Nuôi loài da trơn được ví như 'nhân sâm nước' lão nông thu lãi tiền tỷ

Với sự chịu khó tìm tòi, học hỏi, ông Trần Văn Đoàn (55 tuổi, ở thôn Đăk Lợi, xã Đăk Ngọk, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) đã phát triển thành công mô hình nuôi cá chình với thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm.

Thu 1 tỷ đồng/năm nhờ quyết định táo bạo

Năm 2012, gia đình ông Trần Văn Đoàn từ tỉnh Cà Mau lên thị trấn Đăk Hà (huyện Đăk Hà) sinh sống và phát triển kinh tế.

Ông Đoàn thu hoạch gần 3 tạ cá chình thương phẩm, trọng lượng từ 1,5 - 2kg/con.

Ông Đoàn thu hoạch gần 3 tạ cá chình thương phẩm, trọng lượng từ 1,5 - 2kg/con.

Khi lên đây ông đã có ý định làm giàu từ các mô hình nuôi cá nước ngọt. Với kinh nghiệm nuôi cá ở quê, năm 2014, ông quyết định đầu tư mua hơn 1.000m2 đất bỏ hoang gần nhà để đào 3 ao (mỗi ao hơn 300m2) nuôi thử nghiệm 20kg (loại 10 con/kg) cá chình giống.

"Tuy có kinh nghiệm nuôi cá nhưng lúc đầu mới thả nuôi cá chình tôi cũng thấy lo vì thời điểm đó ở huyện Đăk Hà chưa có mô hình nuôi cá chình. Sợ cá nuôi thương lái không mua, không có đầu ra là không có thu nhập", ông Đoàn chia sẻ.

Sau 18 tháng nuôi, cá chình phát triển tốt, gia đình ông Đoàn thu hoạch gần 3 tạ cá chình thương phẩm, trọng lượng từ 1,5 - 2kg/con.

Thời điểm đó, ông bán cá chình đặc sản với giá 400.000 - 450.000 đồng/kg, lãi gần 100 triệu đồng, cao gấp 2 - 3 lần giống cá nước ngọt khác.

Cứ như thế, ông Trần Văn Đoàn tiếp tục nhập thêm giống về nuôi trong các năm tiếp theo và đều đạt hiệu quả cao.

Có được nguồn vốn khấm khá từ nuôi cá chình, năm 2019, ông Đoàn mua 1,5ha đất canh tác lúa kém hiệu quả tại thôn Đăk Lợi (xã Đăk Ngọk) để xây nhà và đào 5 ao (5.000m2) nuôi cá chình.

Sau đó, gia đình ông ngưng nuôi ở 3 ao cũ và chuyển hẳn vào thôn Đăk Lợi sinh sống để tập trung nuôi cá chình ở 5 ao mới.

Theo ông Đoàn, cá chình dễ nuôi, ít bệnh, thức ăn dễ kiếm. Về kỹ thuật giúp nuôi cá chình lớn nhanh, khi đào ao xong, phải cho nước vào ngâm gần 20 ngày, rồi rút sạch nước cũ và bơm nước mới vào. Sau đó, dùng vôi bột xử lý nước.

Mực nước phù hợp nuôi cá chình khoảng 1,5 - 2m. Để hạn chế các bệnh đường ruột, ông cho cá ăn 2 ngày/lần và theo giờ cố định.

Hiện mỗi ao ông Đoàn thả nuôi hơn 1.000 con cá chình giống. Sau 8 tháng, tùy vào kích cỡ, ông tiến hành tách đàn sang những ao khác.

Cá chình nuôi khoảng 18 - 20 tháng cho thu hoạch. Từ lúc thả giống đến khi thu hoạch, cá phải được chuyển ao 2 lần. Việc này giúp làm sạch đáy ao, cá chình lớn nhanh.

Để có nguồn thức ăn cho cá chình, ông Đoàn đã thu mua những loại cá nhỏ của các hộ dân ở xã Đăk Ngọk đánh bắt tại các lòng hồ thủy điện.

Tiếp đó, ông đem về cho vào tủ lạnh với nhiệt độ từ -5 tới 0 độ C. Cứ 2 ngày 1 lần, ông lấy lúa xay thành bột rồi trộn với cá nhỏ đã ướp lạnh xay nhuyễn làm thức ăn.

Khi được hỏi về cách chế biến thức ăn này, ông Đoàn cho hay: "Tôi chế biến nguồn thức ăn này là giảm được một nửa chi phí so với thức ăn công nghiệp hiện có.

Thức ăn cho cá chình do mình tự làm đã tích hợp sẵn thuốc ngừa bệnh nên cá chình không mắc các bệnh đường ruột, bệnh gan; tỷ lệ cá sống đạt cao".

