Nuôi con 'hiền lành' ham ăn, anh nông dân thu lãi hơn 2 tỷ đồng/tháng

Học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình nuôi cá thành công trong và ngoài tỉnh, anh Ngô Văn Dương, thôn Cừa Thôn, xã Hải Ninh (Quảng Ninh) đã gặt hái được 'quả ngọt' từ mô hình nuôi cá lóc.

Xuất bán 80 tấn cá, thu về hơn 2 tỷ đồng/tháng

Cuối năm 2022, anh Dương bắt tay vào nuôi cá lóc trong ao lót bạt-nơi trước đây anh dùng để nuôi tôm. Để đạt hiệu quả cao, anh vào tận An Giang, Đồng Tháp để mua cá giống về nuôi.

Vốn là người có nhiều kinh nghiệm, kiến thức về nuôi trồng thủy sản, nên khi bắt tay vào nuôi cá lóc anh Dương không gặp phải khó khăn gì, quá trình nuôi rất thuận lợi.

Ban đầu, anh Dương nuôi thử nghiệm 2 ao cá lóc, sau đó, cứ 1 tháng anh thả nuôi 2 ao, hiện anh đang duy trì 10 ao nuôi.

Theo anh Dương, để cá nhanh lớn, các ao nuôi phải có cống cấp, thoát nước chủ động; nguồn nước sạch sẽ, không bị ô nhiễm, ao nuôi phải được thay nước hàng ngày và có mái che bằng lưới để tạo sự thoáng mát cho cá.

Đặc biệt, khâu chọn giống phải bảo đảm, nhập nguồn giống ở những nơi có uy tín. Nếu con giống không tốt thời gian nuôi sẽ kéo dài, tỷ lệ hao hụt lớn.

Mỗi tháng anh Dương xuất bán 80 tấn cá, lợi nhuận thu về hơn 2 tỷ đồng/tháng.

Mỗi tháng anh Dương xuất bán 80 tấn cá, lợi nhuận thu về hơn 2 tỷ đồng/tháng.

Anh Dương tiết lộ, trong quá trình nuôi, phải thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của cá. Do được nuôi đúng quy trình kỹ thuật nên cá ở các ao nuôi của anh Dương luôn sinh trưởng và phát triển tốt. Trung bình nuôi 6 tháng cá lóc sẽ đạt trọng lượng 1kg/con.

Theo anh Dương, anh chủ yếu nhập bán cá lóc cho các lái buôn lớn ở các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Nam… nên trọng lượng cá cũng phải đạt tiêu chuẩn.

Thường thương lái chỉ thu mua cá to, số lượng lớn và tháng nào cũng phải bảo đảm cung cấp đủ sản lượng nên cứ 2 tháng anh Dương thả nuôi 2 ao cá lóc để bảo đảm có nguồn cung cấp thường xuyên.

Là năm đầu tiên chuyển đổi từ nuôi tôm sang nuôi các lóc công nghệ cao nhưng anh Dương đã gặt hái được "quả ngọt".

Thời điểm hiện tại, anh Dương gặp nhiều thuận lợi trong việc nuôi và bán cá lóc. Mỗi tháng anh xuất bán 80 tấn cá, với giá bán 60.000 đồng/kg, lợi nhuận thu về hơn 2 tỷ đồng/tháng. Một năm anh Dương nuôi 2 vụ cá, doanh thu đem lại ước tính hàng chục tỷ đồng.

Lợi nhuận đem lại từ việc nuôi cá lóc là rất lớn nhưng hiện tại trên địa bàn xã Hải Ninh, ngoài anh Dương, vẫn chưa có ai tham gia nuôi cá lóc công nghệ cao. Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 16 lao động với mức thu nhập trung bình từ 10-15 triệu đồng/tháng.

Bởi theo như anh chia sẻ, nuôi cá lóc thành công sẽ đem lại doanh thu cao nhưng không phải ai cũng có thể làm được. Vì chi phí đầu tư để nuôi cá rất lớn, nhất là tiền mua thức ăn công nghiệp cho cá.

Anh Ngô Văn Dương đang duy trì nuôi 10 ao cá lóc, tại thôn Tân Định, xã Hải Ninh.

Anh Ngô Văn Dương đang duy trì nuôi 10 ao cá lóc, tại thôn Tân Định, xã Hải Ninh.

Theo anh Dương, 1 ao nuôi cá lóc anh đầu tư chi phí hơn 1,6 tỷ đồng từ lúc thả nuôi đến khi xuất bán cá. Ngoài ra, việc tìm kiếm đầu ra tiêu thụ sản phẩm cũng gặp nhiều khó khăn do thương lái thu mua cá ở các tỉnh chỉ thu mua với số lượng lớn và phải ký kết hợp đồng bảo đảm nguồn cung cấp thường xuyên.

