Tảo Spirulina - loại thực phẩm được Tổ chức Y tế thế giới công nhận là thực phẩm bảo vệ sức khỏe tốt nhất của loài người trong thế kỷ 21, là 'siêu thực phẩm' trong các gia đình người Nhật Bản đã được nuôi dưỡng thành công tại thôn K'Nai (xã Phú Hội, huyện Đức Trọng).
Năm 2012, tốt nghiệp Đại học Yersin, chị Nguyễn Thị Bích Trâm (32 tuổi) được nhận học bổng cho sinh viên xuất sắc để tiếp tục du học thạc sĩ ngành quản trị khách sạn, nhà hàng tại Pháp. Năm 2015, chị Trâm trở về ngoài tấm bằng thạc sĩ còn mang theo nửa lít giống tảo xoắn và công nghệ nuôi tảo học được của những người nuôi tảo xoắn hàng đầu ở thành phố Montpellier, Pháp
Tảo xoắn tên khoa học là Spirulina Platensis - là một loại vi tảo dạng sợi xoắn màu xanh lục. Hình xoắn sợi do nhiều tế bào đơn cấu thành nên chỉ có thể dưới kính hiển vi. Tảo xoắn là loài sống được ở mọi vùng nhưng thích hợp nhất với nơi nắng ấm, ít mưa, độ ẩm không quá cao. Từ nguồn vốn được hỗ trợ từ Hội Adaly, Pháp - Hội những người ái mộ Yersin, chị Trâm - người đầu tiên đưa tảo xoắn về Lâm Đồng đã xây dựng nhà nuôi và chế biến trên diện tích 350 m2 tại quê nhà
Từ nửa lít tảo giống ban đầu, chị Trâm đã tiến hành nhân giống. Việc nhân giống phải rất cẩn thận ngay từ bước đầu bởi sinh khối của tảo rất dễ bị ảnh hưởng. Sau 30 ngày, chị nhân giống thành công lên hơn 1.000 lít. Bởi, trong thời tiết nắng tảo phát triển theo cấp số nhân đạt 25% mỗi ngày
Sau khi nhân đủ sinh khối cho các hồ thì sau 3-4 ngày sẽ thu 1/4 hồ và 4 ngày sau tảo sẽ tự đầy trở lại. Dinh dưỡng cho tảo xoắn là các khoáng chất được pha chế từ các chất như sắt, phốt pho, canxi, cali, maggie, lá chè xanh, muối biển… Nhờ vậy, tảo xoắn phát triển ổn định và khỏe mạnh trong suốt cả năm
Thời gian đầu năng suất chưa thực sự cao, nhất là những tháng mùa mưa. Tuy nhiên, đến hiện tại, chị Trâm đã hoàn toàn chủ động nuôi và nhân giống. Tảo xoắn được thu hoạch theo phương pháp truyền thống, tự nhiên. Vào sáng sớm, những tảo xoắn khỏe nhất sẽ nổi trên mặt hồ và tạo thành một lớp váng tảo. Khi đó, người nuôi tảo sẽ gạt nhẹ và lóng nước để lấy lớp tảo này, sau đó sơ chế và bảo quản lạnh ngay lập tức để đảm bảo giữ nguyên được độ tươi của tảo cũng như các chất dinh dưỡng
Cứ 5 kg tảo tươi sẽ chế biến được 1 kg tảo khô. Hiện nay, mỗi tháng các hồ tảo của chị Trâm cho thu 16 - 18 kg tảo khô với giá bán khoảng 2,7 - 3 triệu đồng/kg tảo nguyên liệu khô và 3,1 -3,2 triệu đồng/kg tảo khô thành phẩm. Tảo xoắn có thể chế biến thành các sản phẩm sợi, bột hoặc tảo tươi. Hiện, các sản phẩm tảo của chị Trâm đang cung cấp tại các thị trường Đà Lạt, Sài Gòn, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh… Công ty của chị Trâm cũng đang liên kết với các công ty thực phẩm khác để mở trang trại nuôi và chế biến tảo quy mô lớn ở tỉnh Ninh Thuận trên diện tích 9 ha
Theo chị Trâm, Tảo xoắn có hàm lượng dinh dưỡng rất cao với khoảng 56 - 77% là Protein, 18 loại axit amin quý hiếm, nhiều loại chất khoáng và vitamin. Hợp chất phong phú chứa trong tảo xoắn được gọi là phức hợp sắc tố Protein giúp chống lại sự oxy hóa, bảo vệ tế bào và DNA của con người, tăng cường huyết sắc tố, cải thiện chứng thiếu máu, thúc đẩy tổng hợp Insulin, giảm các yếu tố gây viêm nhiễm, giảm lượng cholesterol xấu trong máu… nên được ứng dụng nhiều trong chế biến thực phẩm