Không chỉ được biết đến là biểu tượng quốc gia của Peru, loài lạc đà Vicunã còn là “mỏ vàng” cung cấp loại len có giá trị cao nhất thế giới.
Lạc đà Vicunã có tên khoa học là Vicugna vicugna, chúng chỉ sống trên vùng núi cao của dãy Andes.
Loài động vật quý giá này có thân hình nhỏ, đôi mắt to ngây thơ như mắt nai và bộ lông màu vàng.
Dù bề ngoài có phần yểu điệu nhưng lạc đà Vicunã không phải là loài yếu đuối. Chúng sống trên các đỉnh núi Andes - khu vực nổi tiếng với môi trường sống khắc nghiệt.
Một trong những yếu tố giúp loài này chống chọi với môi trường sống đặc biệt này là nhờ vào lớp lông ấm áp mềm mại, bao gồm các sợi lông tơ xốp, mềm, có tính năng cách điện cực cao.
Trước đây, lông lạc đà Vicunã được mệnh danh là “sợi tơ của Chúa” hay “lông cừu vàng”. Chỉ có tầng lớp quý tộc Inca mới được sở hữu những chiếc áo khoác làm từ lông của chúng.
Mỗi 4 năm một lần, người ta đưa hàng trăm nghìn con lạc đà Vicunã vào những khu bẫy đã được đặt trước đó và thực hiện việc xén lông.
Quá trình này được diễn ra như một nghi lễ có tên gọi là Chaccu của hoàng tộc. Sau khi đã xén lông xong, những con Vicunã sẽ được thả đi an toàn.
Tuy nhiên, khi thực dân Tây Ban Nha xuất hiện ở Nam Mỹ, họ đã “mờ mắt” trước lợi nhuận và đẩy lạc đà Vicunã vào bờ vực của sự diệt vong.
Năm 1976, Vicunã được đặt vào danh sách các loài có nguy cơ tuyệt chủng khi chỉ còn 6000 con tồn tại.
Chính phủ Peru đã phải vào cuộc, đặt ra những chương trình bảo tồn chặt chẽ bậc nhất của thế giới.
Chính phủ đã khuyến khích những hộ gia đình nghèo có thể cải thiện đời sống từ việc nuôi lạc đà Vicunã.
Sau nhiều năm thực hiện bảo tồn, hiện nay số lượng lạc đà Vicunã đã tăng lên khoảng 2 triệu con tại Peru.
Dù vậy, lông của lạc đà Vicunã vẫn là loại len đắt nhất thế giới bởi mỗi năm, một con lạc đà Vicunã trưởng thành chỉ thu được khoảng 200g đến 500g lông.
Do số lượng có hạn mà nhu cầu thì chưa bao giờ “hạ nhiệt”, nên len Vicunã có giá từ 399 đến 600 USD (khoảng 9 - 13 triệu đồng).
Theo Hương Nguyễn/Dân Việt