Nuôi động vật trong đô thị sao cho phù hợp, an toàn

LTS: Sau vụ việc người đàn ông bị hành hung vì một con chó ở chung cư tại quận 7 (TPHCM) gây xôn xao dư luận, việc nuôi động vật ở đô thị, nhất là trong các khu chung cư, lại được dư luận lên tiếng. Làm thế nào để thỏa mãn nhu cầu của người dân về 'thú cưng' nhưng vẫn đảm bảo quy định của pháp luật là vấn đề bạn đọc đang quan tâm, đóng góp ý kiến.

Bà TRỊNH THỊ HƯƠNG Phường 26, quận Bình Thạnh: Thực hiện văn minh không khó

Vụ chủ con chó đánh cư dân ở chung cư như giọt nước tràn ly. Dư luận bất bình và chính quyền thành phố chỉ đạo phải xử lý. Trước đó, tại các tỉnh, thành trên cả nước cũng xảy ra nhiều vụ việc đau lòng liên quan đến việc nuôi chó. Điều này cho thấy, nếu không xử lý mạnh tay và kiểm tra chặt chẽ thì việc tương tự sẽ còn tiếp tục xảy ra. Theo tôi, cần có quy định cụ thể hơn và có mức chế tài hợp lý. Chó thì ai cũng thương, cũng thích nuôi, nhưng nuôi thế nào để không làm phiền lòng hàng xóm, cư dân chung cư thì phải nâng cao hơn nữa ý thức của mình với cộng đồng. Nếu nuôi chó dữ giữ nhà thì khi cho chó phải đóng cổng, rào chắn kín đáo. Nếu nuôi chó kiểng để ẵm bồng hay dắt đi chơi thì khi cho chó ra ngoài phải rọ mõm, cột dây. Từ trước đến nay, không ít người điều khiển phương tiện giao thông đã bị té ngã vì phải tránh chó hay bị chó lao vào xe của mình. Ngoài ra, chủ chó cũng phải có trách nhiệm dạy chó của mình không sủa ồn ào vào giờ nghỉ trưa, nghỉ tối.

Thời gian gần đây, chúng tôi thấy nhiều cô, cậu thanh niên rất ý thức khi đưa thú cưng ra ngoài. Họ để chó vào ba lô, đeo sau lưng, nhìn rất an toàn và lịch sự. Rõ ràng văn minh đâu khó thực hiện!

Luật gia TRỊNH PHI LONG Nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn pháp lý miễn phí, Hội Cựu chiến binh TPHCM: Phải có ý thức vì cộng đồng

Với sự trung thành và biết giữ nhà, xưa nay, chó là con vật thân thương đối với mọi người. Tuy nhiên, thời gian gần đây, có nhiều chuyện xảy ra từ con vật thân thương này: từ cắn người gây thương tích trầm trọng đến rượt đuổi người lớn, trẻ em. Thậm chí không ít người đã xem đường phố, công viên như cái toa-lét cho thú cưng của mình, để chó phóng uế bừa bãi ngoài đường.

Luật pháp đã quy định rất rõ mức phạt tiền khi chủ đưa chó ra nơi công cộng mà không rọ mõm hay cột dây dẫn dắt. Thời gian trước, chính quyền địa phương xử lý nghiêm hành vi vi phạm này thì tình hình thuyên giảm, nhưng gần đây lại xuất hiện tình trạng chó không rọ mõm, cột dây tràn lan ngoài đường. Nếu đưa chó ra ngoài thì phải có ý thức vì cộng đồng, vì cảnh quan thành phố.

Luật sư NGUYỄN KHOA QUYỀN, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai: Người nuôi phải có trách nhiệm với hành vi của vật nuôi

Theo tôi, việc nuôi thú cưng là quyền của mỗi cá nhân, miễn con vật đó không nằm trong danh sách cấm. Nhưng không thể vì quyền lợi, sở thích của người này mà ảnh hưởng đến không gian sinh hoạt của người khác; do đó, tự mỗi người phải có ý thức trong việc nuôi chó, mèo. Đối với đô thị, nhất là ở chung cư, do điều kiện chật hẹp, mật độ người đông nên người dân không nên nuôi động vật nói chung, nuôi chó nói riêng. Nếu có nuôi thì phải nhốt chó, động vật trong cũi sắt và giữ an toàn cho mọi người. Phải định kỳ chích phòng bệnh dại cho vật nuôi và không được để vật nuôi phóng uế bừa bãi, gây mất vệ sinh.

Bên cạnh ý thức của người dân trong việc nuôi thú cưng, thì việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của chủ nuôi thú cưng sẽ góp phần giải quyết những phiền toái do thú cưng gây ra. Chế tài xử phạt đã có và thuộc thẩm quyết giải quyết của chính quyền cấp xã, phường. Nếu việc này được thực hiện nghiêm, chắc chắn ý thức trong chăm sóc và trông giữ thú cưng của chủ nuôi sẽ được nâng cao.

Bạn đọc bình luận trên SGGP Online về vụ “Người đàn ông bị hành hung vì một con chó ở chung cư tại quận 7”

Minh Le: Cần hoàn thiện quy định về nuôi vật nuôi nói chung; và chính quyền các cấp từ ban quản lý chung cư, dân phố, phường nâng cao trách nhiệm bảo đảm quyền lợi của dân cư.

Nguyễn Văn Hùng: Những ai ở chung cư tại các TP lớn đều biết nỗi khổ của cư dân khi một số người “coi chó quý hơn người” gây ra cho tập thể cư dân. Đề nghị phải khởi tố hình sự sớm và tuyên phạt ở mức án cao nhất nhằm làm gương cho chuyện này.

ThanhHo: Hoan nghênh lãnh đạo TPHCM đã chỉ đạo kịp thời về việc xử lý chủ chó (đã sai còn có hành vi côn đồ), cơ quan chức năng sớm hoàn tất hồ sơ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Hung: Cần xử nghiêm. Chính quyền và cơ quan có thẩm quyền cần quan tâm đến vấn đề nuôi chó vì gây nên ô nhiễm, tai họa cho con người.

ĐOÀN HIỆP - TIẾN MINH ghi

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nuoi-dong-vat-trong-do-thi-sao-cho-phu-hop-an-toan-post678247.html