Nuôi dưỡng văn hóa đọc trong học đường
PTĐT - Phát triển văn hóa đọc trong nhà trường được coi là yếu tố quan trọng thúc đẩy quá trình học tập, nghiên cứu, khám phá tri thức của học sinh.
PTĐT - Phát triển văn hóa đọc trong nhà trường được coi là yếu tố quan trọng thúc đẩy quá trình học tập, nghiên cứu, khám phá tri thức của học sinh. Qua đó, từng bước hình thành thói quen, kỹ năng, làm lan tỏa phong trào đọc sách trong nhà trường, góp phần thiết thực nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn và lối sống văn hóa lành mạnh cho học sinh.
Những năm qua, với sự đầu tư của tỉnh, các địa phương, hệ thống cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu dạy và học, các nhà trường cũng đã chủ động hình thành không gian đọc hấp dẫn với đa dạng… nhằm thu hút học sinh tham gia.
Đến nay 100% các trường học của tỉnh có thư viện đạt chuẩn trở lên, trong đó gần 400 trường đạt thư viện xuất sắc; 524/598 trường phổ thông xây dựng mô hình thư viện góc lớp; gần 500 trường học có thư viện ngoài trời; các hoạt động thư viện được tổ chức ngày càng linh hoạt, sáng tạo, phong phú mang lại hiệu quả cao. Tại Trường THCS Văn Lang (thành phố Việt Trì), ngoài thư viện chung, nhà trường cũng đã khuyến khích các lớp xây dựng tủ sách nhỏ, thân thiện ngay trong lớp học. Thầy Hoàng Văn Chường - Giáo viên bộ môn Văn Trường THCS Văn Lang cho biết: Nhằm nuôi dưỡng niềm yêu thích, tạo hứng thú với việc đọc sách cho học sinh, nhà trường luôn chú trọng xây dựng không gian văn hóa đọc gần gũi, thân thiện. Đồng thời thường xuyên bổ sung các đầu sách mới, có chất lượng cao đặc biệt là các sách về kỹ năng sống, phát triển bản thân.Thư viện của nhà trường hiện có hàng nghìn đầu sách các loại như sách tham khảo, sách giáo khoa... Mỗi ngày, thư viện đón từ 20-30 lượt bạn đọc đến đọc tại chỗ và mượn về. Ngoài sách tham khảo phục vụ học tập, các em còn quan tâm nhiều đến sách chủ đề kỹ năng sống, phát triển bản thân, sách văn học, lịch sử...Bên cạnh quan tâm đổi mới hệ thống thư viện trường học, nhà trường thường xuyên xây dựng kế hoạch, lựa chọn chủ đề phát động các cuộc thi tìm hiểu sách, giới thiệu sách hay ở các khối lớp như: Tìm hiểu luật An toàn giao thông, kể chuyện Bác Hồ,… Qua đó, khơi dậy tinh thần đam mê, niềm yêu thích đọc sách, góp phần hình thành thói quen đọc sách, nâng cao ý thức tự học, góp phần phát triển phong trào đọc sách cũng như văn hóa đọc trong nhà trường. Qua mỗi giờ đọc các em đều rất hào hứng, say mê.Em Vũ Thanh Huyền - học sinh lớp 9E Trường THCS Văn Lang cho biết: Đọc sách giúp em có thêm nguồn kiến thức phong phú về các lĩnh vực như: Khoa học, văn học, nghệ thuật, cũng như đời sống. Sách còn có tác dụng giải trí, giúp em giải tỏa căng thẳng, áp lực trong học tập, có thêm vốn từ ngữ, những bài học về giá trị sống và rèn luyện nhân cách.Tuy nhiên, trước sự bùng nổ thông tin, sự phát triển của công nghệ thông tin, internet và các trang mạng xã hội đã tác động không nhỏ vào ý thức tiếp cận thông tin, làm ảnh hưởng tới văn hóa đọc trong giới trẻ nói chung và học sinh nói riêng. Ông Đỗ Thanh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Nuôi dưỡng văn hóa đọc trong học đường, trước hết cần khơi gợi niềm đam mê, yêu thích đọc sách trong học sinh. Để thực hiện điều đó, vai trò nhà trường và giáo viên là hết sức quan trọng. Các thầy cô giáo chính là những tấm gương và là người truyền cảm hứng, định hướng cho các em lựa chọn sách, hướng dẫn cách đọc sách hiệu quả. Bên cạnh đó, các nhà trường cần chủ động đổi mới hệ thống thư viện trường học; quan tâm xây dựng không gian đọc thân thiện, gần gũi như: Thư viện góc lớp, thư viện lưu động, thư viện xanh… Đổi mới hoạt động ngoại khóa, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, giới thiệu sách hay, triển lãm sách... để khơi dậy, đam mê, hứng thú tìm hiểu, đọc sách cho các em học sinh nhằm hình thành thói quen đọc sách, tạo nền tảng quan trọng cho việc tự học, học tập suốt đời của mỗi người, góp phần xây dựng xã hội học tập.
Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/giao-duc/202104/nuoi-duong-van-hoa-doc-trong-hoc-duong-176635