT - Được thiên nhiên ưu đãi cho vị trí đắc địa, là vùng đất “Sơn chầu, thủy tụ”, người dân phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì từ xưa đã có truyền thống lấy nước nơi ngã ba sông để dùng vào những việc đại sự, lễ nghi trong gia đình và để phục vụ cho nhu cầu tâm linh của bách gia trăm họ.

Nghi lễ tâm linh
Đã được nghe nhiều về vùng ngã ba Bạch Hạc, nơi gặp gỡ của 3 con sông hùng vĩ và thơ mộng của miền Bắc là: Sông Hồng, sông Đà và sông Lô, nhưng đến giờ tôi mới có dịp được trải nghiệm cái cảm giác ngồi thuyền tới vùng ngã ba huyền thoại này để phóng tầm mắt mà chiêm ngưỡng vẻ đẹp rộng lớn, khoáng đạt hòa vào thiên nhiên, ngắm nhìn cuộc sống tấp nập trên bến dưới thuyền. Chỉ đơn thuần ngồi ngao du trên thuyền tận hưởng không khí trong lành, gió từ triền sông, từ mặt nước dội lên man mát, nghe tiếng nước dập dềnh vỗ mạn thuyền cũng đã đủ tạo nên một hành trình thú vị.Theo quan niệm dân gian, ngã ba sông chính là nơi hội tụ của linh khí sông núi, đất trời. Tục lấy nước đã có từ xa xưa, ngày nay, khi cuộc sống ngày càng sung túc, nhu cầu, quan niệm tâm linh, tín ngưỡng trong lòng mỗi người càng được coi trọng, việc lấy nước ngã ba sông cũng được nâng lên như một nghi lễ thể hiện lòng thành kính với đất trời, tiên tổ. Người dân có thể xin nước trong Đền Tam Giang hoặc chủ động thuê những người dân địa phương đưa ra sông lấy nước bất cứ ngày nào.Ông Nguyễn Văn Cống- Phó Ban Quản lý Đền Tam Giang chia sẻ: “Tục rước nước ở ngã ba sông chỉ gắn với lễ hội Đền Tam Giang vào dịp 25 tháng 9 và mùng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm, nghi thức lấy nước rất cầu kỳ, phải có đầy đủ đội tế nam, nữ; làm lễ tế Thổ công, Hà Bá, xin phép được xin nước về để cầu may, dùng vào việc lớn của làng, việc thờ cúng tại Đền, cho nhân dân trong vùng đem về dùng trong việc cúng bái gia tiên và phục vụ nhu cầu tâm linh của du khách thập phương khi về đây”.

Chị Phan Thị Thơm lấy nước cho khách ở ngã ba sông.

Chị Phan Thị Thơm lấy nước cho khách ở ngã ba sông.

