Nuôi những con 'nghe đã ghê' mang lại nguồn thu 'khủng' cho nông dân
Nuôi toàn con 'độc lạ', nghe tên đã thấy ghê mà nhiều nông dân thoát nghèo, thậm chí làm giàu vì thu nhập từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng mỗi năm.
Thu tiền tỷ mỗi năm nhờ nuôi con "ai gặp cũng xua đuổi"
Với giấc mơ làm giàu từ nông nghiệp, chàng trai 9X Nguyễn Thành Vinh ở Cần Thơ đã mạnh dạn nuôi ruồi lính đen sau khi tìm hiểu thông tin trên Internet. Qua tìm hiểu, anh thấy rằng đây là loài côn trùng có ích mà dễ nuôi. Ruồi lính đen vừa giúp xử lý rác thải, vừa tạo ra nguồn thức ăn dinh dưỡng phục vụ chăn nuôi và chất thải từ nuôi ruồi có thể sử dụng làm phân bón hữu cơ cho cây trồng.
Trước khi bắt tay vào thử nghiệm nuôi ruồi lính đen phục vụ cho mô hình vườn, ao chuồng của gia đình mình, anh Vinh đã theo học kinh nghiệm từ một người đàn anh ở Cần Thơ. Theo chàng trai sinh năm 1994, ruồi lính đen có vòng đời từ 45 đến 50 ngày tuổi. Quá trình sinh trưởng qua 4 chu kỳ: trứng - ấu trùng - kén - ruồi, sau khi đẻ trứng thì ruồi chết. Nuôi ruồi lính đen là một công việc rất nhàn hạ, chi phí thấp, thức ăn rất dễ kiếm và rẻ, thậm chí là “0 đồng”.
Trứng ruồi được ấp bằng cách cho khoảng 100g trứng lên tấm lưới inox rồi bỏ vào chiếc khay đựng bã đậu nành, cám công nghiệp, cám gạo có độ ẩm khoảng 80%, mục đích là không để trứng tiếp xúc trực tiếp với thức ăn gây hỏng trứng. Sau 2 - 3 ngày thì trứng sẽ nở hết, ấu trùng sẽ tự chui xuống ăn bã đậu hoặc cám có sẵn trong khay. Nở xong 3-4 ngày thì đưa ra chuồng nuôi. Chuồng nuôi ấu trùng rất đơn giản, có thể dùng nền gạch, nền xi măng, hoặc lót bạt, không phải xây dựng cầu kỳ hay đầu tư tốn kém.
Nuôi ấu trùng 10 ngày tiếp theo thì có thể dùng làm thức ăn cho gà, vịt, cá, chim,... Cứ 100g trứng ruồi lính đen có thể cho 3 đến 5 tạ ấu trùng. “Thức ăn cho ấu trùng là các phụ phẩm, phế thải từ sản phẩm nông nghiệp như rau, củ, quả hỏng, bã đậu nành, bã bia, bã sắn, các loại xác chết động vật, các loại phân gia súc, gia cầm. Chính vì vậy, ấu trùng ruồi lính đen được xem là chuyên gia dọn dẹp vệ sinh, không gây hại cho người, súc vật”, chàng trai trẻ cho biết.
Sau khi ấu trùng trưởng thành, khoảng 15 ngày sau sẽ chuyển sang màu đen rồi hóa kén. Khoảng 1 tuần sau thì nở thành ruồi. Giai đoạn này ruồi không ăn bất kỳ thứ gì, chỉ uống nước từ vòi phun sương và đẻ trứng rồi chết.
Thời gian đầu anh nuôi ruồi lính đen, giá mỗi kg trứng lên tới 20 triệu đồng nên chỉ trong 2 tháng đầu nuôi và bỏ mối trứng ruồi lính đen cho các trang trại anh có được khoản thu nhập 300 triệu đồng. Nhưng giờ nhiều người nuôi nên giá trứng chỉ dao động từ 7 đến 8 triệu đồng/kg.
Nuôi loại côn trùng gớm ghiếc thu tiền tỷ mỗi năm
Sau hàng chục năm dành thời gian tìm hiểu và khắc phục khó khăn, đến nay, trang trại của "lão nông" Nguyễn Mạnh Khang ở Phú Thọ đã mang về lợi nhuận "khủng" nhờ nuôi loại côn trùng nghe tên đã thấy sợ, đó là giun trùn quế.
Bôn ba qua nhiều nước châu Âu, nhưng kỹ sư chế tạo máy Nguyễn Mạnh Khang đã quyết định trở về quê hương và phát triển nghề nuôi giun trùn quế. Sau hàng chục năm, nay trang trại của ông đã mang về lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm.
Năm 1997, ông Khang về nước đã mang theo ấu trùng giun về Việt Nam, chính thức khởi nghiệp làm giàu từ phế thải nuôi giun trùn quế tại quê nhà của mình ở thị trấn Hưng Hóa, Phú Thọ.
Theo ông Khang, giun sống nơi ẩm ướt có nhiều phân rác, củi mục. Nó là loại thức ăn đạm cao cấp dùng cho gia súc, gia cầm, thủy sản. Đi sâu tìm hiểu ông được biết ở Nhật và Canada, loại giun này được sử dụng để chế biến mỹ phẩm. Trung Quốc, Hàn Quốc có những món ăn, bài thuốc hữu hiệu chữa bệnh từ giun. Nhiều nước tiên tiến trên thế giới sử dụng giun để xử lý chất thải nông nghiệp và công nghiệp giảm ô nhiễm môi trường. Còn phân giun là một loại phân hữu cơ có nhiều tác dụng như kích thích tăng trưởng cây trồng, gia tăng khả năng giữ nước, loại trừ những độc tố, nấm có hại và vi khuẩn trong đất nên có thể đẩy lùi bệnh cho cây trồng...
