Nuôi hươu kết hợp trồng sâm nam cho hiệu quả cao
Từ năm 2021, ông Nguyễn Đức Hiền (ở xóm Mỹ Khánh, xã Phấn Mễ, Phú Lương) đã tận dụng diện tích vườn bãi của gia đình để đầu tư chăn nuôi hươu sao kết hợp trồng cây sâm nam. Qua thời gian ngắn, mô hình này cho thấy hiệu quả kinh tế, mở ra hướng đi mới nhiều triển vọng ở địa phương.
Nhận thấy chăn nuôi hươu còn khá mới mẻ ở địa phương, ông Hiền đã mày mò tự học và dành thời gian đi tham khảo, học tập kinh nghiệm ở nhiều nơi. Năm 2021, cùng với số tiền tích lũy được cộng với vốn vay ngân hàng, ông đầu tư 1,2 tỷ đồng mua 20 con giống và xây dựng hệ thống chuồng trại.
Theo ông Hiền, hươu là loài dễ nuôi bởi sức đề kháng tốt, ít bệnh, ăn tạp. Thức ăn chủ yếu là cỏ, lá cây, ngô. Ông dành 1 mẫu để trồng cỏ voi cho hươu ăn. Trang trại nuôi hươu được ông tự thiết kế xây dựng bằng gạch và khung thép chắc chắn, chia thành nhiều ô nhỏ, mỗi ô nuôi một con, trên mái và xung quanh tường bố trí các ô thoáng. Mùa Hè lắp quạt, mùa Đông dùng bạt che chắn tránh gió lạnh. Bên cạnh đó, ông thường xuyên vệ sinh chuồng trại bằng vôi bột, các chế phẩm vi sinh để tiêu độc, khử trùng, đảm bảo khu vực chăn nuôi luôn thoáng đãng, sạch sẽ.
Đến nay sau gần 3 năm, ông đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, đàn hươu phát triển khỏe mạnh. Hiện tại trong chuồng có 21 con hươu, gồm 14 con nhung và 7 con nuôi sinh sản. Với hươu lấy nhung, trung bình một con cắt được khoảng 1,7kg nhung/năm (một năm cắt hai lần). Riêng năm 2023, ông cắt được hơn 20kg nhung, thu lãi 350 triệu đồng. Còn với hươu sinh sản mỗi năm ông Hiền xuất bán 6-7 con (giá 12-13 triệu đồng/con).
Thấy nuôi hươu không quá vất vả, còn dư thời gian, ông Hiền về huyện Tân Yên (Bắc Giang) nghiên cứu, học hỏi về cây sâm nam. Đầu năm 2023, ông san gạt đất đồi, làm luống, lắp đặt hệ thống tưới tự động để đưa 3.000 gốc sâm nam về trồng trên diện tích 1ha. Theo ông, sâm nam là loại dược liệu quý, có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Loài dây leo này phù hợp với đất đồi, dốc, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, chỉ cần chú ý tưới nước đều, làm sạch cỏ năm đầu để cây phát triển nhanh.
Ông chia sẻ sau chưa đầy 1 năm, cây sâm nam đã leo tươi tốt và ra hoa. Thông thường khoảng 5 năm sẽ cho thu hoạch củ (trên thị trường đang bán 1,5 triệu đồng/kg củ). Trong khi chờ thu hoạch củ thì ông vẫn có thể thu hái hoa và tỉa lá cho hươu ăn. Vụ vừa rồi ông thu được hơn 2 tạ hoa tươi. Hoa sâm được ông thu hái để bán tươi (giá 230.000/kg), sao khô (giá 800.000/kg). Nhận thấy tiềm năng từ cây sâm nam, mới đây ông đã đăng ký xây dựng sản phẩm trà hoa sâm làm sản phẩm OCOP.
Thăm khu chuồng nuôi hươu và vườn sâm nam, chúng tôi ấn tượng với cách làm nông của ông Hiền. Không chỉ được thiết kế khoa học, thoáng đãng, khu chuồng luôn được giữ sạch sẽ, gọn gàng. Vườn sâm nam được trồng từng luống thẳng hàng, làm sạch cỏ.
Theo ông Hiền, cả việc nuôi hươu sao và trồng sâm nam đều rất mới ở địa phương nhưng rất triển vọng. Chi phí đầu vào thực hiện mô hình không nhiều, gần như theo quy trình tuần hoàn, khép kín. Toàn bộ phân của hươu dùng bón cho cây, lá sâm nam lại làm thức ăn cho hươu. Tất nhiên, để thành công thì điều đầu tiên phải cần cù, chịu khó học hỏi, đúc rút kinh nghiệm. Nhận thấy cây sâm nam mới trồng nhưng đã có những hiệu quả nhất định, nhiều người đã đến nhà ông học hỏi kinh nghiệm. Hiện ông đang ươm 5.000 gốc sâm nam để bán theo đơn đặt hàng.