Nuôi cá Koi
Cá Koi xuất xứ từ Nhật Bản, vào Việt Nam tùy theo màu sắc mà chúng được phân chia thành nhiều dòng khác nhau. Người nuôi cá Koi cho biết, màu sắc khác nhau cũng sẽ có giá bán khác nhau.
Cá Koi tại Việt Nam gồm nhiều dòng, trong đó dòng cá Koi đơn sắc (Hikarimuji mono) được ưa chuộng nhất. Cá Koi đơn sắc khá đặc biệt so với những người anh em còn lại của chúng vì chỉ có một màu duy nhất trên thân mình. Cá Koi đơn sắc có các màu như bạch kim, vàng kim, vàng cam, đỏ, đen, xám… Chỉ một màu phủ đều khắp từ đầu cho đến đuôi cá và vây cá. Trong dòng Koi này thì Platinum ogon phổ biến hơn cả, chúng được người yêu cá Koi ví von như thỏi bạc sáng lòa biết bơi.
Tiếp đó là dòng cá Koi nhị sắc với hai màu chủ đạo, không có thêm màu sắc khác. Trong đó, cá Koi nhị sắc nổi tiếng và phổ biến nhất tại thị trường Việt Nam hiện nay khi có màu trắng xen lẫn màu đỏ. Chúng là một trong những loài cá Koi đắt tiền nhất vì người ta nói rằng chúng biểu trưng cho hai màu đỏ -trắng của Quốc kỳ Nhật Bản.
Tuy nhiên, ngoài cách phân loại cá Koi theo màu sắc, người ta còn phân loại cá Koi dựa trên ánh kim và lớp vẩy trên thân cá. Dòng Koi có ánh kim được gọi với cái tên ginrin, chúng tương đối đẹp và bắt mắt với lớp vẩy lóng lánh. Một dòng Koi nữa vô cùng đặc biệt là cá Koi doitsu, chúng khác hoàn toàn các dòng Koi còn lại ở chỗ toàn thân da trơn, chỉ có hai hàng vẩy lớn mọc dọc theo vây lưng.
Theo kinh nghiệm của những người nuôi cá Koi, để cá Koi có thể khỏe mạnh, đẹp thì trước hết hồ cá Koi phải được thiết kế chuẩn với hệ thống lọc tốt. Môi trường nước cần có đủ oxy. Khi thấy cá bơi lên bề mặt, đớp nước tầng mặt là dấu hiệu cho thấy cá đang thiếu oxy, nên thay nước hồ, nếu chưa có thác nước cần tạo thác nước cho hồ cá để cung cấp oxy.
Cá mới bắt về cần được cách ly nuôi riêng 14 ngày áp dụng các phương pháp khử khuẩn cho cá sau đó mới cho vào bể nuôi chung. 1/2 lượng nước trong bể nuôi riêng đó là nước lấy từ bể nuôi chung để khi thả cá ra bể chung không bị sốc nước.
Lưu ý đến thức ăn cho cá, chú ý đến thành phần vitamin C trong thức ăn của cá để cá có sức đề kháng tốt từ đó tăng khả năng chống trọi với bệnh tật. Nên cho cá ăn 2 tiếng/lần, buổi sáng cho ăn từ 6h – 11h trưa, buổi chiều từ 2h – 6h tối, tuyệt đối không cho cá ăn vào ban đêm. Mỗi lần cho ăn không nên cho ăn nhiều quá.
Thực ra thì nuôi cá Koi không quá khó vì loại cá này cũng giống như nhiều loài cá chép khác, dễ nuôi và mau lớn. Tuy nhiên, cũng cần phải đặc biệt chú ý đến một số chi tiết. Chọn cá, phải chọn con không bị xây xát, hình dáng phải cân đối, không bị dị hình, màu sắc phải rõ nét, tươi sáng, khỏe mạnh. Không chọn những con chậm chạp, nằm một chỗ; vây lưng, vây đuôi bị cụp lại. Một số còn có mầm bệnh như đốm đỏ, thối vây lưng, bị loét ở đuôi học ở lưng.
Với việc cho cá Koi ăn, đây là loài cá ăn khá tạp, khoảng từ 3 ngày tuổi, sau khi đã tiêu hết noãn hoàng thì chúng có thể ăn tất cả các loại thức ăn như lòng đỏ trứng chín, bo bo, các loại sinh vật phù du. Sau khi ra đời được nửa tháng, chúng sẽ chuyển qua ăn một số loại động vật tầng đáy như loăng quăng, giun… Sự thay đổi về tính ăn của cá Koi trong giai đoạn này sẽ làm tỉ lệ con sống bị ảnh hưởng khá lớn. Vì vậy, muốn nuôi cá Koi mau lớn thì cần phải chú ý đến việc gây nuôi các sinh vật tầng đáy giúp cung cấp đủ lượng thức ăn dành cho cá.
Với cá Koi nuôi ngoài trời, khi có mưa người nuôi có thể ngưng cho cá ăn một vài hôm để giúp cá giảm stress và tiêu hóa tốt hơn. Vào mùa hè, nếu hồ bị bay hơi thì cần thêm nước. Chú ý phải loại bỏ hoàn toàn clo trước khi thêm nước vào.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nuoi-ca-koi-552241.html