Nuôi hươu sao - Mô hình kinh tế triển vọng ở vùng cao Điện Biên

Dù chỉ mới triển khai trong thời gian ngắn nhưng mô hình nuôi hươu sao ở huyện Điện Biên (Điện Biên) đã khẳng định rõ tính khả thi, hiệu quả.

Ông Nguyễn Đình Kiên chăm sóc đàn hươu sao của gia đình.

Ông Nguyễn Đình Kiên chăm sóc đàn hươu sao của gia đình.

Mạnh dạn rẽ hướng

Nhắc đến nghề nuôi hươu, nhiều người thường mặc định đây là vật nuôi có giá trị kinh tế cao song lại khó chăm sóc. Tuy nhiên, từ thực tế hiện nay của bà con nông dân vùng cao Điện Biên đã chứng minh điều ngược lại. Hươu sao là vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế, dễ nuôi và ít rủi ro nhất. Đặc biệt là gần đây, sau khi dịch bệnh liên tục xảy ra trên gia súc, gia cầm thì hươu vẫn chứng tỏ là vật nuôi an toàn, ít rủi ro và hiệu quả cao nên bà con đã đầu tư nuôi trở lại.

Gia đình ông Nguyễn Đình Kiên, thôn 5, xã Pom Lót, huyện Điện Biên đã áp dụng nhiều mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm khác nhau, nhưng cho lại lợi nhuận kinh tế thấp. Qua tìm hiểu và tham khảo qua các phương tiện thông tin đại chúng về nuôi hươu sao, vật nuôi có sức đề kháng cao, ít bị bệnh, dễ dàng cho việc chăm sóc. Năm 2017, ông Kiên đã quyết định lựa chọn đầu tư 100 triệu đồng xây dựng mô hình chăn nuôi hươu sao với 4 cặp hươu giống. Năm 2021 gia đình ông Kiên được huyện hỗ trợ 100 triệu đồng từ nguồn vốn nghiên cứu khoa học để nuôi thí điểm.

 Nhờ chăm sóc đúng quy trình mà đàn Hươu của gia đình ông Nguyễn Đình Kiên phát triển rất khỏe mạnh.

Nhờ chăm sóc đúng quy trình mà đàn Hươu của gia đình ông Nguyễn Đình Kiên phát triển rất khỏe mạnh.

Ông Nguyễn Đình Kiên cho biết: “Trong quá trình nghiên cứu thì thấy rằng điều kiện của Điện Biên rất có lợi thế trong phát triển đàn hươu nên tôi xuống Ninh Bình, Hà Tĩnh để học cách chăn nuôi của họ và mua 4 cặp từ năm 2017. Khi 4 cặp về chăn nuôi thì có lợi, nó ăn ít, ăn rau củ quả, thuận lợi trong chăn nuôi nên tôi quyết định tăng đàn”.

Theo ông Kiên, nuôi hươu chuồng trại phải có mái che, thông thoáng. Hươu đực được nuôi riêng từng chuồng để tránh vào mùa động dục sẽ tấn công nhau, gây thương tích. Để giữ vệ sinh trại hươu, ông Kiên dùng tro trấu trộn lẫn xơ dừa để làm đệm lót cho các ô chuồng được sạch sẽ, cách 5 - 6 tháng thay mới 1 lần. “Để nuôi hươu đạt hiệu quả, nguồn thức ăn phải đầy đủ và đảm bảo độ tươi xanh, mỗi ngày cho ăn 2 lần vào các buổi sáng và chiều. Đặc biệt, giai đoạn hươu lấy nhung thì bồi bổ thức ăn có hàm lượng tinh bột cao để nhung đạt trọng lượng cao, bán được giá”, ông Kiên chia sẻ.

Hiện tại huyện Điện Biên đã có tổng đàn hươu gần 300 con. Thực tế cho thấy nuôi hươu sao là mô hình chăn nuôi mới, có giá trị kinh tế cao, vừa đa dạng hóa đối tượng vật nuôi và cải thiện thu nhập cho người nông dân vừa góp phần cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị.