Mô hình này sẽ rất thích hợp nếu áp dụng ở Việt Nam, nuôi giun quế cùng lúc giải quyết được 3 vấn đề là: xử lý chất thải, cung cấp thức ăn giàu chất đạm và phân vi sinh để bón cây. Nhờ áp dụng mô hình khoa học, khi bước vào trang trại của ông Khang như bước vào một công viên xanh, sạch và không có bóng dáng của ruồi, muỗi.
Sau một thời gian tìm tòi và khắc phục những khó khăn, đến nay, ông Khang đã cho ra đời nhiều trang trại nuôi giun quế, trong đó có một trang trại khoảng 1ha tại thị trấn Hưng Hóa.
Nhờ nuôi được mô hình khép kín như hiện tại giúp trang trại giảm chi phí từ 30 – 40% so với bình thường. Sẵn nguồn giun, trang trại chăn nuôi được thêm ngan gà. Hiện, ngoài việc sử dụng nguồn thức ăn này để nuôi gà hoặc bón cây, trang trại của ông cũng chế biến giun thành thực phẩm. Doanh thu đến từ việc bán tất cả các sản phẩm trên.
Với tổng quy mô trang trại trên 4.000 m2, ông Khang đã giải quyết được việc làm thường xuyên cho khoảng 10 lao động với thu nhập 4 – 7 triệu đồng/tháng. Theo chia sẻ, doanh thu từ mô hình này đạt vài tỷ đồng/năm. Lợi nhuận bình quân của trang trại cũng đạt hàng chục triệu đồng/tháng.
Nuôi dế làm thịt để ăn, ăn không hết thì bán
Những năm gần đây, khi đời sống ngày càng được nâng cao, hầu hết các loại thực phẩm đều trở nên quen thuộc trong các bữa ăn gia đình, thì dế lại được coi là đặc sản. Vì dế sinh sống trong môi trường tự nhiên không đủ để đáp ứng như cầu của thực khách, nhất là các nhà hàng, khách sạn.
Trên các mâm cỗ được gọi là “đặc sản Tây Bắc” cũng dần quen thuộc với món dế chiên giòn hoặc dế xào với nước măng chua...Nắm bắt được nhu cầu đó, ông Lường Văn Chiêng, bản Xôm (xã Thanh An, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) đã ấp ủ ý tưởng nuôi dế thương phẩm và bàn bạc với cả gia đình tìm cách thực hiện.
Cuối năm 2019, gia đình ông Chiêng mua 2kg giống (trứng dế kèm mùn cưa). Sau hơn một tuần ấp theo đúng quy trình, gia đình ông đã có một lồng dế hàng nghìn con. Sau gần 2 tháng, khi dế trưởng thành và sinh sản, gia đình ông lại lấy trứng và nhân thêm nhiều lồng khác.Cứ như vậy, vừa nuôi dế sinh sản vừa bán dế thịt thương phẩm đến nay gia đình ông đã nhân giống và duy trì được 18 lồng dế, mỗi lồng rộng khoảng 3m2.
Mỗi tháng ông Chiêng xuất được từ 100 - 150kg dế thịt thương phẩm với giá từ 200 - 250 nghìn đồng/kg tùy thời điểm. Với mô hình nuôi dế như vậy đã đem lại thu nhập cho gia đình ông Chiêng mỗi tháng trên 20 triệu đồng.
Nuôi toàn con "đáng sợ" mà kiếm tiền tỷ mỗi năm
Chàng trai xứ Thanh Lâm Ngọc Tâm thu lãi tiền tỷ mỗi năm từ trang trại nuôi dế mèn, bọ cạp, cà cuống, tắc kè, thằn lằn với quy mô hàng nghìn m2, đồng thời mang lại việc làm, thu nhập cho nhiều lao động.
Xuất phát từ gia đình thuần nông ở huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa), từ khi còn nhỏ, anh Tâm đã có sở thích tìm hiểu các loài côn trùng như: dế mèn, châu chấu, bọ xít, ong... từ đó anh nảy ra ý tưởng làm giàu từ các loài côn trùng gần gũi với nhà nông.
Ở trang trại của anh Tâm còn nuôi cả bọ cạp, vốn là loại côn trùng có thể chế biến thành đặc sản và có giá trị dược liệu rất cao. Hiện tại, bọ cạp có giá bán buôn dao động từ 400.000 đến 450.000 đồng/kg.
Tại trang trại của anh Tâm cũng đang nuôi hơn 100.000 con thằn lằn (hay còn gọi là rắn mối), theo kinh nghiệm của chủ cơ sở, thằn lằn là loài khó nuôi nhất trong số 4 loài như: dế mèn, cà cuống, tắc kè, bọ cạp.
"Thằn lằn là loại nuôi khó nhất trong 5 loài, ý nói là khó nhất so với các loại kia chứ còn vẫn dễ hơn nuôi gà, nuôi vịt vì nó không có dịch bệnh gì cả. Hiện tại số lượng thằn lằn đang lớn nhất trong trang trại", anh Tâm lý giải.
Với niềm đam mê và tính tỉ mỉ, anh Lâm Ngọc Tâm tiếp tục thành công với việc nhân giống và nuôi thành công tắc kè hoa thương phẩm, xuất khẩu đi nước ngoài như: Trung Quốc, Thái Lan… Hiện tại, anh Tâm có hai trang trại nuôi tắc kè hoa ở thủ đô Hà Nội và quê hương anh ở Thanh Hóa với quy mô khoảng 30.000 con. Giá bán tắc kè hoa thương phẩm tại trang trại dao động từ 400.000 - 1,2 triệu đồng/con, tùy thuộc vào trọng lượng của tắc kè./.