Nuôi lợn chuồng lạnh 'vượt' bão dịch

Với kinh nghiệm nhiều năm trong chăn nuôi lợn, anh Hà Minh Trường, xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch đã gây dựng thành công mô hình chăn nuôi lợn trong hệ thống chuồng lạnh khép kín. Nhờ áp dụng mô hình, trang trại chăn nuôi của anh Trường hạn chế được dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình.

Mô hình chăn nuôi lợn khép kín của anh Hà Minh Trường là một trong những giải pháp giúp người chăn nuôi giảm bớt rủi ro dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Sinh ra trong gia đình thuần nông nhưng tư tưởng không khuất phục cái nghèo đã giúp anh Trường vươn lên làm giàu, thoát cảnh "chân lấm tay bùn". Sau khi tốt nghiệp Khoa Chăn nuôi thú y, Trường cao đẳng Kinh tế-Kỹ thuật Vĩnh Phúc, anh Trường quyết tâm phát triển kinh tế theo hướng chăn nuôi gia súc dựa trên điều kiện tự nhiên vốn có của địa phương.

Nhận thấy mô hình nuôi lợn thương phẩm đem lại hiệu quả kinh tế cao, anh Trường đã mạnh dạn vay vốn Ngân hàng CSXH huyện và vay mượn người thân trong gia đình để xây dựng chuồng trại nuôi lợn.

Anh Trường chia sẻ: “Năm 2012, tôi bắt đầu nuôi lứa lợn đầu tiên với khoảng 50 lợn thịt thương phẩm. Do chăn nuôi theo quy mô nhỏ lẻ, nên hệ thống chuồng trại khi ấy được xây dựng là chuồng hở theo phương pháp chăn nuôi truyền thống.

Những năm đầu nuôi lợn, thị trường được giá, giá thịt lợn hơi tăng cao, gia đình tôi nhờ đó càng có thêm động lực mở rộng quy mô chăn nuôi với số lượng lớn lợn thịt và lợn nái.

Đến năm 2014, gia đình tôi thu hồi được số vốn ban đầu, có nguồn thu ổn định và tích lũy được kinh nghiệm. Từ đó, tôi và vợ đã quyết định cải tạo chuồng trại, xây dựng mô hình chăn nuôi theo hướng hiện đại để chăn nuôi an toàn, hiệu quả hơn”.

Để cải tạo khu chăn nuôi khoa học, an toàn, anh Trường đã tới những trang trại chăn nuôi lợn thành công tìm hiểu và học cách chăm sóc lợn cũng như kỹ thuật xây dựng chuồng trại. Sau đó, anh đã mạnh dạn đầu tư xây dựng khu chăn nuôi khép kín nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm khả năng mắc bệnh cho vật nuôi.

Được biết, khu chuồng trại chăn nuôi của gia đình anh Trường có diện tích hơn 600 m2, được chia làm nhiều khu khác nhau, bố trí một cách khoa học, phù hợp với từng lứa tuổi của đàn lợn. Chuồng được phân thành các khu chăn nuôi lợn nái sinh sản, khu chăn nuôi lợn con và khu chăn nuôi lợn thịt.

Chuồng trại được xây cách ly với nhà ở, nhiệt độ chuồng nuôi được giữ hợp lý theo điều kiện thời tiết, luôn khô ráo, sạch sẽ. Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, anh đã đầu tư lắp đặt hệ thống biogas phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong gia đình. Khéo tính toán và thực hiện an toàn sinh học trong chăn nuôi, anh Trường hạn chế được rủi ro do giá cả thị trường biến động, dịch bệnh phát sinh.

Theo anh Trường, để đàn lợn luôn khỏe mạnh, ngoài thực hiện nghiêm công tác vệ sinh và giữ cho nhiệt độ của chuồng trại hợp lý, người chăn nuôi phải thường xuyên kiểm tra, tiêm phòng vắc xin định kỳ nhằm chủ động phòng ngừa các dịch bệnh nguy hiểm cho đàn lợn.

Từ mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ, đến nay, gia đình anh đã xây dựng được một quy mô lớn, số lượng lên đến hơn 600 con lợn, thu lãi hàng tỷ đồng/năm.

Hiện nay, trang trại chăn nuôi lợn của anh Trường đang nuôi khoảng 100 lợn thịt và 20 lợn nái. Nhờ mạnh dạn áp dụng đúng quy trình kỹ thuật cùng với những kinh nghiệm tích lũy, nên sau đợt dịch bệnh tả lợn châu Phi, đàn lợn của gia đình anh vẫn đảm bảo an toàn.

Mô hình chăn nuôi lợn khép kín của gia đình anh Trường không chỉ đem đến nguồn thu nhập kinh tế cao mà còn là một trong những mô hình điển hình về những giải pháp giúp người chăn nuôi giảm bớt rủi ro dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Thành công từ mô hình giúp anh Trường trở thành tấm gương tiêu biểu cho nông dân tại xã Bàn Giản trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, nâng cao thu nhập, làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Bài, ảnh: Thảo My

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/64900/nuoi-lon-chuong-lanh-vuot-bao-dich.html