Nuôi dưỡng tình yêu sách cho học sinh tiểu học
PTĐT - Giữa cuộc sống đang bùng nổ công nghệ thông tin và các loại hình giải trí, các bạn trẻ nhất là học sinh tiểu học, tìm được niềm vui, những điều bổ ích và tri thức...
Em Trương Ngọc Diệp cùng đọc sách với các bạn bên cạnh thư viện ngoài trời của nhà trường.
PTĐT - Giữa cuộc sống đang bùng nổ công nghệ thông tin và các loại hình giải trí, các bạn trẻ nhất là học sinh tiểu học, tìm được niềm vui, những điều bổ ích và tri thức thông qua những quyển sách. Đây là kết quả của việc định hướng, phối hợp, tạo điều kiện của cả gia đình và nhà trường trong việc hình thành thói quen đọc sách cho trẻ.
Chúng tôi gặp gỡ em Trương Ngọc Diệp, lớp 4A1, Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng khi cùng vài người bạn đang say sưa đọc một cuốn sách ở góc sân trường. Đạt giải Ba Đại sứ văn hóa đọc tiêu biểu năm 2020, em cho biết: “Từ nhỏ em đã rất thích nghe chuyện cổ tích. Mẹ em là người đầu tiên kể cho em nghe những câu chuyện về các nàng công chúa, về truyện Lọ Lem, Tấm Cám, Thạch Sanh… Vì vậy khi lớn lên, biết đọc chữ, em luôn muốn tự mình khám phá thêm nhiều câu chuyện hay. May mắn khi được học ở ngôi trường luôn nuôi dưỡng niềm đam mê đọc sách của học sinh với nhiều học sinh đạt giải cao ở cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc, đó cũng chính là những tấm gương và nguồn cảm hứng khiến em càng đam mê và yêu thích đọc sách hơn”.
Trong câu chuyện, chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi biết cô học sinh bé nhỏ đáng yêu này đang sở hữu một “bộ sưu tập thành tích” đáng nể: Nhiều năm liên tiếp đạt Giải Nhất, Nhì thi viết chữ đẹp các cấp tỉnh và thành phố; Giải Nhì cấp tỉnh thi Kể chuyện theo tranh vẽ biển đảo, Tổ quốc em; Giải Nhất thi Hùng biện Tiếng Anh cấp trường… Chúng tôi có hỏi vui rằng: “Học và thi thế này, thời gian đâu mà vui chơi, giải trí?” Em hồn nhiên trả lời: “Chính những lúc đọc là em đang vui chơi đấy ạ”.
Có lẽ đúng như vậy, đọc sách chính là hình thức giải trí vừa bổ ích vừa cung cấp cho các em kiến thức và các nguồn thông tin có chọn lọc, vừa giúp rèn luyện tính kiên nhẫn, khả năng ngôn ngữ, sáng tạo, cảm thụ và có những góc nhìn mới về cuộc sống, góp phần quan trọng vào nhân sinh quan, thế giới quan của chính các em. Đó là lý do vì sao các trường học trong hệ thống giáo dục và đặc biệt là cấp học tiểu học, đã có những việc làm cụ thể để nuôi dưỡng tình yêu sách đối với các em học sinh lứa tuổi này.
Hoạt động đọc báo Đội được trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng tổ chức vào mỗi sáng thứ 4 hàng tuần tại sân trường.
16 thư viện ngoài trời, 55 thư viện góc lớp, 1 thư viện nhà trường, các hội thi kể chuyện theo sách, lễ hội sách được tổ chức thường niên cùng các buổi giới thiệu sách trong giờ sinh hoạt dưới cờ thứ hai hàng tuần, hoạt động đọc sách giữa giờ thứ tư hàng tuần… là các hoạt động thiết thực được trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng tổ chức nhằm khơi dậy và nuôi dưỡng niềm đam mê đọc sách cho các học sinh. Những buổi sinh hoạt sao với hình thức các anh chị lớp 4,5 đến từng lớp và đọc những câu chuyện hay và ý nghĩa cho các em học sinh khối 1,2,3 đã truyền đi ngọn lửa về tình yêu sách báo đến các em lớp bé. Em Hoàng Bảo Nam, lớp 1A7 hào hứng: “Con rất thích các tiết học sinh hoạt sao, vì con được nghe các chị kể chuyện. Chuyện nào cũng hay. Con sẽ học vần giỏi để có thể đọc được nhiều chuyện như các chị”.
