Nuôi con 'mắt lồi' hiền lành mắn đẻ, anh nông dân nhẹ nhàng kiếm 650 triệu/năm

Nhờ chịu khó học hỏi, nông dân Đào Sơn Hải đã xây dựng thành công mô hình nuôi chồn hương mang lại lợi nhuận cao.

Thu nhập hơn nửa tỷ đồng từ nuôi chồn hương

Trước khi gắn bó với nghề nuôi chồn hương, anh Đào Sơn Hải (thôn 2, xã Hà Tam, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) đã có nhiều năm kinh nghiệm chăn nuôi bò.

Do ít đất sản xuất nên anh thường lưu tâm đến các mô hình chăn nuôi. Nhận thấy mô hình nuôi chồn hương mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh đã trực tiếp đến một số nơi tìm hiểu kỹ thuật và học hỏi thêm từ sách báo, các trang mạng xã hội.

Đến năm 2013, anh đầu tư hơn 14 triệu đồng mua 3 con chồn hương đực và 9 con chồn hương cái về nuôi. Nhưng vì thiếu kinh nghiệm, anh đã để 2 con chồn xổng chuồng đi mất.

Từ đó, anh rút kinh nghiệm xây dựng chuồng trại kiên cố, đảm bảo thoáng mát về mùa hè, ấm áp vào mùa đông và chuyển đổi hẳn từ chăn nuôi bò sang nuôi chồn hương.

Khu chuồng nuôi bò cũ được anh Hải cải tạo thành nơi nuôi chồn hương với nhiều ô nuôi nhốt riêng biệt. Với chồn sinh sản cần yên tĩnh, anh bố trí khu vực riêng. Còn chồn đực, chồn con, chồn trưởng thành, anh tập trung vào một chỗ.

Anh Hải ưu tiên sử dụng các loại vật liệu inox, nhựa, gạch men lát nền và làm vách chuồng để chồn dễ di chuyển, không bị kẹt chân, thuận tiện vệ sinh chuồng trại hàng ngày. Mỗi ô chuồng, anh chỉ nuôi 1 con.

Để dễ quản lý, theo dõi chồn cái sinh sản, ở vách ngăn giữa các ô tại khu nuôi chồn trưởng thành, anh thiết kế cửa di động.

"Khi chồn cái có biểu hiện phá chuồng, tiết xạ, tôi mở cửa cho chồn đực sang ghép đôi. Sau 58-62 ngày giao phối, chồn mẹ sinh con. Thông thường, chồn mẹ sinh sản 2 lứa/năm, mỗi lứa 3-4 con.

Chồn cái trong thời gian mang thai và nuôi con cần giữ yên tĩnh, bổ sung canxi, khoáng chất. Còn chồn con thì phải thường xuyên theo dõi, chăm sóc để tỷ lệ sống cao", anh Hải cho hay. Đến nay, trang trại của ông có hơn 100 con chồn hương.

Mô hình nuôi chồn hương của nông dân Đào Sơn Hải (bìa trái) mang lại lợi nhuận cao. Ảnh: N.M/báo Gia Lai

Mô hình nuôi chồn hương của nông dân Đào Sơn Hải (bìa trái) mang lại lợi nhuận cao. Ảnh: N.M/báo Gia Lai

"Mỗi năm gia đình bán 40 cặp chồn giống và 80 con chồn thương phẩm. Chồn thương phẩm nuôi 8 tháng đạt 2,5 kg/con có thể xuất chuồng; giá bán dao động 1,3-1,5 triệu đồng/kg. Chi phí bình quân 600 ngàn đồng/con, doanh thu 3,5 triệu đồng, lợi nhuận đạt 2,9 triệu đồng/con.

Còn chồn giống tôi bán 10 triệu đồng/cặp (chồn đực 4 triệu đồng/con, chồn cái 6 triệu đồng/con), đem lại lợi nhuận cho gia đình 450-650 triệu đồng/năm", anh Hải nói với báo Gia Lai.

Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi chồn, anh Hải cho biết anh luôn chú trọng phòng ngừa dịch bệnh, khẩu phần ăn hàng ngày cho đàn chồn.

Anh cho đàn chồn ăn 2 bữa/ngày, chủ yếu là chuối mốc loại vừa chín tới, cá rô phi đã làm sạch ruột; chi phí 2-3 ngàn đồng/con/ngày. Bên cạnh đó, anh trộn thêm men tiêu hóa 2 lần/tuần vào thức ăn để chồn dễ tiêu hóa.

