'Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một'
Mùa Xuân năm 1963, trong lời chúc mừng năm mới, sau khi gửi đồng bào miền Nam ruột thịt lời thăm hỏi ân cần, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng 4 câu thơ thể hiện niềm tin tuyệt đối vào ngày toàn thắng, Bắc, Nam sum họp: 'Nước Việt Nam ta là một/Dân tộc Việt Nam ta là một/Dù cho sông cạn đá mòn/Nhân dân Nam, Bắc là con một nhà'. Đây được xem như một bản tuyên ngôn về tinh thần đoàn kết dân tộc, chung sức một lòng vì đất nước Việt Nam tự do, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các anh hùng, dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc ngày 28/2/1969. Ảnh: Tư liệu
Tư tưởng xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là độc lập, tự do dân tộc không tách rời với thống nhất đất nước. Người khẳng định: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lí ấy không bao giờ thay đổi”. Đây chính là sức mạnh tổng hợp giúp nhân dân ta chiến thắng được mọi kẻ thù xâm lược, đập tan mọi âm mưu của các thế lực thù địch.
Cách mạng Tháng Tám thành công, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam, càng thể hiện rõ tư tưởng của Bác về độc lập dân tộc. Người viết: “Mục đích của Cách mạng Tháng Tám là gì? Là giành lại hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ cho Tổ quốc, cho nhân dân ta”.
Hiến pháp đầu tiên của nước ta sau ngày độc lập đã cho thấy nhà nước Việt Nam là một khối thống nhất, trong đó khẳng định Bắc-Trung-Nam không thể phân chia. Người nói: “Cuộc đấu tranh để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất hoàn thành độc lập, dân chủ cũng là một cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ, nhưng nhất định thắng lợi”.
Đất nước sau khi giành độc lập còn non trẻ, thực dân Pháp đã nổ súng đánh chiếm Nam bộ, mở đầu cuộc xâm lược nước ta lần thứ hai. Lúc này, đất nước ta lâm vào tình thế bị chia cắt hai miền Nam-Bắc. Miền Bắc đã giành được quyền tự chủ cơ bản, tiến lên xây dựng Chủ nghĩa xã hội, nhưng miền Nam ruột thịt vẫn đang bị thực dân Pháp xâm chiếm.
Tuy vậy, khi viết thư cho đồng bào Nam Bộ, Bác vẫn luôn truyền tải niềm tin của mình vào sức mạnh đại đoàn kết dân tộc: Đồng bào Nam Bộ mãi là nhân dân Việt Nam. Dù đất nước có bị chia cắt hai miền nhưng đây cũng chỉ là tạm thời, nhất định đất nước Việt Nam sẽ giành được độc lập trọn vẹn.
Trong thư kêu gọi đồng bào miền Nam kháng chiến, Người viết: “Hỡi đồng bào Nam Bộ! Lòng cương quyết dũng cảm của nhân dân Nam Bộ chống lại quân đội xâm lăng của Pháp chẳng những đã làm cho đồng bào toàn quốc cảm phục, mà lại đã chứng tỏ cho thế giới đều biết cái quyết tâm độc lập của nhân dân Việt Nam…”.
Sau cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953- 1954, đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, quân dân ta đã buộc thực dân Pháp phải đi tới đàm phán và kí kết Hiệp định Giơnevơ, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Ngay từ những ngày đầu tiên về tiếp quản Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo tập trung củng cố miền Bắc về mọi mặt cho cuộc đấu tranh lâu dài, thống nhất đất nước. Cùng với Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ hai nhiệm vụ chiến lược được tiến hành đồng thời ở hai miền Nam-Bắc, đó là: “Xây dựng Chủ nghĩa xã hội thành công thì đấu tranh thống nhất nước nhà nhất định thắng lợi”.
Khi tiếng súng kháng chiến của nhân dân Nam Bộ vang lên chống đế quốc Mỹ, Người đã khẳng định với toàn thể dân tộc Việt Nam và thế giới rằng: “Miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam”. Với tư tưởng của Bác, đất nước, núi sông Việt Nam là một khối thống nhất, Bắc-Trung-Nam không thể phân chia, kết đoàn ba miền như con một cha, nhà một nóc, no đói, rách lành sẻ chia, đùm bọc, không ai có thể chia rẽ nước Việt Nam.