Cũng giống với trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, việc hình thành cho các em học sinh thói quen, niềm đam mê đọc sách và biết trân trọng giá trị từng cuốn sách là một trong những phương pháp giáo dục của trường Tiểu học Cổ Tiết, huyện Tam Nông để lan tỏa tình yêu sách trong trường học.
Chỉ sau hơn 1 tháng phát động, phong trào “Trao cuốn sách yêu thương” của trường Tiểu học Cổ Tiết đã quyên góp được gần 800 cuốn sách, truyện từ các em học sinh.
Dù nguồn kinh phí hạn hẹp, nhà trường đã triển khai nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực để tạo điều kiện tốt nuôi dưỡng tình yêu sách của học sinh. Phong trào “Trao cuốn sách yêu thương” kêu gọi các em học sinh quyên góp sách, báo, truyện của mình cho thư viện trường tuy mới được phát động trong năm học 2020-2021 nhưng đến nay, đã thu về gần 800 cuốn sách, truyện, phục vụ cho 19 tủ sách thư viện góc lớp và 1 thư viện ngoài trời. Đây là những con số nói lên tình yêu sách và mong muốn lan tỏa tình yêu ấy đến tất cả học sinh trong trường học, để ai cũng được đọc những cuốn sách hay, những câu chuyện ý nghĩa, từ đó nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ.
Cô giáo Nguyễn Minh Hạnh – Tổng phụ trách Đội, trường Tiểu học Cổ Tiết cho biết: “Dù cơ sở vật chất còn thiếu thốn, song không vì thế mà các hoạt động đọc sách, báo của các em học sinh bị gián đoạn hay không thực hiện được. Nhà trường chúng tôi luôn lồng ghép việc đọc sách, giới thiệu sách hay vào các tiết học, hoạt động Đội, nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các em. Năm nay, nhà trường vô cùng tự hào khi em Nguyễn Minh Ngọc, lớp 4B đạt giải Nhì Đại sứ văn hóa đọc tiêu biểu năm 2020 và giải “Chia sẻ cảm tưởng hay nhất”. Đây chính là minh chứng cho niềm đam mê của bản thân em cùng nỗ lực của nhà trường trong việc nuôi dưỡng và lan tỏa niềm đam mê ấy”.
Ngày hội sách thu hút các em học sinh trường Tiểu học Cổ Tiết.
Những con số: 42.360 học sinh thuộc các trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh tham gia; 1.754 bài thi viết và 42 bài thi dưới hình thức video clip được chọn để gửi chấm Vòng sơ khảo; 6 học sinh đạt giải Đại sứ Văn hóa đọc năm 2020 toàn quốc, trong đó có 2 em học sinh cấp tiểu học… trong năm thứ 2 cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc được tổ chức trên phạm vi cả nước, đã nói lên niềm đam mê văn hóa đọc trong nhà trường, nhất là bậc tiểu học. Đây cũng là sân chơi bổ ích, thiết thực giúp các em hiểu hơn về văn hóa đọc, là người truyền cảm hứng, từng bước lan tỏa tình yêu sách đến cộng đồng và toàn xã hội.
Nuôi dưỡng tình yêu đọc sách cũng có nghĩa là nuôi dưỡng tinh thần tự học, trở thành người ham học suốt đời. Việc đọc sách cùng với sự hỗ trợ từ gia đình và sự định hướng từ phía nhà trường sẽ giúp các em học sinh tiểu học phát triển tư duy toàn diện, tiếp thu được kiến thức, trở thành người “giàu có” cả về tâm hồn và trí tuệ.