Tích xưa được người dân lưu truyền lại, việc lấy nước xuất phát từ trận chiến quân Nguyên Mông, trước khi xuất quân, các tướng sĩ đã đến ngã ba sông lấy nước và lập đàn tế lễ sau đó giành thắng lợi trở về. Thực hư về độ linh thiêng của dòng nước ra sao thì khó lòng kiểm chứng, nhưng có thể thấy ở đó là sự thành tâm của những người khách khi tìm đến cội nguồn dân tộc, đến ngã ba sông để xin nước và gửi gắm những tâm tư, ước nguyện. Cũng nhờ những chiếc thuyền ngược xuôi trở khách ra lấy nước mà nhiều hộ dân ở Bạch Hạc có cuộc sống đủ đầy hơn. Các chủ thuyền là người bản địa, có kinh nghiệm sông nước, trước đây nhiều người còn làm nghề đánh cá, hút cát hoặc vận tải nhỏ nên rất thông thạo đường sông.Ngồi quán nước cạnh cổng đền, trò chuyện cùng với cụ Nguyễn Thị Xuân, tôi có dịp hiểu hơn về quan niệm “nước thiêng” trong tâm thức của người dân Bạch Hạc. Vừa tiễn quả cau để têm cho khách miếng trầu, cụ Xuân bảo: “Người dân chúng tôi ở đây đều dùng nước ngã ba sông để thắp hương tổ tiên vào các ngày rằm, mùng 1, các dịp lễ, tết và những việc đại sự của gia đình, đó là phong tục tốt đẹp của địa phương chúng tôi, linh thiêng hay không là ở tâm của mỗi người”.Nghề - duyên sông nước...
Người Bạch Hạc vẫn bảo không phải ai cũng biết lấy nước và không phải ai cũng làm được nghề này, đó còn phụ thuộc vào cái duyên sông nước. Để mục sở thị, tôi lên thuyền theo chị Phan Thị Thơm- người có thâm niêm hơn 20 năm trong việc đưa khách đi lấy nước sông, cùng trở một vài người khác đang có nhu cầu lấy nước về lo việc gia đình.Sau khi tĩnh lặng để xem chị Thơm thực hiện nghi lễ khấn vái Thổ Công, Hà Bá để việc lấy nước được thuận lợi, những người trên thuyền bắt đầu nhỏ to, rầm rì những câu chuyện không đầu cuối, chỉ cần nghe thôi cũng biết họ đến từ nhiều vùng quê khác nhau, đến đây với tấm lòng thành kính và niềm tin về sự linh thiêng của mạch nước nơi cội nguồn.Vợ chồng chị Nguyễn Lan Anh- Hà Nội chia sẻ: “Gia đình tôi chuẩn bị xây nhà, hôm nay đến đây để xin nước về chuẩn bị cho việc động thổ, chúng tôi đến không vì bất cứ lời đồn thổi huyền bí nào mà luôn đặt lòng mình vào những tín ngưỡng tốt đẹp”.

Thuyền luôn “sẵn sàng” để chở khách đi lấy nước.

Thuyền luôn “sẵn sàng” để chở khách đi lấy nước.

Từ điểm xuất phát là phía bên trái của Đền Tam Giang, xuôi theo dòng nước quãng tầm hơn 3km là đến ngã ba sông, nước đổ về cuộn tròn thành vòng xoáy to. Để lấy đúng điểm nước thì không phải ai cũng có thể làm được. Ngoài việc phải chọn đúng vị trí, người lấy phải có kinh nghiệm và cơ duyên mới chọn được đúng chỗ nước tốt nhất có đủ âm, dương. Thông thường với những người dạn dày kinh nghiệm như chị Thơm thì chỉ cần nhìn nước là đủ biết, còn nếu đi ban đêm thì phải dùng tay để cảm nhận.Chị Thơm bảo: “Sông Hồng nước đục, sông Lô, sông Đà nước trong, mát, nếu lấy nước chưa đạt phải bỏ đi lấy lại; khách họ cần lấy lúc nào tôi đưa đi lúc đấy, những dịp cao điểm ngày đi cả chục chuyến là chuyện thường, thậm chí là lấy buổi tối, hoặc 12h đêm vì họ quan niệm đó là khi đất trời giao hòa; nhiều khi có những khách quen điện nhờ tôi lấy sẵn hộ và họ chỉ việc đến mang về”.Chiếc thuyền máy trở về chưa kịp cập bờ, chị Thơm đã nhận được cuộc điện thoại cậy nhờ của một vị khách đưa họ đi lấy nước ban đêm. Chị Thơm cũng như một số hộ dân khác đã giúp bao người từ những tỉnh xa xôi lấy được nước thiêng, thỏa những ước nguyện về tâm linh... Tối đến và những ngày sau nữa chị lại tiếp tục đưa những khách phương xa đến với ngã ba sông. Rồi từ đây những lời cầu khẩn thành tâm, những ước vọng hướng tới những điều tốt đẹp lại được gửi gắm. Niềm vui của những người như chị Thơm là đưa họ đến gần hơn với niềm hy vọng, ước mong tốt đẹp hơn trong cuộc sống.Còn tôi rời Bạch Hạc khi trời đã về chiều, nghe tiếng chuông chùa Đại Bi vang lên giữa những hối hả tất bật của phố phường, bỗng thấy lòng nhẹ bẫng đi bao nhiêu và tôi hiểu mỗi người đều có một đức tin thật đẹp để lòng mình vơi bớt đi những lo toan, bộn bề...

Thu Hương

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/phong-su-ghi-chep/202104/nuoc-thieng-noi-nga-ba-song-176600