Nuôi dưỡng tình yêu di sản cho trẻ em

Những ngày cuối tháng 11, Bảo tàng Mỹ thuật (số 66 phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội) bỗng đông vui bất ngờ khi nhiều người đến trải nghiệm trưng bày 'Khám phá chùa Diên Hựu - Một Cột thời Lý bằng công nghệ thực tế ảo'. Đây là một công trình phỏng dựng chùa Diên Hựu, do những nhà nghiên cứu, kiến trúc sư của nhóm Sen Heritage thực hiện. Hàng đoàn trẻ em phải xếp hàng chờ đến lượt được trải nghiệm tham quan ngôi chùa nổi tiếng thời Lý trong không gian ảo.

Những ngày cuối tháng 11, Bảo tàng Mỹ thuật (số 66 phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội) bỗng đông vui bất ngờ khi nhiều người đến trải nghiệm trưng bày “Khám phá chùa Diên Hựu - Một Cột thời Lý bằng công nghệ thực tế ảo”. Đây là một công trình phỏng dựng chùa Diên Hựu, do những nhà nghiên cứu, kiến trúc sư của nhóm Sen Heritage thực hiện. Hàng đoàn trẻ em phải xếp hàng chờ đến lượt được trải nghiệm tham quan ngôi chùa nổi tiếng thời Lý trong không gian ảo.

Các vị khách nói chung, các vị khách nhí nói riêng được tận hưởng cảm giác như “đi” trong ngôi chùa xưa. Nhiều em vẫn “thòm thèm” khi phải trả lại kính thực tế ảo. Phía ngoài sân, bảo vệ liên tục phải thông báo: “Hết chỗ, hết vé” với các vị khách. Nhiều người không bỏ cuộc mà bảo nhau sang gửi xe tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám gần đó để quay lại tham quan, trải nghiệm. Việc trưng bày diễn ra chỉ trong một tuần khiến không ít người tiếc nuối. Đến cuối ngày 30-11, thời điểm trưng bày đóng cửa, vẫn có nhiều trường học liên lạc với Ban tổ chức với mong muốn đưa học sinh đến tham quan.

Lâu nay, nhiều ý kiến cho rằng có tình trạng một số giới trẻ quay lưng lại với lịch sử, quay lưng với di sản. Nhưng thực tế điều ấy không hoàn toàn đúng. Ta vẫn gặp những đứa trẻ sáu, bảy tuổi tập hát xoan ở Phú Thọ, những cô bé, cậu bé mới học mầm non đã bộc lộ đam mê các làn điệu quan họ ở Bắc Ninh, hay những bạn nhỏ cùng chia sẻ, kết nối nhau để khám phá khảo cổ học ở Hoàng thành Thăng Long... Câu chuyện khám phá chùa Diên Hựu - Một Cột tại Bảo tàng Mỹ thuật chỉ là một trong nhiều thí dụ. Trước đó ít ngày, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức trao giải cuộc thi “Sáng tác về thầy giáo Chu Văn An”. Cuộc thi dành cho học sinh trên địa bàn Hà Nội và các trường mang tên Chu Văn An trong cả nước. Hàng nghìn bài thi đã gửi về, gồm đủ các thể loại, từ tranh vẽ, thơ, cho đến truyện tranh, kịch... Có những mô hình tái hiện quê hương, khu nhà dạy học của Chu Văn An theo trí tưởng tượng của các em. Có những bộ truyện tranh vẽ tay kể lại những câu chuyện về tư tưởng giáo dục của người thầy đức độ này. Cái hay của cuộc thi là đã tạo một “không gian” rộng, để mỗi học sinh thể hiện năng khiếu của mình trong những lĩnh vực khác nhau. Đồng thời, để tạo ra những tác phẩm, học sinh phải tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp và di sản tư tưởng giáo dục của thầy giáo, danh nhân Chu Văn An. Một cách tự nhiên, học sinh đã có một cuộc “về nguồn”.

Từng có nhiều chương trình giáo dục di sản thành công, giúp trẻ em tìm hiểu tranh dân gian, hay những nghề thủ công truyền thống, những loại hình nghệ thuật trình diễn... do các cơ quan, tổ chức thực hiện. Trong đó, có nhiều nhóm có khởi điểm chỉ là tập hợp một số người yêu di sản trên mạng xã hội, sau đó, mọi người biến từ “ảo” thành các hoạt động thực tế. Những chương trình giáo dục di sản thu hút các em thường có đặc điểm chung là đề cao tính sáng tạo, tính trải nghiệm. Riêng với trường hợp khám phá chùa Diên Hựu, một trong những lý do dẫn đến thành công rực rỡ là bởi trưng bày đã “đánh trúng” tâm lý của giới trẻ bằng ứng dụng công nghệ hiện đại. Từ những câu chuyện nêu trên, có thể thấy, trẻ em có gắn bó với di sản hay không phụ thuộc rất nhiều vào phương pháp giáo dục. Thực tế, trong môi trường sư phạm, vẫn có các hoạt động giáo dục di sản. Nhưng thành công chưa đáp ứng được kỳ vọng do phương pháp phần nhiều vẫn còn hời hợt, thiếu thuyết phục.

Trong thời đại 4.0 hiện nay, khi trẻ em sớm làm quen với công nghệ thông tin từ sớm thì việc ứng dụng công nghệ để giáo dục, giới thiệu di sản là xu thế tất yếu. Hình ảnh các em học sinh xếp hàng chờ đợi để khám phá chùa Diên Hựu bằng công nghệ thực tế ảo để lại nhiều điều đáng suy ngẫm về phương pháp giáo dục tình yêu di sản cho thế hệ tương lai.

GIANG NAM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/cung-suy-ngam/nuoi-duong-tinh-yeu-di-san-cho-tre-em-627589/