Nuôi lươn không bùn ở Thái Long
Không nuôi lươn ở ruộng như cách truyền thống, anh Nguyễn Văn Hiển, ở thôn Hòa Mục, xã Thái Long (TP Tuyên Quang) làm bể nuôi lươn ngay tại nhà. Độc đáo là, những bể nuôi lươn của anh được làm từ những tấm bạt dứa. Bên trong chỉ có nước chứ không có bùn. Chính sự mới mẻ, độc lạ ấy mà anh đã có lúc phải 'điêu đứng'. Thế nhưng đến nay, những nỗ lực và quyết tâm không ngừng trong thuần hóa và nuôi lươn không bùn đã đem tới cho anh những 'quả ngọt'.
Người tiên phong
Nguyễn Văn Hiển đã từng phục vụ trong quân ngũ, sinh ra và lớn lên trong gia đình làm nông nghiệp. Với bản tính cần cù, chịu khó của người lính trẻ, anh đã thực hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế như chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà, vịt... để nâng cao thu nhập cho gia đình. Tình cờ qua mạng xã hội, anh biết đến mô hình nuôi lươn không bùn đang phát triển mạnh ở các tỉnh miền Nam. Qua tìm hiểu và nghiên cứu, thấy mô hình rất mới lạ, chi phí đầu tư không quá cao, lại cho thu nhập tốt, có thể tận dụng thời gian rảnh để làm, năm 2019, anh Hiển bắt tay vào làm với số vốn khoảng 25 triệu đồng, là người tiên phong thực hiện mô hình này tại địa phương và thành phố.
Ghé thăm các bể nuôi lươn không bùn đúng lúc anh Hiển đang cho lươn con ăn. Chỉ vài tiếng gõ gõ mạnh vào thành chậu, cám được vãi xuống bể, cả đàn lươn con xoắn xít bu lại lúc nhúc tranh nhau ăn mồi.
Các bể nuôi được làm rất đơn giản. Toàn bộ thành bể được làm bằng các ống nhựa, nền bể trải và quây toàn bộ bằng bạt dứa theo hình vuông. Bốn góc bể nối liền nhau buộc vào cọc sắt và có thêm các nan tre để cố định. Bên trong bể chứa mức nước cao khoảng 30 cm. Ở giữa các bể nuôi lươn có các dây giá thể là các dây dứa đã tước nhỏ buộc thành chùm để cho lươn trú ngụ. Ở mỗi bể có 1 ống thoát nước sàn. Các bể nuôi lươn giống này được đặt trong nhà, có mái che, có hệ thống điện chiếu sáng.
Anh Hiển chia sẻ, lúc mới bắt đầu nuôi lươn, do thiếu kinh nghiệm, toàn bộ 1 tạ lươn giống anh nuôi ở 3 bể đều bị chết sạch. Mất công, mất của, anh đã tính đến chuyện phơi bể không nuôi nữa, nhưng được vợ khích lệ, anh quyết tâm làm lại.
Qua sách báo, mạng Internet, anh nhận thấy nuôi lươn không bùn quan trọng nhất là môi trường nước. Lần nuôi lại này, anh sử dụng nước giếng ăn đã được lọc sạch để nuôi lươn. Đồng thời, pha thêm một lượng thuốc tím và muối ăn vào nước để phòng nấm và vi khuẩn gây bệnh cho lươn. Đối với con giống, anh đầu tư nuôi cả 2 giống lươn miền Nam và miền Bắc. Vừa nuôi anh vừa quan sát và thăm dò. Trong 2 năm 2020 và 2021, mỗi năm anh xuất bán được 2 tạ lươn cho các nhà hàng, quán ăn và bán lẻ tại chợ, với giá 220 - 250 nghìn đồng/kg. Thu lãi khoảng hơn 40 triệu đồng/3 bể/năm.
Nhân rộng mô hình
Giờ anh Hiển đã phát triển được 14 bể nuôi. Từ đầu năm 2022, anh tiếp tục thử nghiệm việc tự nhân giống tại gia đình để chủ động giống trong sản xuất.