Nhờ đảm bảo lượng thức ăn và tiêu chuẩn ao nuôi nên đàn cá chình sinh trưởng tốt. Với 5 ao nuôi, ông Đoàn thu hoạch luân phiên, đảm bảo có cá bán đều đặn.

Hiện, mỗi năm ông bán trên 3 tấn cá chình. Cá đạt trọng lượng 1,5kg/con trở lên có giá từ 500 - 550 nghìn đồng/kg.

Nuôi cá chình không sợ đầu ra, dù giá cá khá cao nhưng có bao nhiêu là tiêu thụ hết, phần lớn bán cho các nhà hàng, khách sạn ở thành phố Kon Tum và Tp.HCM. Nhờ đó, mỗi năm, ông Đoàn thu lãi trên 1 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí.

Nhân rộng mô hình, giúp đỡ bà con

Mô hình nuôi cá chình của ông Đoàn đã mở ra hướng đi mới cho người dân ở xã Đăk Ngọk nói riêng và huyện Đăk Hà nói chung.

Từ năm 2019 đến nay, ông đã giúp hơn 20 hộ trên địa bàn huyện Đăk Hà xây dựng ao nuôi, hướng dẫn kỹ thuật, chọn con giống và chăm sóc cá chình.

Cá chình thương phẩm, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng cho các gia đình.

Cá chình thương phẩm, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng cho các gia đình.

Để nâng cao hiệu quả kinh tế, ông còn liên kết với các hộ nuôi và mỗi năm nhận bao tiêu gần 30 tấn cá chình thương phẩm, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng cho các gia đình.

Bà Y Sương - Chủ tịch UBND xã Đăk Ngọk, huyện Đắk Hà (tỉnh Kon Tum) cho biết: "Hiện nay, nhiều hộ dân trong xã đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất sang nuôi cá chình. Điển hình là gia đình ông Trần Văn Đoàn cho thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm.

Từ mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ nông dân, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con.

Thời gian tới, địa phương sẽ cùng các ngành chức năng mở rộng thị trường tiêu thụ, giúp người dân yên tâm đầu tư sản xuất loại cá này".

Cũng đi lên từ mô hình nuôi này, anh Trần Thanh Sơn, là một trong những thành viên của HTX thành công nuôi cá chình - loài cá được ví như "nhân sâm nước" trên sông La Ngà.

Với việc nuôi cá chình, mô hình tạo mức thu nhập ổn định cho gia đình, mở hướng đi mới trong việc nuôi trồng thủy sản ở địa phương.

Nói về kinh nghiệm sản xuất, anh Sơn chia sẻ thêm, cá chình giống khi bắt về rất nhỏ, dễ chết nên quá trình nuôi, thâm canh, đánh bắt phải có kỹ thuật. Theo đó, cần phải cải tạo, vệ sinh lồng cá theo định kỳ, cho cá ăn đúng giờ, bảo đảm lượng thức ăn. Sau mỗi lứa thu hoạch cá thì cần xử lý nước trong lồng nuôi trước khi thả cá bằng các chế phẩm sinh học. Lồng bè phải được gia cố chắc chắn, tránh để rò rỉ, cá thoát ra ngoài. Cá khỏe mạnh, không xây xát, mới có thể xuất bán được với giá cao. Đến thời điểm hiện tại, các lồng cá của gia đình đạt tỉ lệ thu hồi trên 95%.

Theo anh Sơn, cá chình dễ nuôi, ít bệnh, thức ăn chủ yếu là cá tạp sẵn có tại địa phương. Tuy nhiên, vốn đầu tư con giống khá cao, thời gian dài, từ khi thả giống đến thu hoạch phải mất từ 2 - 3 năm. Những năm đầu nuôi, do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, gia đình anh gặp không ít khó khăn, thậm chí trắng tay.

"Thức ăn khoái khẩu của cá chình là cá tươi, còn thức ăn của cá lăng là cá dạt, cá chết. Lợi thế khi nuôi các loại cá này là thức ăn mình tự kiếm được. Nếu thiếu hụt mình mua lại của bà con trong vùng chỉ với 500 - 1.000 đồng/kg tùy loại.

"Vụ vừa qua tôi thu hoạch hơn 12 tấn cá chình, với giá trên 600.000 đồng/kg đem lại thu nhập trên 1 tỷ đồng sau khi trừ chi phí", anh Sơn phấn khởi chia sẻ.

Duy Huy (tổng hợp)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nuoi-loai-da-tron-duoc-vi-nhu-nhan-sam-nuoc-lao-nong-thu-lai-tien-ty-204241015120759387.htm