Trong một số diễn đàn tại các nước khu vực châu Á, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định, nước Việt Nam là một khối thống nhất không thể chia cắt được. Dân tộc Việt Nam từ lâu đã xây đắp Tổ quốc mình suốt từ Bắc chí Nam cùng chung một lịch sử, một tiếng nói, một nền kinh tế, cùng đứng lên đánh đuổi thực dân.
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, Hồ Chủ tịch luôn cho thấy sự tin tưởng tuyệt đối vào thắng lợi cuối cùng của quân và dân ta. Gửi thư cho đồng bào cả nước năm 1956, Người viết: Nước Việt Nam ta nhất định phải thống nhất. Đồng bào Nam và Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà. Toàn thể đồng bào hãy quyết tâm đoàn kết rộng rãi và chặt chẽ…, hãy ra sức thi đua yêu nước, củng cố miền Bắc, đấu tranh kiên quyết, bền bỉ cho một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Thống nhất nước nhà là con đường sống của nhân dân ta.
Người cũng luôn khẳng định, việc Bắc - Nam thống nhất một nhà như là một tất yếu khách quan, thuận lẽ tự nhiên vì cuộc chiến tranh yêu nước của nhân dân miền Nam Việt Nam là chính nghĩa. Nó được nhân dân yêu chuộng hòa bình trên khắp thế giới ủng hộ.
Do đó, theo Bác có thể đoán chắc rằng Mỹ - Diệm nhất định sẽ thua, nhân dân miền Nam nhất định sẽ thắng. Trong Di chúc Bác viết năm 1965 có đoạn khẳng định: Dù khó khăn đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà.
Và Người đã thể hiện quyết tâm, rằng: Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!
Mục tiêu của giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là thiêng liêng, cao cả, cần sớm hoàn thành hơn lúc nào hết, song trong tư tưởng của Bác không phải lúc nào cũng dùng vũ trang cách mạng. Người luôn chủ trương lấy hòa bình làm trọng, sử dụng phương pháp hòa bình là chủ yếu để giành thắng lợi.
Trong tuyên bố tại cuộc họp báo ở Indonesia tháng 3 năm 1959, Bác nói: “Chúng tôi chủ trương thực hiện thống nhất nước Việt Nam bằng phương pháp hòa bình trên cơ sở độc lập dân chủ, như Hiệp định Giơnevơ đã quy định”. Và trong lời chúc Tết đồng bào ta năm 1962, một lần nữa Bác khẳng định: “Thống nhất nước Việt Nam là sự nghiệp thiêng liêng của toàn dân Việt Nam. Đại diện hai miền có thể gặp nhau, cùng nhau bàn bạc, tìm con đường tốt nhất để hòa bình thống nhất Tổ quốc”.
Tuy nhiên, khi không thể thống nhất bằng ngoại giao hòa bình, Người cũng thể hiện rõ tinh thần, thái độ kiên quyết, dứt khoát đấu tranh cho mục tiêu thiêng liêng, cao cả của Tổ quốc. Phát biểu tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khóa III, tháng 4 năm 1965, Bác khẳng định: Kiên quyết bảo vệ nền độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam. Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, không ai được xâm phạm đến quyền thiêng liêng ấy của nhân dân ta.
Sức mạnh to lớn của toàn dân, toàn quân ta dưới sự lãnh đạo, dẫn dắt tài tình của Đảng, Bác Hồ đã làm nên những chiến công vang dội, buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, rút hết quân về nước. Đồng thời đánh đổ Ngụy quyền Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào mùa Xuân năm 1975.
Như vậy, có thể khẳng định, tư tưởng độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc của Hồ Chủ tịch không chỉ là ngọn cờ lãnh đạo, nhân tố nền tảng mà còn là “sợi chỉ đỏ” dẫn dắt sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Tư tưởng của Người mãi còn nguyên giá trị, luôn luôn là ngọn đuốc sáng soi đường cho các thế hệ người dân đất Việt về một chân lý “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một” không bao giờ thay đổi, cùng đoàn kết một lòng xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc, đất nước phồn vinh, thịnh vượng.