Bên cạnh đó, hộ nuôi phải có xe chuyên chở cá ra các tỉnh Nam Định, Ninh Bình bán cho các thương lái vì họ không vào tận nơi để thu mua. Tiêu chuẩn này khiến các hộ nuôi cá lóc nhỏ lẻ không thể đáp ứng được.

Không chỉ đi tiên phong trong việc nuôi cá và áp dụng công nghệ cao, anh Dương hiện đang "đồng hành" cùng 10 hộ nuôi cá lóc trên địa bàn xã Hải Ninh. Anh trực tiếp hỗ trợ chọn con giống, hướng dẫn kỹ thuật ban đầu và bao tiêu sản phẩm cho các hộ nuôi.

Có thể khẳng định, với tinh thần dám nghĩ, dám làm để phát triển kinh tế gia đình, anh Ngô Văn Dương bước đầu đã gặt hái được những thành công từ mô hình nuôi cá lóc; đồng thời mở ra hướng đi mới trong nuôi trồng thủy sản ở địa phương.

Đổi đời nhờ nuôi cá lóc công nghệ cao

Cũng mô hình nuôi cá lóc công nghệ cao thành công, nhiều năm trở lại đây, nhiều hộ dân tại các xã ven biển huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) trở nên khá giả, giàu có nhờ việc đào ao, nuôi cá lóc trên nền cát trắng.

Anh nông dân Trần Kim Phi (SN 1976, ở thôn Bắc Hòa, xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) cho biết: "Tôi sinh ra và lớn lên trên vùng biển bãi ngang, cuộc sống thời nhỏ cơ cực lắm, tôi phải ra khơi biền biệt để mưu sinh. Nhiều năm trải qua, cuộc sống của gia đình tôi không khá hơn là bao nên tôi khăn gói vào miền Nam tìm việc".

Ông Trần Kim Phi áp dụng thành công mô hình nuôi cá lóc trên cát.

Ông Trần Kim Phi áp dụng thành công mô hình nuôi cá lóc trên cát.

Theo anh Trần Kim Phi, khi vào miền Nam, anh thấy mô hình nuôi cá óc trên cát hiệu quả, phù hợp với việc phát triển kinh tế trên quê hương nên anh đã học hỏi kinh nghiệm.

Những năm 2000, anh Phi trở về quê, từ số tiền vay mượn ngân hàng và người thân anh tiến hành nuôi thử nghiệm lứa cá lóc đầu tiên trên đất cát.

Đến nay, diện tích nuôi cá lóc của gia đình anh Phi đạt khoảng 3ha với sản lượng cá lóc thương phẩm 100 tấn/năm.

Theo anh Phi, với ao có diện tích mặt nước khoảng 300 m2 (độ sâu từ 1-1,5 m) thả khoảng 3 vạn cá giống. Thời gian nuôi từ 7 - 9 tháng là có thể xuất bán.

Sản lượng cá lóc trung bình của mỗi hồ đạt từ 13 - 15 tấn cá thương phẩm. Giá bán dao động khoảng 50.000 đồng/kg.

Để nâng cao hiệu quả sản xuất, anh Trần Kim Phi đã áp dụng công nghệ cao trong nuôi cá lóc, vừa nâng cao sản lượng, hạn chế được dịch bệnh lại tạo ra giá trị cao.

Với ao có diện tích mặt nước khoảng 300m2 (độ sâu từ 1-1,5m), ông Phi thả khoảng 3 vạn cá giống.

Với ao có diện tích mặt nước khoảng 300m2 (độ sâu từ 1-1,5m), ông Phi thả khoảng 3 vạn cá giống.

Ngoài nuôi cá lóc, hiện gia đình anh Phi còn đầu tư thêm nuôi ếch thương phẩm theo công nghệ cao.

Nhằm đáp ứng nhu cầu của các hộ nuôi, được sự quan và tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương và trực tiếp là Hội Nông dân xã Ngư Thủy Bắc, anh Trần Kim Phi đã đứng ra thành lập Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thủy sản Kim Phi để cung ứng giống, thức ăn và thu mua toàn bộ sản phẩm sau khi thu hoạch.

Bình quân hằng năm, Hợp tác xã thu mua và tiêu thụ khoảng 3.500 tấn cá lóc, cung cấp từ 10 – 12 triệu con giống và cung ứng 3.500 tấn thức ăn cho các hộ nuôi.

Với những thành tích đạt được, anh Trần Kim Phi và Hợp tác xã đã được tặng nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp, các ngành và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Đặc biệt, vừa qua, anh Trần Kim Phi được Hội đồng Bình chọn chung khảo Trung ương bình chọn là "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024".

Khánh Linh (t/h theo Báo Quảng Bình, Dân Việt)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nuoi-con-hien-lanh-tren-cat-anh-nong-dan-thu-lai-hon-3-ty-dong-nam-204240827135916271.htm