Nuôi lươn không bùn, nông dân miền Tây lãi 500 triệu đồng mỗi năm
Nhờ mô hình nuôi lươn, anh Tô Phước Mạnh (47 tuổi, ngụ ấp Giồng Lớn, xã Vĩnh Kim, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) đã thu nhập hơn nửa tỷ đồng mỗi năm.
Anh Tô Phước Mạnh cho biết: Trước đây vợ chồng anh Mạnh nuôi rắn ri voi. Thấy nuôi rắn tốn kém trong việc tìm thức ăn cho chúng là cá trê, anh nghĩ ra cần nuôi lươn để lấy phân cho cá trê ăn, rồi sau đó bắt cá trê cho rắn ri voi ăn.
Từ năm 2016, gia đình quyết định về xã Vinh Kim định cư và chuyển sang đầu tư nuôi lươn. Do lươn nuôi đặc biệt thích nước sạch; nước càng sạch lươn càng lớn nhanh. Sau thời gian tìm tòi, học hỏi từ các mô hình nuôi lươn ở nhiều tỉnh, thành và qua báo, đài, anh Mạnh sáng tạo ra cách nuôi "không giống ai, không đụng hàng".
Theo đó, anh Mạnh đã xây dựng hệ thống xử lý nước khép kín. Nước cấp đầu vào nuôi lươn sạch, thức ăn, nước thải thừa từ phân lươn dùng nuôi cá trê, rắn hồ ri voi... Và tất cả nước thải từ đó dùng làm nước phân tưới cho cỏ nuôi bò, phân bò dùng nuôi trùn quế, trùn quế làm thức ăn lại cho lươn.
Nhờ quy trình xử lý nước tuần hoàn tất cả các phụ phẩm từ nuôi lươn, cá trê, rắn hồ ri voi đều sử dụng hữu ích cho sản xuất, lại bảo vệ tốt cho môi trường.
Anh Mạnh chia sẻ: Để nuôi lươn thành công trước tình hình biến đổi khí hậu, nguồn nước ngoài môi trường ô nhiễm… việc xây dựng mô hình nuôi lươn không bùn trong bể nổi (xây gạch hay lót bạt) sẽ khắc phục được các hạn chế về nguồn nước, dịch bệnh, quản lý được thức ăn.
Trong đó, khâu tắm cho lươn sao cho càng nhanh càng tốt và đảm bảo bể ở trạng thái luôn sạch. Thông qua việc lắp các béc phun tắm cho lươn được bố trí đều khắp ở bể nuôi; phía dưới bể nuôi lắp 01 đường thoát nước và 01 đường cấp nước lớn.
"Tất cả nguồn nước sử dụng nước giếng khoan được bơm đưa lên bể và xả tràn. Trong quá trình nuôi, gia đình còn chủ động về nguồn lươn giống, thông qua việc mua ương lươn bột từ tỉnh Vĩnh Long về cho ương khoảng 03 tháng để lên lươn giống.
Sau 11 - 12 tháng nuôi từ lươn giống, sẽ đạt lươn thương phẩm và xuất bán. Ưu điểm của mô hình nuôi lươn không bùn là ít tốn công chăm sóc, ít tốn diện tích, đầu ra thuận lợi và giá cả luôn ổn định ở mức cao”, anh Mạnh chia sẻ.
Hiện trang trại của anh Mạnh có diện tích hơn 600m2 được bố trí thành 28 hồ nuôi (5.000 con/hồ), bình quân mật độ nuôi từ 4.000 - 5.000 con lươn giống/hồ (đạt khoảng 1,5 tấn lươn thương phẩm/hồ).
Trang trại của anh hiện đang nuôi 150.000 con, trong đó, sản lượng trung bình khoảng 2-3/1kg, sản lượng 30-35 tấn/năm. Hàng năm, gia đình xuất bán khoảng 30-35 tấn lươn thương phẩm (giá dao động 80.000 - 120.000 đồng/kg) và thu lợi nhuận về trên 500 triệu đồng. Bên cạnh đó, anh còn đang nuôi trên 400.000 con lươn giống để cung cấp cho các trang trại trong tỉnh.