Để làm được điều này, anh lựa chọn những con lươn khỏe, ăn tốt, có kích thước đồng đều nhau 1,5 - 2 lạng/con để chuyển sang bể riêng. Mỗi bể thụ tinh rộng khoảng 10 m2, hình chữ nhật, có 10 - 12 con/m2, với tỷ lệ là đực cái là 1/4. Các bể nuôi lươn sinh sản được làm cầu kỳ hơn. Trong mỗi bể, anh sử dụng 20 chậu nhựa mềm (loại dùng ươm cây) đặt xung quanh thành bể để đựng bùn. Trong mỗi chậu bùn, anh đặt các đoạn ống nhựa tiền phong ở giữa để làm tổ cho lươn đẻ trứng. Phía trên các ống nhựa đặt các viên ngói để che tổ lươn. Ở giữa bể, anh ghép vài đoạn tre lại với nhau làm cầu đi lại để kiểm tra và vớt trứng lươn. Anh Hiển bảo, ở bể này, bên cạnh nguồn nước sạch thì bùn cũng phải sạch. Bùn được lấy từ ruộng về làm sạch cho vào ngâm 2 - 3 tháng rồi sau đó mới cho bùn và nước vào bể để làm tổ cho lươn. Ngoài ra, để giữ mát cho bể, anh trồng thêm các cây thủy sinh: bèo lục bình, cây rêu... Để lươn sinh sản tốt thì cho ăn thức ăn đầy đủ gồm: cua, tép, ốc, cá tạp, trùn quế, giun đất… và cám công nghiệp 42 - 45% đạm.
Lươn sinh sản có cách nuôi con gần giống như con nhái bén. Sau 3 tháng (tháng 1 - 3) nuôi dưỡng lươn bố mẹ đã bắt đầu sinh sản. Sau khi lươn cái đẻ trứng ta thấy có ổ bọt xuất hiện trên miệng bể. Lươn đực nhả bọt khí bao quanh ổ trứng và ổ bọt lớn dần trên mặt nước. Tùy theo cỡ lươn lớn hay nhỏ mà số lượng trứng thu được rất khác nhau, dao động 200 - 300 trứng một ổ. Lươn thường đẻ khoảng 2 lứa/đợt. Mỗi đợt cách nhau khoảng 1 - 15 ngày. Anh Hiển cho biết, khi phát hiện ổ trứng lươn là phải dùng vợt để vớt trứng, rửa sạch và cho vào ấp trong các chậu nhựa có chứa nước sạch và sục khí nhẹ. Nhiệt độ ấp dao động từ 20 - 25oC. Sau 5 - 7 ngày, trứng bắt đầu nở và sau 2 - 3 ngày thì nở hết hoàn toàn. Sau khi lươn nở được 5 ngày, lươn nhỏ được chuyển sang bể nuôi khác. Lươn con ăn 2 lần/ngày. Thức ăn của lươn con lúc này được điều chỉnh theo từng thời điểm để phù hợp như: trùn chỉ, lăng quăng, cá xay, trùn quế, cám...
Chúng tôi xuống phía vườn bưởi đang trĩu quả. Dưới các tán bưởi, các dụng cụ như ống nhựa, tre, bạt... để làm bể lươn mới đang được anh Hiển chuẩn bị sẵn sàng. Anh Hiển khoe, để làm được bể lươn theo ý mình và tiết kiệm chi phí, tất cả các bể lươn anh đều tự mày mò để làm. Hiện anh đang tự làm thêm 8 bể nữa để chuẩn bị cho những bể lươn sinh sản tiếp theo. Thời điểm này, lươn đang trong quá trình ấp trứng nên không được vào thăm, phải kiêng tiếng động, kiêng xem để tránh lươn bố mẹ ăn mất ổ trứng.
Đồng chí Lê Duy Toàn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thái Long cho biết: “Mô hình của anh Hiển mới thực hiện được 3 năm nhưng đến nay đã có hiệu quả rõ. Đầu năm 2022, anh Hiển đã được tạo điều kiện cho vay 40 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ của Hội Nông dân thành phố để mở rộng mô hình và tăng số lượng con giống. Hội cũng đã triển khai cho các hội viên khác tham quan mô hình. Hiện nay đã có một số hộ có nhu cầu thực hiện mô hình, có một hộ đã tiến hành mua giống và được anh Hiển hỗ trợ kiến thức, kinh nghiệm để làm. Từ nay đến cuối năm, chúng tôi sẽ nhân rộng ra các hộ khác, khi có từ 3 hộ trở lên thực hiện mô hình này, Hội Nông dân xã sẽ tổ chức thành lập Tổ hội nghề nghiệp nuôi lươn không bùn để cùng nhau chia sẻ, giúp nhau cùng phát triển mô hình này. Hội tiếp tục có đề xuất với các cấp tạo điều kiện nguồn vốn hợp lý để cho hội viên vay và mở rộng hiệu quả mô hình hơn trong thời gian tới”.
Nuôi lươn không bùn là một mô hình mới, song với sự mạnh dạn, quyết tâm, anh Hiển đã tìm ra cho mình một hướng phát triển kinh tế mới hiệu quả, tạo thêm việc làm, tăng thêm thu nhập cho bản thân, nâng cao chất lượng cuộc sống cho gia đình và góp phần tích cực vào nâng cao tiêu chí về thu nhập trong tiến trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu ở địa phương.