Ngoài ra, anh bổ sung canxi bằng cách cho thêm tép khô và vitamin A, D, E 1 lần/tuần nhằm tăng sức đề kháng, giúp chồn khỏe mạnh, mau lớn. Hàng năm, đàn chồn đều được tiêm vắc xin phòng bệnh.

Anh cũng thường xuyên thay nước uống cho đàn chồn, quét dọn, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ; định kỳ 1 tuần hoặc 15 ngày phun thuốc khử trùng khu nuôi nhốt, hạn chế dịch bệnh gây hại đàn chồn.

Theo anh Hải, kỹ thuật nuôi chồn hương không quá khó, chi phí thấp, lợi nhuận cao. Vì vậy, gia đình ông đang mở rộng quy mô chăn nuôi, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn bà con nông dân trên địa bàn xã phát triển nghề nuôi chồn hương để đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao thu nhập.

Gợi ý kỹ thuật nuôi chồn hương chi phí thấp, lợi nhuận cao

Theo Dân tộc & Phát triển, chồn hương là loài động vật hoang dã, được sử dụng như một loại dược liệu quý hiếm. Không chỉ vậy, chồn hương còn được biết đến là món đặc sản thơm ngon, thịt ngọt và mềm nên rất được ưa chuộng trong các nhà hàng.

Có nguồn gốc tự nhiên, nhu cầu sử dụng lại cao nên đầu ra của chồn hương khá ổn định. Để nuôi chồn hương chi phí thấp, lợi nhuận cao bà con có thể tham khảo những bước kỹ thuật sau.

Chọn giống

Để có những con chồn nuôi chất lượng bạn nên ưu tiên chọn những con có lý lịch rõ ràng, mẹ mắn đẻ, nuôi con tốt.

Chọn con khỏe mạnh, nhanh nhẹn, không bị bệnh, không dị tật bẩm sinh. Con giống có bộ lông mượt, mắt mùi tinh nhanh, mắt hơi lồi ra một chút, những con có cái có cặp vú phát triển bình thường, không bị khuyết tật, con đực có tinh hoàn lộ rõ phía sau hông.

Nên chọn con giống từ 8 tháng tuổi trở lên để nuôi sinh sản trọng lượng từ 1 - 1,5kg/con thì khả năng nuôi dưỡng và sinh sản sẽ tốt hơn cả. Nếu con quá nhỏ sẽ khó thích nghi, kém ăn, khó nuôi.

Con đực cái với tỉ lệ 1 : 1 vì cây hương khá chung thủy, nếu nhiều cái mà ít đực thì tỉ lệ phối giống và hiệu quả sinh sản không cao. Nên vận chuyển giống vào ban ngày vì lúc này cầy đang ngủ, ít phá chuồng.

Chuẩn bị chuồng nuôi

Vị trí nuôi con cầy hương cần cao ráo, sạch sẽ, yên tĩnh, dễ quản lý, chăm sóc, chuồng phải cách xa khu dân cư, không gần đường quốc lộ lớn, hạn chế các động vật khác tiếp xúc xung quanh...

Chuồng nuôi cầy hương nên đặt hướng đông nam để mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Nên xây tường xi măng trên một khoảng sân trống hình chữ nhật. Tường xây cao khoảng 1m bao quanh phía trên tường là lưới B40 và có cửa mở ra vào chắc chắn…

Phần mái phải được thiết kế chắc chắn, lợp bằng tấm lợp thì phải đóng thật chặt, kiên cố tránh việc chúng trốn ra ngoài hoặc tác động của mưa gió.

Nên xây chuồng chiều ngang khoảng 3m, chiều dài khoảng 5 - 10m, chiều cao chỉ cần 2m. Kích thước cần đảm bảo có thể nuôi với mật độ 1 con/1m2. Trong chuồng nuôi bố trí lối đi ở giữa. Trên tường đóng thêm gác gỗ để chúng leo trèo.

Cầy hương có tập sinh ăn ở sạch sẽ, đi vệ sinh vào một chỗ nên trong khu nhà nuôi bố trí 1 thùng gỗ làm nơi vệ sinh cho chồn.