Hỗ trợ người dân khởi nghiệp

Sau 7 năm thực hiện mô hình, đến nay, đàn hươu sao của ông Kiên phát triển tốt với tổng đàn hơn 30 con. Với giá bán nhung hươu dạng thô từ 16 - 17 triệu đồng/kg, hươu giống hơn 30 triệu đồng/cặp, mỗi năm đem lại cho gia đình nguồn thu nhập hơn 200 triệu đồng.

Bên cạnh sản phẩm thu được từ hươu đực là nhung, thì hươu cái cũng mang đến cho người nuôi nguồn thu khá cao từ việc bán thịt. Do vậy, mặc dù thời gian thu hoạch trong năm không nhiều, nhưng với giá bán khá cao và thị trường tiêu thụ ổn định, nuôi hươu sao là mô hình chăn nuôi khá hấp dẫn cho những hộ có nhu cầu chuyển đổi mô hình sản xuất.

Hiện tại ông Kiên đang làm thủ tục để xây dựng Hợp tác xã (HTX) nuôi hươu và hỗ trợ giống, kỹ thuật cho gần 20 hộ trên địa bàn huyện Điện Biên để phát triển mô hình này. Tuy nhiên, do mô hình cần chi phí đầu tư ban đầu khá lớn nên để đảm bảo mang tính ổn định, bền vững, các hộ nuôi cần tuân thủ việc khai báo theo quy định của Luật Chăn nuôi; đồng thời, trang bị các kiến thức liên quan việc phòng ngừa đối với một số bệnh thường gặp.

 Ông Nguyễn Đình Kiên hỗ trợ người dân xây dựng mô hình nuôi hươu sao.

Ông Nguyễn Đình Kiên hỗ trợ người dân xây dựng mô hình nuôi hươu sao.

Bà Lò Thị Mai, bản Na Hai, xã Pom Lót, huyện Điện Biên là một trong những hộ gia đình áp dụng thành công mô hình nuôi hươu sao. Bà Mai cho hay: “Ngày trước nhà mình nuôi bò. Thấy mô hình nuôi hươu sao lấy nhung của bác Kiên hiệu quả nên quyết định chuyển đổi theo. Mình không biết gì cũng hỏi bác, bác nuôi trước, bác biết bác bảo. Lần đầu mang về thì bác cũng hỗ trợ nuôi, hỗ trợ ít ngô”.

Nhận thấy lợi ích kinh tế lớn từ mô hình chăn nuôi hươu sao, vợ chồng anh Hoàng Văn Tài ở bản Pú Tửu, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên cũng đã đầu tư gần 1 tỷ đồng, cải tạo 300m2 đất vườn để xây dựng chuồng trại và mua 30 con hươu giống về nuôi.

Anh Hoàng Văn Tài chia sẻ: “Mình nuôi con hươu sao từ năm 2020 đến 2023 thì thấy qua mấy trận dịch hươu nhà mình vẫn khỏe mạnh, không bị bệnh bao giờ. Trong khi đó một số loại gia súc, gia cầm nhà mình nuôi trước đó chết vì bệnh dịch rất nhiều. Nhận thấy nuôi hươu sao hiệu quả kinh tế cao mà dịch bệnh gần như không có nên mình quyết định đầu sẽ đầu tư thêm vốn để mở rộng trang trại”.

Ông Nguyễn Hồng Thắng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên, đánh giá: “ Nuôi hươu sao HTX được triển khai trên địa bàn của 2 xã là Thanh Xương và Pom Lót. Ngoài việc hỗ trợ HTX, huyện còn hỗ trợ các hộ dân để nuôi hươu liên kết đối với các hộ gia đình. Qua gần 3 năm triển khai cho thấy mô hình nuôi hươu sao trên địa bàn huyện Điện Biên hoàn toàn phù hợp với đặc điểm khí hậu, đất đai, trình độ nuôi dưỡng của bà con”.

Minh Đức

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nuoi-huou-sao-mo-hinh-kinh-te-trien-vong-o-vung-cao-dien-bien-post690733.html