Nuôi ong rừng ở Nậm Lầu
Xã Nậm Lầu (Thuận Châu) được biết đến với nhiều loại sản vật đặc trưng, trong đó có mật ong rừng. Trước đây, bà con chủ yếu khai thác lấy mật những tổ ong trên rừng sâu, nhưng từ nhiều năm nay, ong rừng đã được bà con thuần hóa mang về nuôi để tăng thu nhập.
Xã Nậm Lầu có diện tích tự nhiên hơn 15.500 ha, trong đó gần 6.400 ha rừng, đây là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Nhiều gia đình đã khai thác lợi thế, tăng đàn, mở ra hướng đi hiệu quả trong phát triển kinh tế ở địa phương. Nuôi ong rừng không phải đầu tư nhiều, thùng ong chủ yếu được làm từ những thân cây gỗ có đường kính khoảng 40 cm, cắt 60-70 cm, khoét rỗng và bịt chặt hai đầu; khi thu hoạch mở một đầu, bán cả mật và sáp rồi vệ sinh sạch sẽ thùng, đàn ong sẽ tiếp tục làm lại sáp mới. Những năm gần đây, nhằm giúp người dân duy trì và phát triển nghề nuôi ong theo hướng bền vững, xã đã tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện mở lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, tách đàn, cách phòng trừ dịch bệnh cho đàn ong; kỹ thuật thu hoạch chế biến, bảo quản sản phẩm mật ong, sáp ong. Đồng thời, hỗ trợ, khuyến khích bà con đi tham quan học hỏi kinh nghiệm một số mô hình nuôi ong tiêu biểu ở trong và ngoài huyện. Nếu như trước đây, người dân nuôi ong chỉ nuôi nhỏ lẻ, các thùng ong chủ yếu đặt ở nhà, thì bây giờ người dân đã phát triển nuôi ong theo hướng hàng hóa, biết cách tách đàn để nhân rộng và đặt thùng ong ở trong rừng, vách đá, trên nương cà phê. Nhờ đó, số lượng đàn ong ngày càng tăng lên, hiện nay, toàn xã có hơn 400 hộ nuôi ong rừng lấy mật với tổng số hơn 4.300 đàn, tập trung ở các bản: Nà Kẹ, Huổi Kép, Xa Hòn, Biên, Lọng Lầu.
Theo kinh nghiệm của những hộ nuôi ong lâu năm, để nâng cao chất lượng, sản lượng mật ong, người nuôi phải nắm bắt được kỹ thuật chăm sóc đàn ong theo từng mùa hoa. Bên cạnh đó, ong rừng có tính bầy đàn cao, nhạy cảm với các tác động của thời tiết, ánh sáng, nhiệt độ, vì vậy cần có biện pháp thích hợp phòng chống nắng, chống rét, thường xuyên vệ sinh thùng nuôi ong đảm bảo khô ráo và sạch sẽ, kịp thời phòng trị bệnh cho đàn ong. Ông Lò Văn Dương, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Phong trào nuôi ong trên địa bàn xã đã và đang phát triển mạnh nhờ khai thác tốt diện tích rừng, cây công nghiệp. Tuy nhiên, để nghề nuôi ong phát triển bền vững, ổn định, thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân nuôi ong đúng quy trình, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện mở lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm.
Đến thăm gia đình ông Cà Văn Pâng, một trong những hộ nuôi ong rừng lâu năm nhất ở bản Biên. Ông Pâng cho biết: Hiện, gia đình tôi có 100 đàn ong, mỗi năm cho thu mật 2 lần, trung bình mỗi đàn thu từ 10 - 15 kg mật, với giá bán 140 nghìn/kg, thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Nuôi ong rừng tự nhiên không khó, nhưng cần có sự chăm sóc tỷ mỉ, kiên trì, theo dõi thường xuyên, đặc biệt là phải hiểu được tập tính tự nhiên để chăm sóc thì đàn ong mới không bỏ tổ. Vào mùa đông, để đàn ong không bị chết rét, chết đói, phải dùng rơm, lá chuối, vải cũ... để che chắn gió và thực hiện các biện pháp phòng chống các loài ong khác đến tấn công đàn ong mật để ăn nhộng.
Nuôi ong rừng tự nhiên ở xã Nậm Lầu ngoài lợi ích kinh tế, tạo việc làm và còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giúp thụ phấn cho các loại cây trồng làm tăng năng suất, chất lượng mùa màng và góp phần thiết thực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/nuoi-ong-rung-o-nam-lau-25861