Kỹ thuật nuôi và chăm sóc

Thức ăn yêu thích của chồn hương là côn trùng như kiến, mối, chim, chuột hay các loại bò sát như rắn, nhông và một số loại quả: đu đủ, chuối, cafe, mít, rễ cây… Còn đối với chồn nuôi, bạn cần cho ăn cơm với thức ăn có cá, thịt đã được chế biến. Chồn bắt từ ngoài tự nhiên về nuôi thường rất nhát nên bạn cần kiên trì tập cho chúng ăn.

Việc tập cho chồn hương ăn thức ăn nhân tạo phải tiến hành từ từ, kiên trì trong 5-10 ngày, cầy mới chịu ăn uống bình thường.

Trước tiên, cần để cầy nhịn đói trong 1-2 ngày, sau đó cho chúng ăn chuối chín bóc vỏ để cả quả (1-2 quả/con/bữa) trộn lẫn với cháo đường (cho tương đối ngọt như nấu chè) nấu nhuyễn. Ban đầu cầy chỉ ăn chuối và liếm cháo đường bám xung quanh, cho ăn như vậy khoảng 4-5 bữa. Sau đó, nghiền nhuyễn chuối chín với cháo đường cho ăn trong 1-2 ngày. Khi cầy chịu ăn, cho ăn cháo đường trước, hoa quả ăn bổ sung sau.

Để tăng khối lượng nhanh cần tập cho cầy ăn cháo đường ninh nhừ với các loại động vật như: Heo, chó, mèo, tôm, cá… và bổ sung thêm B.Complex, vitamin tổng hợp, cám gà đậm đặc (Concentrat)…

Bữa ăn chính của chồn nên thực hiện vào buổi tối, bữa sáng chỉ là phụ. Bạn cần cho chồn ăn đầy đủ thức ăn và nước uống, ngoài ra để đảm bảo sự phát triển của chồn thì sẽ không thể thiếu các chất dinh dưỡng như B.complex, cám gà đậm đặc (concentrat)...

Trong quá trình sinh trường, khi chồn bắt đầu động dục thì con đực xả mùi hương nồng, con cái thường cắn phá chuồng. Lúc này cho chúng ghép đôi với nhau, quan sát quá trình giao phối và tách chúng ra ngay sau khi giao phối kết thúc để tránh chúng cắn nhau. Chồn cái thường mang thai từ 58-62 ngày.

Trong trường hợp chồn hương đẻ nhiều thì tách từng cặp cho bú luân phiên, khoảng 1 tuần sau nhốt chung trở lại. Trước khi đẻ khoảng 30 ngày, cần bổ sung thêm các chất dinh dưỡng cần thiết cho chồn mẹ như B.complex, Vitamin tổng hợp… Sau khi sinh cần cho chồn mẹ uống nước đầy đủ. Chồn con được 35 ngày tuổi cho ăn thức ăn của mẹ.

Cầy hương đã được thuần dưỡng, mỗi năm có thể đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 2-5 con. Cầy hương con rất khỏe, ít bệnh tật…

Ngoài việc cho ăn vừa đủ, tránh thức ăn thừa ôi thiu, hàng ngày cần phải dọn vệ sinh và thỉnh thoảng cho phơi chuồng dưới ánh nắng mặt trời để tiêu diệt mầm bệnh, đảm bảo chuồng trại luôn khô ráo, sạch sẽ, thoáng mát, không gây ô nhiễm môi trường. Phân, nước tiểu được thoát ra ngoài qua hệ thống cống rãnh được bố trí khi thiết kế. Chuồng trại vệ sinh sạch sẽ, giúp cầy hương phát triển nhanh, sinh sản nhiều và không bị bệnh tật.

Phòng và trị bệnh

Trong điều kiện nuôi nhốt, chồn hương rất dễ bị mẫn cảm với những loại thức ăn mới lạ. Chúng rất dễ bị mắc bệnh tiêu chảy, bạn nên phòng bệnh này cho chồn bằng cách trộn thuốc kháng sinh vào trong thức ăn mới.

Ngoài ra chồn hương cũng dễ mắc bệnh cầu trùng tức bệnh phân lẫn máu hoặc bị bệnh thương hàn giống như nhiều loại gia súc, gia cầm khác với biểu hiện sốt cao, phân lỏng màu vàng. Bạn có thể mua các loại thuốc thú y đặc trị, sử dụng theo hướng dẫn liều lượng thuốc/kg thể trọng trên bao bì.

Minh Hoa (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nuoi-con-mat-loi-hien-lanh-man-de-anh-nong-dan-nhe-nhang-kiem-650-trieu-nam-204240901190633422.htm